Với lượng phân thải tương đương của 5 con trâu bò hay 10 con lợn hoặc 100 con gia cầm, nông dân có thể xây dựng một công trình khí sinh học (KSH) biogas quy mô nông hộ. Giá trị kinh tế mà lượng KSH đem lại riêng trong việc đun nấu khoảng 2, 5 triệu đồng/hộ/năm. Như vậy chỉ trong 2 năm, dân có thể lấy lại vốn. Nếu hạch toán vào chăn nuôi, đó có thể coi như một nguồn lãi đáng kể, làm giảm giá thành chăn nuôi khoảng 7%. Mặt khác, phụ phẩm của thiết bị KSH gồm nước thải lỏng và phụ phẩm đặc (bã thải) là những sản phẩm có giá trị thiết thực đối với sản xuất của nhà nông. Chúng được sử dụng vào nhiều mục đích, làm phân bón, nuôi nấm, xử lý hạt giống hay làm thức ăn bổ sung cho gia súc, nuôi cá, nuôi giun. Kết quả nghiên cứu cho thấy, dùng phụ phẩm lỏng phun trên lá giúp năng suất cây trồng tăng bình quân khoảng 10% so với bón trực tiếp vào đất. Trong khi đó, bón phối hợp với phân vô cơ sẽ làm tăng độ hòa tan và hấp thu phân bón hóa học của đất; đồng thời hạn chế sự suy giảm chất dinh dưỡng, tăng hiệu suất sử dụng NPK lên 10- 30%. Ngoài ra, cách làm này cũng thúc đẩy hoạt động của vi sinh vật, giữ phân cho đất, làm đất tơi xốp, tránh tình trạng đất bị chai do được bón quá nhiều phân hóa học.... Một két quả nghiên cứu tin cậy của Viện nghiên cứu KSH Thành Đô (Trung Quốc), cách bón phối hợp trên làm tăng năng suất hơn bón riêng rẽ từ 7- 9% và từ 12,1 - 14,5% so với đối chứng không bón phân. Với lúa nước, khoai lang, bắp cải.... bón phối hợp với lân đều giúp tăng năng suất cây trồng 5,8- 8,9%,...
Với kết cấu khép kín và sử dụng triệt để nguồn chất thải trong chăn nuôi, sinh hoạt (hầm biogas nối với nhà vệ sinh), công trình KSH đã phần nào giải quyết một trong những vấn đề bức xúc hiện nay ở các vùng nông thôn là tình trạng ô nhiễm môi trường, đặc biệt tại những vùng chăn nuôi. Tại tỉnh Hải Dương trong kế hoạch đến hết 2010, sẽ đưa số công trình KSH lên khoảng 10.000 - 11.000 công trình. Theo tính toán, với số công trình này sẽ cơ bản giải quyết ô nhiễm môi trường chăn nuôi quy mô nông hộ trong nông thôn. Mặt khác, giảm lượng khí nhà kính tương đương lượng CO2 tới 40.000- 80.000 tấn /năm. Cùng với việc sử dụng để đun nấu, KSH còn được sử dụng để thắp sáng, sử dụng các thiết bị gia dụng khác như tủ lạnh, bình nước nóng lạnh hay chạy động cơ đốt trong,... KSH được xem là một trong các giải pháp gắn liền trong việc phát triển một nền chăn nuôi bền vững.
Chính những lợi ích này đã thuyết phục được nông dân lựa chọn giải pháp KSH. Bằng chứng là chỉ trong chưa đầy 9 tháng của kế hoạch năm 2006, Chương trình KSH cho ngành chăn nuôi Việt Nam với sự tài trợ của Tổ chức phát triển Hà Lan - SNV đã thực hiện 8.513 công trình biogas. Số địa phương tham gia dự án tăng từ 12 tỉnh thành (pha 1, 2003- 2005) lên 20 tỉnh năm 2006- năm đầu của pha 2, 2006- 2010 và 26 tỉnh trong năm nay. Mục tiêu trong năm 2007 sẽ có khoảng 16.000- 18.000 công trình KSH được thực hiện. Tuy vậy, biogas trên thực tế đã phát triển rộng rãi khắp cả nước từ năm 1998 với sự hỗ trợ ngân sách của tỉnh hoặc dân tự bỏ vốn làm. Cũng tại tỉnh Hải Dương, chỉ trong 3 năm từ 2003- 2005 đã có trên 2.600 công trình KSH ngoài dự án được dân bỏ tiền xây dựng. Trên phạm vi cả nước, số công trình do dân tự đầu tư đến nay ước tính lên đến hàng vạn công trình. Cố vấn trưởng chương trình, ông Rail Derd đánh giá, đây là một tốc độ đáng ngạc nhiên. Ông Rail cũng nhìn nhận, ô nhiễm môi trường là một trong 2 vấn đề lớn nảy sinh ở một quốc gia đang trong giai đoạn có tốc độ phát triển nhanh (tốc độ phát triển chăn nuôi của Việt Nam khoảng 9,5%/ năm). Và, biogas là một trong những giải pháp góp phần hóa giải vấn nạn này. Hiệu quả cao, tác dụng lớn, ảnh hưởng tích cực và rộng rãi, nhất là trong vấn đề môi trường là những lý do Chương trình KSH của Việt Nam được đề cử Cúp vàng Giải thưởng năng lượng toàn cầu, sẽ được tổ chức trao giải vào th¸ng 4 tíi t¹i BØ.