Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Cái giá cao của chính sách môi trường mới cho ngành thủy sản Trung Quốc
21 | 05 | 2018
Ưu tiên các chính sách môi trường của chính phủ trung ương Trung Quốc đang tạo nên rào cản lớn cho các tham vọng phát triển nuôi trồng thủy sản của các địa phương tại nước này.

Không khí ảm đạm bao trùm lên các trang trại nuôi trồng thủy sản khắp Trung Quốc trong vài tuần qua khi nông dân bắt đầu chịu tác động toàn diện của cách tiếp cận mới, rất khắt khe của chính phủ về ô nhiễm nguồn nước. Nông dân nuôi cá rô, cá vược và các loại thủy sản khác tại tỉnh Quý Châu đã biểu tình sau khi buộc phải từ bỏ các lồng nuôi của họ tại hồ Guang Zhao. Tại các khu vực khác, Tổng Thanh tra Bảo vệ Môi trường Trung ương, một nhóm công tác liên bộ dẫn đầu bởi Bộ Bảo vệ Môi trường, đã cưỡng chế di dời các lồng nuôi tại khu vực hồ Luoma của tỉnh Giang Tô.

Việc đóng cửa bất ngờ các hoạt động sản xuất tại Giang Tô đã dẫn đến giá cá chép giảm mạnh sau khi một lượng lớn nguồn cung tràn vào các thị trường. Và nông dân nuôi cá tại tỉnh Quý Châu cho biết họ chỉ nhận được thông báo trong thời gian rất ngắn trước khi hoạt động cưỡng chế diễn ra. Họ cũng cho biết chính quyền địa phương từng rất ủng hộ họ sản xuất và thậm chí đã trợ cấp một phần giai đoạn đầu tư xây dựng các lồng nuôi hồi năm 2009.

Các văn bản do Tổng Thanh tra Bảo vệ Môi trường Trung ương cho biết đã đề nghị bồi thươngf cho các nông dân nuôi cá tại Quý Châu lên tới 300 NDT/m2, tương đương 47,03 USD/m2 cho các lồng nuôi lớn. Tuy nhiên, cơ quan này cũng đã công bố một cảnh báo rất kiên quyết. “Những ai không tự di dời các lồng nuôi, một nhóm sẽ đến để tiến hành di dời… Nhóm này sẽ không chịu trách nhiệm về các trang thiết bị bị tháo dỡ”, theo văn bản này ghi rõ.

Các hoạt động cưỡng chế đóng cửa này là một phần kế hoạch của chính phủ Trung Quốc nhằm theo đuổi sự chuyển dịch bảo vệ môi trường, tăng cường chất lượng thay vì số lượng trong nuôi trồng thủy sản, đang nhanh chóng trở thành luật chơi mới tại Trung Quốc.

Trung Quốc đã cải tổ hệ thống thi hành các quy định môi trường thông qua một giai đoạn tái cơ cấu các bộ ban ngành. Sự thay đổi này tạo nên một hiệu ứng thủy triều trên khắp đất nước; tại Quý Châu, một tỉnh cận nhiệt đới tiếp giáp Tứ Xuyên và Vân Nam, sự thay đổi này dẫn đến chính sách “Làm sạch 3 con sông lớn”, nhằm kiểm soát ô nhiễm trên các sông Mekong và Dương Tử, hai con sông lớn nhất của châu Á, chảy xuyên qua khu vực này.

Tháng 1/2018, Thứ trưởng Bộ Thủy sản Trung Quốc Yu Kangzhen hứa sẽ xử lý triệt để vấn đề ô nhiễm nuôi trồng thủy sản và nuôi cá lồng quá mức, với trọng tâm cải thiện chất lượng và an toàn thủy sản nuôi của Trung Quốc. Năm 2017, sản lượng nuôi trồng thủy sản Trung Quốc giảm 2,7%; trong đó, sản lượng khai thac thủy sản giảm 4,7%, theo dữ liệu từ Tổng cục Thủy sản thuộc Bộ Nông nghiệp Trung Quốc cho hay. Ông Yu cho biết nguyên nhân chính là sự chuyển dịch mục tiêu chính sách ngành. Ông tin ràng bảo vệ môi trường sẽ không gắn với tăng trưởng ngành nuôi trồng thủy sản của Trung Quốc. Điều này có thể dẫn đến một ngành nuôi trồng thủy sản sạch hơn, nhỏ bé hơn, đầu tư vào các phương pháp nuôi và công nghệ yêu cầu sản phẩm sạch hơn.

Tuy nhiên, sự chuyển dịch chính sách này đang dẫn đến sự va chạm liên quan đến vấn đề đền bù cho nông dân nuôi trồng thủy sản, gây rủi ro cho kế hoạch mở rộng sản xuất của nông dân Trung Quốc và sẽ khiến họ không còn tâm trạng để đầu tư thêm vào các hồ nuôi do lo ngại bị cưỡng chế di dời.

Kết quả là nông dân quy mô nhỏ có thể buộc phải lựa chọn giữa tự nguyện hay bị cưỡng chế rời bỏ ngành, dẫn đến sự kiểm soát mạnh hơn ngành nuôi trồng thủy sản dưới bàn tay của các công ty lớn như Baiyang, Guolian, và Tongwei – các cánh tay nối dài quyền lực của chính quyền địa phương. Chính quyền Trung Quốc thực chất cũng muốn tạo nên những mũi nhọn sản xuất, được cho vừa là đảm bảo, vừa là động lực cho tiêu chuẩn, chất lượng. Tuy nhiên, các doanh nghiệp này gần đây đang tìm cách rời bỏ ngành nuôi trồng thủy sản để chuyển sang các ngành khác như năng lượng mới, trong trường hợp của Tongwei, hay giáo dục (Baiyang) – vốn là những ngành đang dẫn đầu khả năng sinh lời. Hiện vẫn chưa rõ liệu các công ty này có còn tập trung vào ngành thủy sản.

Về phần mình, chính phủ Trung Quốc đang phản ứng trước áp lực công chúng ngày càng tăng về giảm ô nhiễm nước, đất và không khí và các vấn đề an toàn thực phẩm nội địa. Theo nhiều cách, việc mở rộng sản xuất thủy sản hàng loạt của Trung Quốc đã đạt được nhiều thành tựu và lờ đi tác động môi trường, dẫn đến việc nước này hiện phải trả giá cho lỗi lầm trước. Mô hình trước đó của Trung Quốc đạt được thành công thông qua các khoản trợ cấp lớn – giúp đất, nước và các tiện ích công khác được cung cấp cho các nhà sản xuất và chế biến ở mức chi phí thấp – nhưng hiện Trung Quốc lại phải chi ra hàng tỷ NDT để làm sạch môi trường.

Trong bối cảnh này, chính phủ Trung Quốc có vẻ đang sẵn sàng lờ đi hoặc hy sinh lợi ích của các nhà sản xuất thủy sản quy mo nhỏ, như những người gần đây đã bị cưỡng chế khỏi các hồ và nguồn nước họ nuôi trồng thủy sản. Một chiến dịch cải thiện chất lượng nước được cho là nguyên nhân dẫn đến việc đóng cửa hàng loạt trang trại chăn nuôi lợn không có trang thiết bị đầy đủ và chính sách thuế môi trường cũng đã được triển khai đối với chất thải nông nghiệp.

Ngành chăn nuôi lợn và sản xuất thịt lợn hiện phần lớn nằm trong tay các doanh nghiệp lớn, rất nhiều trong số này niêm yết trên các sàn chứng khoán. Họ đang mạnh tay đầu tư vào các hệ thống quản lý chất thải giúp họ tuân thủ các quy định môi trường mới. Tình hình tương tự có vẻ không áp dụng cho ngành nuôi trồng thủy sản, mặc dù hoạt động sản xuất trong ngành này cũng đang chuyển dịch theo hướng tiêu chuẩn hóa hơn thông qua sự nổi lên của một số công ty lớn như Tongwei.

Cuối cùng, những lo ngại hiện nay về ô nhiễm nguồn nước của Trung Quốc sẽ phải đánh đổi các quyền của nông dân nuôi trồng thủy sản. Tuy nhiên, việc gạt sang một bên quyền lợi của nông dân không đảm bảo các nhà đầu tư tiềm năng, những người chắc chắn sẽ tính toán kỹ lưỡng, về việc liệu Trung Quốc có đẩy gánh nặng chi phí của các đầu vào như nước – và chi phí làm sạch môi trường – cho các nhà sản xuất và những người mua thủy sản hay không. Điều này có thể gây thiệt hại nghiêm trọng cho khả năng cạnh tranh của ngành thủy sản Trung Quốc.

Đối với những nhà vận động xã hội ngành thủy sản tại Trung Quốc, việc đóng cửa các khu vực ô nhiêm nguồn nước có thể là vấn đề đau đầu trong thời điểm hiện tại. Nhưng những mối đe dọa lớn hơn lại có thể gây lo ngại sâu sắc trong dài hạn – biến đổi khí hậu đang tác động tới nhiệt độ nước, dịch bệnh đang tăng trong ngành thủy sản Trung Quốc và sự thay đổi lớn về nhân khẩu học khiến ngành thủy sản Trung Quốc mất đi lợi thế cạnh tranh chi phí. Với quá nhiều vấn đề nghiêm trọng nảy sinh, năm 2018 có thể sẽ là năm của các vụ khởi tố, các đợt biểu tình và sự ra đi của nhiều nông dân nuôi cá Trung Quốc ra khỏi ngành.

Theo Seafood Source (gappingworld.com)



Báo cáo phân tích thị trường