Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Khốn khó trên vùng đất khát
10 | 10 | 2007
Không một giọt mưa, chỉ có nắng và gió, gió rát rồi nắng nóng đang ngày ngày thiêu đốt từng mảnh vườn, thửa ruộng ở Ninh Thuận. Hạn hán đã đẩy hàng trăm con người nơi vùng đất khắc nghiệt này vốn đã chật vật trong cuộc mưu sinh thường nhật lại càng khốn khó hơn.

Mưu sinh trong “chảo lửa”

Cuối tháng hai, cánh đồng xã Nhị Hà (Ninh Phước) ngập một màu vàng cháy của rạ khô. Trong nắng gắt và vắng lặng, một phụ nữ trên 40 tuổi, da đen nhẻm, lầm lũi nhặt nhạnh những trái đậu xanh khô quắt còn sót lại trên đám rẫy nứt nẻ vì mấy tháng liền thiếu nước. Thỉnh thoảng chị lại dừng tay hái, tranh thủ cắt đôi túm cỏ đâu đó trên bờ ruộng nhỏ cho vào bao nilông.

Hỏi chuyện, chị bảo cả nhà bốn miệng ăn chỉ sống nhờ ba sào ruộng một vụ, nhưng nắng hạn liên tục từ tháng mười một năm ngoái đến nay đã “cướp” đi nguồn sống duy nhất ấy của gia đình. Để vượt qua, chị phải ngày ngày trên nắng dưới nóng mót cỏ mang bán cho mấy hộ chăn nuôi lẻ, phụ với tiền làm thuê của chồng độ vài chục ngàn, lo cái ăn cho hai con.

Ngược ra hướng bắc theo quốc lộ 1A, chúng tôi về xã Lợi Hải - “tâm hạn” của huyện Thuận Bắc. Trưa nắng như đổ lửa, nóng đến run người. Trên con đường lởm chởm đá dẫn về thôn Bà Râu, anh Pinăng Té đang cố sức gò lưng trên chiếc xe đạp cũ kỹ, phía sau là hai bao cỏ và bó củi nhỏ xíu được buộc tuềnh toàng, méo xệch. Anh bảo mất cả buổi sáng đạp xe ra tận Công Hải - cách nhà gần chục cây số - mới kiếm được chừng ấy. Anh tính: một bao cho hai con nghé - tài sản giá trị duy nhất của vợ chồng anh, còn bao kia bán đong vài ký gạo cho cả nhà, củi thì để đun.

Ăn sáng lo chiều là tình cảnh hiện nay của hàng trăm nông hộ các xã Phước Hà, Phước Nam, Phước Vinh (Ninh Phước), Phương Hải, Nhơn Hải (Ninh Hải), Lợi Hải (Thuận Bắc), Hòa Sơn (Ninh Sơn)... Đất có, ruộng có nhưng không nước tưới đành phải bỏ hoang, nhiều phận người khốn khó phải rời làng đến nơi khác kiếm việc làm, chăn thuê gia súc...

Theo lão nông Tư Lễ (Phước Nam, Ninh Phước), khi thấy mùa mưa năm 2006 kết thúc quá sớm và nắng nóng liên tục đổ sập xuống vào cuối tháng mười năm ngoái, nhiều bà con đã dự đoán gần như tất thảy khó khăn của mùa khô năm nay nên đã tranh thủ đào giếng, vét ao tích nước. “Nhưng tưới có được mấy ngày đâu thì sạch trơn, biết sao bây giờ” - chỉ vào hai ao đất rộng độ hơn 500m2 đã trơ đáy, ông Tư chặc lưỡi nói.

Chạy đồng từ ngàn xuống xuôi

Hàng trăm con bò gầy vất vả kiếm ăn trên những cánh đồng cháy nắng ở huyện Ninh Phước - Ảnh: L.Trường

Từ núi Tà Dum, Phước Trung (Bác Ái), cách thành phố Phan Rang - Tháp Chàm hơn 15km về hướng tây bắc, nơi được ví như “đại bản doanh” chăn nuôi của Ninh Thuận, những ngày đầu tháng ba này đã bắt đầu xuất hiện những cuộc du mục từ ngàn xuống xuôi.

Ngược hướng núi với chúng tôi khi ánh chiều đang dần tắt, anh Đạo Văn Hàng cùng đứa cháu trai vội vã lùa đàn bò gần 20 con về vùng cuối kênh Bắc - cách trang trại của anh khoảng chục cây số, thuộc xã Xuân Hải (Ninh Hải). Người đàn ông hơn 40 tuổi này phân trần rằng bốn tháng rồi không mưa, đến gai dại cũng héo úa, lấy gì cho dê, bò ăn. “Phải chạy hạn thôi, về dưới đó may ra còn kiếm được chút cỏ, không thì mua rơm cho chúng ăn tạm” - anh Hàng nói vậy.

Không chỉ vùng Tà Dum, những ngày này hàng ngàn trâu, bò, dê, cừu ở những vùng “tâm hạn” trong tỉnh được chủ cho “lều chõng” chạy hạn về một số vùng cuối kênh Nam, Bắc, sông Lu, sông Cái... Trò chuyện với chúng tôi trên cánh đồng giáp ranh giữa thị trấn Phước Dân và xã Phước Nam (Ninh Phước), Tùng bảo bầy cừu “thả núi” Nhị Hà hơn 100 con của anh đã phải dời về vùng này từ nửa tháng nay nhưng rồi khát vẫn khát. Vậy là mỗi ngày anh phải chi 15.000 đồng bơm nước từ chiếc giếng khoan của nông dân trong vùng lên ruộng cho cừu uống tạm. “Nếu tính luôn tiền mua cỏ tươi, ít nhất mất đứt hơn 50.000 đồng/ngày” - Tùng than thở.

Trên những cánh đồng khét nắng dọc dài theo quốc lộ 1A từ xã Phước Minh đến Phước Nam, về Phước Dân, xuống An Hải... ngày ngày từ sáng sớm đến tối mịt luôn có đến vài ngàn con cừu, bê, bò tranh nhau từng cọng cỏ cháy để lây lất qua cơn hạn. Nhìn đàn bò đang bắt đầu trơ xương, một nông dân buồn thiu: “Mới vào mùa khô đã vậy rồi, vài tháng nữa không biết ra sao đây”.

Giải pháp chống chọi tạm thời của các chủ nuôi lúc này là trữ rơm rạ, nhưng bây giờ thứ này cũng tăng giá vùn vụt như... vàng. “Trước tết, một xe bò rơm chỉ độ 300.000 đồng, tụi tui đã kêu trời. Nay lên gần gấp đôi nhưng mua được cũng phải trắng mắt” - Tùng ngao ngán.

Theo khảo sát của Công ty Khai thác công trình thủy lợi Ninh Thuận, hiện hồ Tân Giang với dung tích 13 triệu m3 - công trình tưới chủ lực cho hàng ngàn hecta đất của huyện Ninh Phước - đã xuống mực nước “chết” dưới 3 triệu m3, buộc phải đóng cửa từ hơn tháng qua để dành cứu khát cho người và đàn gia súc.

Trong khi đó, hồ thủy lợi lớn nhất tỉnh là Sông Trâu (31 triệu m3) chỉ còn xấp xỉ 7 triệu m3 và đang cạn dần, còn lại hầu hết các hồ vừa và nhỏ như CK7, Ông Kinh, Suối Lớn, Số 8, Thành Sơn... đều trơ đáy. Trên sông Cái, do dòng chảy cạn kiệt nên đoạn cuối ở thành phố Phan Rang - Tháp Chàm nước biển đã xâm mặn hơn 2km.

Trao đổi với Tuổi Trẻ, Phó chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận Trần Xuân Hòa cho biết tỉnh đã giao Sở NN&PTNT Ninh Thuận và các địa phương khẩn trương kiểm tra lại lượng nước của công trình thủy lợi trong tỉnh cùng ao, đìa, giếng của dân để có kế hoạch tưới hợp lý nhằm giảm thiểu thiệt hại, báo cáo về tỉnh trước ngày 15-3 tới. Tỉnh cũng đang triển khai kế hoạch chống hạn với kinh phí dự kiến khoảng 20 tỉ đồng, chủ yếu hỗ trợ nông dân đào ao, khoan giếng, nhiên liệu bơm tưới và vận chuyển, cung cấp nước uống cho bà con.



LÊ TRƯỜNG
Báo cáo phân tích thị trường