Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Cuộc cạnh tranh bán lẻ tại Trung Quốc là tin tốt cho các nhà xuất khẩu thủy sản
16 | 01 | 2018
Chắc chắn sẽ có ai đó thách thức lời tuyên bố của nhà bán lẻ trực tuyến JD.com gần đây rằng JD.com mở ra “chuỗi cửa hàng tạp phẩm cao cấp đầu tiên” của Trung Quốc.

Cung cấp cá hồi, tôm hùm và cua, chuỗi cửa hàng tạp hóa 7FRESH mới khai trương là hoạt động đầu tư của JD.com vào mảng kinh doanh mà hai công ty trực tuyến lớn của Trung Quốc là Alibaba và Tencent đã nhảy vào. JD.com không phải là tay chơi mới trên thị trường thực phẩm, khi đã bước chân vào cung cấp thực phẩm tươi trực tuyến từ năm 2012 thông qua JD Fresh, vốn là doanh nghiệp con độc lập, chuyên kinh doanh thực phẩm tươi vào tháng 1/2016, sau khi xây dựng hệ thống mà JD.com tuyên bố là “mạng lưới logistic chuỗi lạnh lớn nhất Trung Quốc”. Các sản phẩm thịt và thủy sản tươi, đông lạnh của JD Fresh đến từ hơn 2.000 đối tác, theo JD.com cho biết.

Nhưng rõ ràng JD đã nhận thấy một cơ hội khi triển khai 7FRESH gần đây. Trên thực tế, các thành phố lớn như Bắc Kinh đã có vài năm phát triển các hệ thống siêu thị phục vụ thị trường ngách, cao cấp dành cho người nước ngoài và những người Trung Quốc giàu có, sẵn sàng chi tiền cho các sản phẩm thực phẩm nhập khẩu. Thịt bò và thủy sản nhập khẩu được o bế ở cả hai hệ thống siêu thị trên. Thị trường còn có những người bán lớn khác như chuỗi cửa hàng Hema Xiansheng do tập đoàn trực tuyến Alibaba vận hành.

Tuy nhiên, hy vọng là chuỗi các cửa hàng 7FRESH sẽ chào bán hàng hóa với giá cạnh tranh, bên cạnh hàng loạt quảng cáo tung ra khi khai trương, như xe đẩy đồ tự động. Tuy nhiên, 7FRESH sẽ phải cạnh tranh với Super Species, một chuỗi mới mở của chuỗi siêu thị Yonghui tại Thượng Hải, với sự hỗ trợ từ công ty internet lớn nhất Trung Quốc về vốn hóa thị trường là Tencent, hiện đang nắm 5% cổ phần tại Yonghui.

Giống như 7FRESH, Super Species cũng cung cấp các trải nghiệm ẩm thực tại chỗ, nơi khách hàng có thể mua nguyên liệu và yêu cầu chế biến tại chỗ. Cả hai chuỗi này đều sử dụng dữ liệu khách hàng và công nghệ để vận hành. Tencent đang sử dụng mạng lưới blog Weixin và hệ thống thanh toán di động để thu thập dữ liệu khách hàng, đồng thời xúc tiến thương mại các sản phẩm của Super Species trên khắp mạng Weixin và các sàn thương mại điện tử khác.

Cuộc cạnh tranh là tốt cho thị trường bán lẻ thực phẩm Trung Quốc, vốn từ lâu bị thống trị bởi các công ty nhà nước độc quyền. Đồng thời, làn sóng mới của các nhà bán lẻ này cũng là một điều kiện tích cực cho các công ty trên thị trường quốc tế đang tìm cách xuất khẩu thủy sản sang Trung Quốc. Ngành nhập khẩu của Trung Quốc cũng bị thống trị bởi các nhà nhập khẩu thủy sản được cấp phép hoặc liên kết hợp tác với các công ty như Alibaba và JD.com, sở hữu cơ sở hạ tầng để tìm kiếm và xử lý các sản phẩm thủy sản nhập khẩu.

Tuy nhiên, tương lai lại bấp bênh đối với các công ty tại Bắc Kinh và Thượng Hải, vốn đã thống trị thị trường thương mại truyền thống, đồng thời cung ứng thực phẩm cho các khách sạn, chợ truyền thống, nhà hàng và các nhà bán lẻ. Họ đang bị suy giảm khả năng cạnh tranh trước khả năng những tay chơi mới trên thị trường có thể cung cấp giá minh bạch và giao hàng tận nhà nhanh chóng tới từng khách hàng lẻ. Với mỗi chuỗi siêu thị mới ra đời kể trên đều cung cấp dịch vụ giao hàng thực phẩm trong vòng 30 phút trong bán kính 3km từ các cửa hàng, những người Trung Quốc nghiện thủy sản sẽ không còn cần phải thân chinh tới các chợ để mua hàng.

Ngay cả những chuỗi đồ ăn nhanh cũng có thể cảm thấy sức nóng, khi cả KFC và McDonald’s đều đang tung ra các nhãn hiệu cao cấp hơn để nhắm tới những cư dân thành thị Trung Quốc giàu có, với giá bán cao hơn, bao gồm thủy sản.

Tất cả diễn biến này cho thấy cấu trúc và thứ bậc truyền thống của thị trường nhập khẩu đang hoàn toàn bị đảo lộn. Các nhà bán lẻ truyền thống tại Trung Quốc đang nỗ lực đối phó với sự đổ bộ của Tencent và Alibaba, với nỗ lực cải thiện hình ảnh và vốn hóa lớn trên thị trường.

Bằng cách kết nối với Tencent, có vẻ Yonghui đang lựa chọn cách hợp tác hơn là đối đầu. Và trong một mạng lưới mối quan hệ ngày càng phức tạp, một trong hai nhà bán lẻ trực tuyến dẫn đầu Trung Quốc, JD.com cũng có 10% cổ phần tịa Yonghui, với các hoạt động xúc tiến thông qua dịch vụ JD Daojia, cho phép khách hàng của các siêu thị Yonghui mua hàng hóa trực tuyến. Tương tự, Alibaba, công ty từ lâu được coi là ông vua thương mại trực tuyến của Trung Quốc, cũng có cổ phần trong chuỗi siêu thị Lianhua.

Còn rất nhiều diễn biến mới trong câu chuyện này, đặc biệt là các siêu thị được sở hữu một phần bởi các công ty internet đang tìm cách mở rộng địa bàn kinh doanh. Hiện vẫn chưa rõ các công ty này có thể tận dụng lợi thế dữ liệu khách hàng đến đâu – vốn là thế mạnh khi họ liên tục thu thạp dữ liệu từ các mạng xã hội, các dịch vụ điện toán đám mây, và các hệ thống thanh toán trực tuyến) để nhắm tới các đối tượng khách hàng cụ thể. Ngoài ra, có khả năng là Alibaba, JD và Tencent sẽ tìm kiếm các cơ hội sát nhập hoặc mở rộng vào các ngành kinh doanh thực phẩm và đồ uống như các dịch vụ tiện lợi, thực phẩm hoặc đồ uống.

Một điều chắc chắn là sự thăng hoa của thị trường bán lẻ Trung Quốc, với các lựa chọn và các liên minh đang thiết lập, là cơ hội tốt cho các nhà xuất khẩu thủy sản cũng như người tiêu dùng.

Theo Seafood Source (gappingworld.com)



Báo cáo phân tích thị trường