Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
BÁO CÁO TÌNH HÌNH XNK NLTS SANG THỊ TRƯỜNG ASEAN THÁNG 7/2021
13 | 08 | 2021

Nguồn: Viện Chính sách và Chiến lược PTNNNT (IPSARD)

TÌNH HÌNH CHUNG

TỔNG QUAN TÌNH HÌNH THỊ TRƯỜNG

Xuất khẩu nông lâm thủy sản (NLTS) của Việt Nam sang thị trường ASEAN chiếm khoảng 9% tổng xuất khẩu NLTS của Việt Nam. Sáu tháng đầu năm 2021 Xuất khẩu NLTS của Việt Nam sang các nước ASEAN đạt 1.853 triệu USD giảm 3,58%  so với cùng kỳ năm 2020, trong khi nhập khẩu đạt 3.957 triệu USD, tăng 137% so với cùng kỳ năm 2020. Tính riêng tháng 6/2021, kim ngạch xuất khẩu NLTS đạt 304 triệu USD, giảm 13% so với tháng trước và tăng 22% so với cùng kỳ năm 2020.

Các mặt hàng xuất khẩu chủ yếu của Việt Nam sang ASEAN trong tháng 6/2021 là gạo (chiếm 33%), thủy sản (chiếm 15%), cà phê (chiếm 11%), phân bón các loại (chiếm 11%), thức ăn gia súc và nguyên liệu (chiếm 10%). So với tháng 5/2021, xuất khẩu một số mặt hàng NLTS tăng cao, đặc biệt là thịt và sản phẩm thịt tăng 72%, cao su tăng 49%, phân bón các loại tăng 26%, thức ăn gia súc tăng 22% trong khi đó một số mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu giảm là gạo giảm 32%, hạt điều giảm 29%, sản phẩm từ cao su giảm 26%. So với cùng kỳ, 10/14 mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu tăng tăng, đặc biệt thịt và các sản phẩm từ thịt tăng cao nhất với  142%, phân bón các loại tăng 94%, cao su tăng 82%, thức ăn gia súc tăng 72% trong khi chỉ có 4/14 mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu giảm là chè giảm 23%,  rau quả giảm 13%, hạt tiêu giảm 11%, cà phê giảm 9% (Chi tiết tại phụ lục đính kèm).

Các quốc gia ASEAN đang phải đối mặt với lây lan dịch bệnh do Covid-19 đặc biệt là chủng mới Delta khi Thái Lan, Indonesia, Malaysia … liên tục ghi nhận các ca nhiễm kỷ lục. Theo thống kê về tổng số ca nhiễm của các nước trên trang Worldometers lúc 9h30 sáng 2-8, Indonesia có 3,44 triệu, Philippines có 1,59 triệu, Malaysia có 1,13 triệu, Thái Lan có 633.284, Myanmar có 302.665, Việt Nam có 157.507,  Campuchia có 77.914, Singapore có 65.102, Lào có 6.566, và Brunei có 337 ca. Số ca mắc mới Covid tại ASEAN ngày một gia tăng đang tác động tiêu cực đến chuỗi cung ứng, kéo theo nguy cơ gián đoạn sản xuất, xuất khẩu trong khu vực.

Ngày 13/7, Nội các Thái Lan thông qua gói hỗ trợ tài chính trị giá 42 tỷ Bạt cho người dân, doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi đợt phong tỏa ở Băng Cốc và 9 tỉnh khác. Trong gói 42 tỷ bạt được sử dụng, 30 tỷ bạt được cấp từ Nghị định cho vay của Chính phủ cho các mục đích cứu trợ Covid-19 và 12 tỷ bạt sẽ được trích từ ngân sách nhà nước. Ngân hàng Thế giới (WB) gần đây dự báo nền kinh tế Thái Lan sẽ tăng trưởng 2,2% cả năm 2021, giảm so với mức dự báo 3,4% được đưa ra trước đó do ảnh hưởng nặng nề của đợt bùng phát dịch Covid-19 lần thứ 3 và tăng trưởng du lịch yếu.

Vào ngày 27 tháng 7 năm 2021, Dịch vụ Kiểm tra Thịt Quốc gia của Bộ Nông nghiệp Philippines ban hành văn bản số 07-2021-018, nhắc lại các yêu cầu tối thiểu về ghi nhãn đối với thịt nhập khẩu. Theo đó, thịt và gia cầm nhập khẩu được dán nhãn không phù hợp với các yêu cầu sẽ bị tịch thu và hủy bỏ. Các nhà xuất khẩu được khuyến nghị hợp tác chặt chẽ với nhà nhập khẩu trong nước để đảm bảo theo quy định.

Bộ Nông nghiệp và Lâm nghiệp Lào gần đây thông báo nước này đang bắt đầu đẩy nhanh việc thực hiện các kế hoạch tập trung vào thúc đẩy sản xuất nông nghiệp và dịch vụ để thay thế nhập khẩu bằng cách sử dụng công nghệ mới và các phương pháp hiện đại để nâng cao chất lượng sản lượng đáp ứng nhu cầu thị trường, giảm bớt thủ tục trong sản xuất hàng hóa nông nghiệp. Năm 2021, Lào dự kiến tăng sản lượng lúa hàng năm lên hơn 4,4 triệu tấn, cà phê lên 160.000 tấn, ngô ngọt lên một triệu tấn, sắn lên 2,28 triệu tấn, sản lượng thịt lên 199.210 tấn, trứng lên 43.770 tấn và cá lên tới 215.000 tấn. Thị trường xuất khẩu chính của Lào là Trung Quốc, Thái Lan, Việt Nam và EU. Chính phủ đã dự đoán rằng ngành nông nghiệp sẽ có tốc độ tăng trưởng hàng năm 3,4% vào năm 2025 miễn là không có thêm các hiện tượng thời tiết cực đoan. Chính phủ Lào sẽ tổ chức đàm phán với Trung Quốc để tìm kiếm mở cửa thị trường xuất khẩu hơn 90 sản phẩm nông nghiệp vào năm 2025. Đến nay, đã đàm phán thành công xuất khẩu gạo, ngô, sắn, chuối, dưa hấu và khoai lang. Chính phủ Lào đang phối hợp với Tổng cục Hải quan Trung Quốc hoàn thiện các điều kiện và quy cách xuất khẩu lá thuốc lá khô, chanh dây và cam. Hai bên cũng đang chuẩn bị hồ sơ về việc mở cửa thị trường cho sầu riêng, nhãn, thanh long và mít. Các mặt hàng ưu tiên xuất khẩu khác bao gồm đậu phộng, hạt điều, ớt, xoài, đậu, đậu nành, chuối, chè, cà phê, đường, gia súc và thịt bò.

Theo Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp, Lâm nghiệp và Thủy sản Campuchia, nước này đã xuất khẩu 4.454.505,33 tấn nông sản trong nửa đầu năm nay, tăng 84,64% so với cùng kỳ năm ngoái. Thị trường xuất khẩu là 62 quốc gia và vùng lãnh thổ, trị giá hơn 2,571 tỷ USD. Các mặt hàng nông sản xuất khẩu chính của Campuchia là gạo xay, sắn, xoài, chuối tươi, hạt tiêu, hạt điều, ngô, đậu nành, đậu xanh, dầu cọ, thuốc lá, ớt và rau các loại. Xuất khẩu nông sản vẫn đang trên đà tăng trưởng vững chắc, Campuchia đang nỗ lực thúc đẩy các tiêu chuẩn Thực hành nông nghiệp tốt của Campuchia (CamGAP) và việc sử dụng mã QR để xác định sản phẩm của người trồng được chứng nhận. Sự tăng trưởng liên tục trong xuất khẩu nông sản của Campuchia được cho là được thúc đẩy bởi các thỏa thuận với các nước - như Trung Quốc và Hàn Quốc - về nhập khẩu các sản phẩm này.

 Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) và New Hope Singapore Private Ltd (NHS) đã ký một thỏa thuận cho vay trị giá 20 triệu USD sẽ mở rộng hỗ trợ tài chính cho nông dân ở Nam và Đông Nam Á. Ngân hàng sẽ cung cấp thêm vốn lưu động và tài trợ chi phí hoạt động của các dự án NHS ở Philippines, Bangladesh, Campuchia, Indonesia, Lào, Nepal, Sri Lanka và Việt Nam để mua nguyên liệu thô làm thức ăn chăn nuôi, mở rộng thời hạn thanh toán và cung cấp các khoản ứng trước lớn hơn cho những người hưởng lợi của công ty, các nhà phân phối thức ăn và nông dân chăn nuôi, và mua thiết bị bảo hộ cá nhân cho người lao động. NHS đặt mục tiêu cung cấp thức ăn chăn nuôi và cung cấp dịch vụ kỹ thuật cho 200.000 hộ chăn nuôi gia cầm, nuôi trồng thủy sản và các hộ chăn nuôi khác trong khu vực. Ngân hàng cũng sẽ mở rộng hỗ trợ kỹ thuật cho NHS để giúp ngân hàng này đào tạo 7.200 nữ nông dân ở Philippines và Bangladesh về các thực hành tốt nhất trong canh tác thông minh với khí hậu và tiếp cận tín dụng.

Báo cáo chi tiết xem tại đây.

 



Báo cáo phân tích thị trường