Ấn Độ đang dần dần chuyển trọng tâm từ xuất khẩu các sản phẩm rau quả tươi sang các sản phẩm rau quả chế biến để có giá xuất khẩu tốt hơn và đối phó với các quy tắc kiểm định chất lượng hàng hóa nhập khẩu nghiêm ngặt hơn tại các nước Tây Á và châu Âu. Dữ liệu do Cơ quan Phát triển Xuất khẩu Thực phẩm chế biến và Nông sản (APEDA) cho thấy xuất khẩu rau tươi giảm từ 686 triệu USD giai đoạn tháng 4 – 12/2016 xuống còn 581 triệu USD trong cùng kỳ năm 2017. Xuất khẩu rau chế biến lại tăng 3,9% lên 197 triệu USD trong cùng kỳ tương ứng.
|
Tương tự, xuất khẩu trái cây tươi giảm 4,3% xuống còn 391 triệu USD trong 9 tháng đầu năm tài khóa hiện tại, so với mức 401 triệu tấn trong cùng kỳ năm ngoái. Xuất khẩu trái cây chế biến và nước trái cây tăng 8,3% lên 460 triệu USD trong cùng giai đoạn. “Nhiều nước đặt ra các quy định chất lượng nghiêm ngặt hơn, khiến các nhà xuất khẩu rau quả tươi gặp nhiều khó khăn, do phần lớn các lô hàng xuất khẩu đều do các thương nhân quy mô vừa đảm nhiệm. Trong khi đó, đối với mặt hàng rau quả chế biến, sự tham gia của các tập đoàn kinh doanh lớn giúp mang lại sự đồng nhất về chất lượng. Do đó, xuất khẩu rau quả tươi đang ngày càng khó khăn, trong khi xuất khẩu rau quả chế biến thì dễ dàng hơn”, theo phân tích của ông Ajay Sahai, tổng giám đốc kiêm CEO của Liên đoàn tổ chức xuất khẩu Ấn Độ.
Những sự dịch chuyển chính sách gần đây cũng đóng góp một phần nguyên nhân gây ra suy giảm xuất khẩu rau quả tươi. Trong tháng 11/2017, chính phủ Ấn Độ đã áp giá sàn xuất khẩu hành ở mức 850 USD/tấn, vốn là mặt hàng chiếm gần mtọ nửa xuất khẩu rau tươi của Ấn Độ. Bên cạnh đó, nhu cầu rau quả từ các nước láng giềng như Bangladesh và Nepal cũng giảm trong vài tháng qua. Thuế hàng hóa và dịch vụ (GST) ở mức 18% đối với rau quả vận chuyển hàng không, đã được dỡ bỏ gần đây, cũng tác động tiêu cực lên xuất khẩu rau quả tươi trong 9 tháng đầu năm tài khóa 2017 – 18.
Ngoài vấn đề đồng Rupee tăng giá, các sản phẩm giá trị gia tăng còn có thời hạn sử dụng dài hơn. Chính phủ Ấn Độ cũng triển khai một số biện pháp khuyến khích các nhà máy tăng cường chế biến rau quả, đồng thời triển khai các công viên thực phẩm siêu lớn để chế biến từ rau quả tươi sang rau quả chế biến, có giá trị gia tăng cao. Tăng hàm lượng chế biến là một trong những biện pháp nhằm giảm thất thoát sau thu hoạch, ước tính lên tới khoảng 30% tổng sản xuất nông nghiệp của Ấn Độ. Về mặt chất lượng, EU vừa công bố các hạn mức dư lượng thuốc BVTV mới đối với tất cả các hàng hóa nông sản, gây khó khăn cho hoạt động sản xuất nông nghiệp tại các nước như Ấn Độ. Ngoài ra, Hàn Quốc cũng vừa triển khai yêu cầu giám sát mới đối với xuất khẩu chân gà rán của Ấn Độ.
Theo Business Standard (gappingworld.com)