Nguồn: Viện Chính sách và Chiến lược PTNNNT (IPSARD)
TỔNG QUAN TÌNH HÌNH THỊ TRƯỜNG
Ngân hàng Trung ương Hàn Quốc (BoK) ngày 13/9/2021 cho biết đại dịch COVID-19 sẽ khiến mức tăng trưởng tiềm năng của Hàn Quốc giai đoạn 2021-2022 giảm 0,2%, chỉ còn 2%. Mức tăng trưởng tiềm năng, được xem là mức tối đa mà nền kinh tế có thể tăng trưởng song không gây ra lạm phát, của Hàn Quốc đã giảm dần do dân số trong độ tuổi lao động ngày càng giảm và các khoản nợ hộ gia đình tăng cao. Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) ước tính mức tăng trưởng tiềm năng của Hàn Quốc trong giai đoạn 2021-2022 ở mức 1,8%, trong khi Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) dự kiến tăng trưởng của nền kinh tế lớn thứ tư châu Á này ở mức 2,4%. BoK dự đoán kinh tế Hàn Quốc sẽ tăng trưởng 4% trong năm nay.
Sự đứt gãy thương mại quốc tế giữa đại dịch COVID-19 làm rấy lên mối quan ngại về an ninh lương thực quốc gia. Hàn Quốc đang lên kế hoạch tăng cường tự cung tự cấp các loại lương thực chính giúp phát triển bền vững ngành nông nghiệp trong nước. Cụ thể, Hàn Quốc lên kế hoạch tăng tỷ lệ tự cung tự cấp của lúa mì lên 5% vào năm 2025, tăng đáng kể từ mức 0,7% năm 2019. Tỷ lệ cho các loại đậu tăng lên 33% từ mức 26.7% trong cùng giai đoạn. Tỷ lệ tự cung tự cấp lương thực của Hàn Quốc đạt 45,8% trong năm 2019. Quốc gia này đáp ứng được 92% nhu cầu lúa gạo trong nước, nhưng phụ thuộc vào Hoa Kỳ, Trung Quốc, Australia và Brazil đối với các loại lương thực chính khác.
Bộ Nông nghiệp, Lương thực và Nông thôn Hàn Quốc cho biết nước này sẽ mua dự trữ 350.000 tấn gạo trong năm nay, tăng nhẹ so với mức 332.000 tấn được thu mua trong năm trước. Theo kế hoạch, Chính phủ Hàn Quốc sẽ thu mua 240.000 tấn gạo được đóng gói cùng với 100.000 tấn gạo được sấy khô cho tới cuối tháng 12/2021. Một lô 10.000 tấn gạo sẽ được dự trữ cho chương trình Dự trữ gạo khẩn cấp ASEAN+3 (gồm 10 nước Đông Nam Á và Hàn Quốc, Trung Quốc, Nhật Bản).
Hàn Quốc sẽ thu mua gạo theo giá thị trường trung bình từ ngày 5/10-25/12/2021. Chính phủ Hàn Quốc sẽ trả trước 30.000 won (25 USD) cho mỗi bao 40 kg và phần tiền còn lại sẽ được trả vào cuối năm 2021.
Khối lượng gạo được thu mua trên cũng sẽ bao gồm 5.000 tấn gạo được sản xuất đáp ứng các tiêu chuẩn bảo vệ môi trường và sẽ được kiểm tra dư lượng hóa chất sau khi được mua với giá cao.
Tháng 8/2021, Việt Nam xuất khẩu 157,2 triệu USD các mặt hàng NLTS chính tới Hàn Quốc, giảm 7,8% so với cùng kỳ năm 2020. Trong đó, gỗ và sản phẩm gỗ có kim ngạch xuất khẩu cao nhất tới thị trường này chiếm 44,0%, thứ hai là thủy sản với 34,3%, rau quả chiếm 7,1%. Trong các mặt hàng xuất khẩu chính, thuỷ sản, hạt tiêu mây tre đan, sắn và sản phẩm sắn và thức ăn gia súc là các mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu giảm, còn lại các mặt hàng khác có kim ngạch tăng so với cùng kỳ năm 2020.
Báo cáo chi tiết xem tại đây.