Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Đề án rau quả và hoa, cây cảnh đến 2010: Mục tiêu 1 tỷ USD có quá xa vời?
30 | 08 | 2007
Khi soạn thảo và phê duyệt Chương trình phát triển rau quả và hoa, cây cảnh thời kỳ 1999-2010, ai cũng hào hứng, say sưa với mục tiêu đưa kim ngạch xuất khẩu rau quả và hoa, cây cảnh đến năm 2010 đạt 1 tỷ USD. Nhưng cho đến cuối năm 2006, kim ngạch xuất khẩu rau quả và hoa, cây cảnh mới chỉ đạt 280 triệu USD, tức là chưa đạt 30% so với kế hoạch.

Chệch hướng đầu tư và lãng phí!

Thực tế, một số mô hình sản xuất và xuất khẩu ra, hoa, quả đạt hiệu quả kinh tế cao, giá trị sản xuất đạt 400-500 triệu đồng/ha/năm và cũng đã có những doanh nghiệp xuất khẩu được hàng chục triệu USD/năm. Thế nhưng, một điều khó hiểu là dù đã được đầu tư hàng chục triệu USD và trải qua gần 8 năm thực hiện, nhưng kim ngạch xuất khẩu rau hoa, quả dường như vẫn giậm chân tại chỗ. So sánh kim ngạch xuất khẩu rau hoa, quả năm đầu thực hiện chương trình với thời điểm hiện nay, chúng ta thấy không có sự khác biệt gì lớn. Năm 2000, kim ngạch xuất khẩu hoa, quả và cây cảnh đạt 213 triệu USD; năm 2006 là 280 triệu USD. Tại sao vậy?

Theo PGS.TS Trần Khắc Thi, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu rau quả, chương trình rau quả và hoa, cây cảnh đã được Bộ NN&PTNT soạn thảo khá công phu, nhưng cho đến nay, đã bộc lộ rõ những tồn tại lớn như: mục tiêu đề ra chưa sát, xác định đối tượng cây trồng chưa thật chuẩn, tập trung đầu tư quá lớn cho các nhà máy chế biến… Riêng cây rau, đề nghị đến 2010, mục tiêu cho nội tiêu là 80kg/người/năm, nhưng đến năm 2006, tổng sản lượng rau của cả nước đã đạt 9,6 triệu tấn. Nếu chia cho 80 triệu dân, thì đạt trên 100kg/người/năm. Như vậy, mục tiêu cho nội tiêu đã đạt được khá cao. Còn xuất khẩu, mục tiêu đặt ra là đến 2010, kim ngạch xuất khẩu rau quả và hoa, cây cảnh là 1 tỷ USD, trong đó, chỉ tiêu cho rau là 690 triệu USD. Nhưng năm 2006, tổng kim ngạch xuất khẩu hoa quả và cây cảnh cả nước đạt 280 triệu USD. Trong cơ cấu cây rau, Bộ NN&PTNT đã tập trung nhiều cho phát triển cây măng tây, khoai sọ, măng tre, nhưng thực tế, những cây này đóng góp vào kim ngạch rất ít. Trong khi, kim ngạch xuất khẩu của nước ta hiện nay nhiều nhất vẫn là nhóm cây thông dụng như: cải bắp, khoai tây, cà rốt, tỏi…

Việc xác định đối tượng chưa chuẩn xác và tập trung đầu tư quá lớn cho các nhà máy chế biến, hiện cũng đang gây ra sự thất thoát, lãng phí rất lớn. Ông Phạm Quốc Doanh, Vụ phó Vụ Nông nghiệp (Văn phòng Chính phủ), nhận định: “Hiện nay, chúng ta chưa có định hướng cho nhà đầu tư chế biến, nên hầu hết các cơ sở chế biến đều không hiệu quả”.

Theo báo cáo tổng kết 5 năm thực hiện Chương trình rau quả và hoa, cây cảnh, hầu hết các nhà máy chế biến công nghiệp đều thiếu nguyên liệu. Các nhà máy chế biến bình quân chỉ đạt 20-25% công suất, cá biệt, Nhà máy chế biến cà chua cô đặc Hải Phòng chỉ đạt dưới 10% công suất. Điều này cho thấy lỗ hổng lớn trong ngành chế biến rau quả và hoa, cây cảnh hiện nay là hội chứng “nhà máy to, vùng nguyên liệu nhỏ”. Nếu điều này không được giải quyết sớm, sẽ gây ra một sự lãng phí rất lớn.

Nhìn ở khía cạnh thị trường, theo ông Phạm Quốc Doanh, do quá say sưa với mục tiêu 1 tỷ USD xuất khẩu, nên những người soạn thảo và  phê duyệt chương trình rau quả và hoa, cây cảnh đi đến địa phương nào cũng khuyến khích trồng cây dứa. Họ lập luận rằng, thị trường thế giới thiếu, chúng ta sản xuất không sợ dư thừa và giá không bao giờ xuống quá 1.000 USD/tấn. Thế nhưng, cho đến nay, dự báo trên đã không còn chuẩn xác, giá dứa thế giới đã xuống dưới ngưỡng 1.000USD/tấn, kéo theo một loạt nhà máy chế biến dứa hoạt động thua lỗ, thậm chí có thể phá sản. Ông Phạm Quốc Doanh nói: “Như Công ty cổ phần đồ hộp Đồng Giao, đơn vị Anh hùng Lao động nổi tiếng về dứa, 2 năm qua hoạt động đều bị thua lỗ. Nếu giá dứa cứ ở mức dưới 1.000USD/tấn như hiện nay, thì dứt khoát sẽ bị phá sản do không có sản phẩm nào thay cây dứa (!?)

Trường hợp Nhà máy Chế biến cà chua cô đặc Hải Phòng cũng không là ngoại lệ. Trước khi xây dựng nhà máy này, giá cà chua cô đặc trên thế giới vào khoảng 850-870USD/tấn. Trong khi theo tính toán, giá thành sản xuất cà chua cô đặc là 700USD. Về lý thuyết, việc bỏ 5 triệu USD đầu tư xây dựng nhà máy với công suất xấp xỉ 4.000 tấn sản phẩm/năm, thì hoạt động rất có lãi. Nhưng hiện tại, giá cà chua cô đặc trên thế giới hạ xuống còn 500USD/tấn do cung vượt cầu (nhu cầu cà chua cô đặc trên thế giới là 1 triệu tấn, chỉ riêng các nhà máy ở Trung Quốc đã đạt gần 1 triệu tấn rồi –PV), trong khi giá thành chế biến cà chua trong nước lại bị đẩy lên 900USD/tấn. Như vậy, ngay cả khi có thị trường, thì nhà máy cũng không thể sản xuất được, bởi càng sản xuất, thì càng…lỗ! Trong khi, theo Trung tâm Thông tin thương mại (Bộ Thương mại), thì Trung Quốc vừa bán cà chua tươi cho EU với giá 750USD/tấn.

Phần to của miếng bánh nhỏ hay phần nhỏ của miếng bánh to?

Năm 2004, khi sơ kết 5 năm thực hiện Chương trình rau quả và hoa, cây cảnh, trước thực tế, nhiều mục tiêu bị “đổ”, Thủ tướng đã có văn bản chỉ đạo Bộ NN&PTNT điều chỉnh lại chương trình, Thế nhưng, trải qua 3 năm, Bộ NN&PTNT mới soạn thảo được tờ trình, đến nay vẫn chưa chính thức trình Chính phủ.

Việc Chương trình rau quả và hoa, cây cảnh chậm được điều chỉnh khiến tình hình phát triển sản xuất và xuất khẩu rau, hoa, quả nước ta ngày càng kém hiệu quả và khó vươn ra được thị trường thế giới. Cho đến nay, nông dân vẫn chủ yếu làm theo kinh nghiệm và phương pháp truyền thống, dựa chủ yếu vào khai thác lợi thế tự nhiên, theo mùa vụ. Vì vậy, vào thời kỳ cao điểm của mùa vụ (mùa đông đối với rau, mùa hè đối với quả) thì lượng hàng hoá tập trung quá cao, không tiêu thụ nhanh thì lỗ nặng, nhưng trái vụ thì hầu như không có, hoặc không tạo được sản lượng đủ lớn, ổn định cho xuất khẩu.

GS.VS. Trần Đình Long, Chủ tịch Hiệp hội Giống cây trồng Việt Nam, đưa ra so sánh: “Nếu xuất khẩu được 1 bông hoa hồng ra thị trường thế giới, chúng ta thu được 2USD. Còn tiêu thụ ở trong nước, người nông dân chỉ bán được với giá 2.000đồng”. Thực tế, nếu chỉ trông vào cây lúa, thì nông dân rất khó làm giàu. Nông dân tỉnh Thái Bình để ruộng hoang hoá, đoạn tuyệt với cây lúa cũng vì thế. Hơn nưa, dù đạt được kim ngạch xuất khẩu hơn 1 tỷ USD, nhưng theo nhận định của nhiều chuyên gia, sản xuất và xuất khẩu lúa gạo nước ta đã đến ngưỡng, không thể gia tăng thêm nữa. PGS.TS Trần Khắc Thi nhìn nhận: “Thị trường lúa gạo của cả thế giới là 9 tỷ USD, trong khi thị trường rau, hoa ,quả là hơn 100 tỷ USD. Mình lấy phần to của miếng bánh nhỏ hay lấy phần nhỏ của miếng bánh to?”

Thị trường rau, hoa, quả thế giới với hơn 100 tỷ USD, sẽ là một cơ hội tốt để ngành rau, hoa, quả tăng kim ngạch xuất khẩu và tăng cơ hội làm giàu cho nông dân. Thế nhưng, có thể khẳng định rằng, không đầu tư, áp dụng kỹ thuật mới, tiên tiến, chúng ta không thể sản xuất hàng hoá rau, hoa, quả cho xuất khẩu được. Hiện nay, Chương trình rau quả và hoa, cây cảnh chỉ làm gia tăng đơn thuần về diện tích và số lượng, nhưng hiệu quả lại rất thấp. Thành ra, nông dân trồng ra, hoa, quả vẫn rất khó có thể làm giàu./.



VOV
Báo cáo phân tích thị trường