Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
5% ngân sách hỗ trợ dự án đầu tư nông nghiệp - cú hích chưa đủ tầm?
11 | 08 | 2018
5% Ngân sách Trung ương và địa phương để khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp nông thôn thực sự đã đủ hay chưa?

Dự thảo lần 4 Thông tư hướng dẫn thực hiện một số điều của Nghị định số 57/2018/NĐ-CP ngày 17/4/2018 về cơ chế, chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn của Bộ Kế hoạch và Đầu tư quy định ngân sách Trung ương và địa phương sẽ dành tối thiểu 5% vốn đầu tư phát triển hàng năm cho ngành nông nghiệp để thực hiện chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn. Điều này được xem là những động lực để tạo ra “cú hích” đầu tư vào nông nghiệp nông thôn trong thời gian tới.

"Quy định Ngân sách trung ương và Ngân sách địa phương cùng dành tối thiểu 5% vốn đầu tư phát triển hàng năm cho ngành nông nghiệp. Số vốn này khó có thể đủ cho các dự án. Nếu dùng nguồn vốn lồng ghép thì phải có quy định cụ thể, nếu không sẽ khó thuyết phục Sở Tài chính – đại diện Sở KHĐT tỉnh Hà Giang phân tích.

Cụ thể, theo vị này, theo ước tính, mỗi năm tỉnh Hà Giang có thể thu xếp được nguồn vốn khoảng 30 tỷ đồng để hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp nông thôn, tuy nhiên điều đáng nói, ví dụ như với một dự án đầu tư nuôi bò của Tập đoàn TH cũng cần tới 200 tỷ đồng. Điều này nói lên rằng, tỉnh sẽ không bao giờ có đủ tiền hỗ trợ cho cho một dự án đầu tư lớn chứ chưa nói đến là các dự án đầu tư. Như vậy tỉnh sẽ lại rơi vào thế “lực bất tòng tâm”.

Ngoài ra, trong trường hợp các địa phương “sáng tạo” bằng việc dùng nguồn vốn lồng ghép, từ nhiều nguồn khác nhau thì hiện nay chưa có quy định cụ thể, vì vậy việc lập hỗ trợ các dự án đầu tư sẽ khó thuyết phục được các Sở Tài chính.

Còn nhớ đến “sáng kiến” của các địa phương trong việc chủ động đứng ra tích tụ ruộng đất của người dân sau đó cho doanh nghiệp thuê lại. Về mặt “tình” thì điều này rõ ràng đang gỡ bỏ những nút thắt cho doanh nghiệp, tuy nhiên nhìn ở góc độ “lý” thì chưa có hành lang pháp lý. Điều này sẽ khiến các hoạt động hỗ trợ tại các địa phương không khỏi lúng túng mà chưa nói đến các hệ lụy xảy ra phía sau.

Như vậy, câu chuyện hỗ trợ, khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp tiếp tục lặp lại vòng luẩn quẩn, chính sách “đẹp” nhưng chưa đi vào được thực tiễn của doanh nghiệp, như cách mà một doanh nghiệp có hoạt động đầu tư vào nông nghiệp tại Bắc Ninh mới đây đã từng than!

Theo Diễn đàn doanh nghiệp



Báo cáo phân tích thị trường