Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
69 thông báo từ nhiều thị trường sẽ ảnh hưởng đến xuất khẩu nông sản
28 | 12 | 2021
59 dự thảo và 10 văn bản quy phạm pháp luật của các nước thành viên WTO quy định về an toàn thực phẩm và kiểm dịch động, thực vật (SPS) có hiệu lực, có thể ảnh hưởng tới xuất khẩu nông, lâm, thủy sản Việt Nam.

Nguồn: Haiquanonline.com.vn

69 thông báo từ nhiều thị trường sẽ ảnh hưởng đến xuất khẩu nông sản
Ảnh minh hoạ. Nguồn: Internet

Trong tháng 12/2021, Văn phòng SPS Việt Nam (Bộ NN&PTNT) đã tổng hợp được 69 thông báo của các nước thành viên Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) gồm 59 dự thảo và 10 văn bản quy phạm pháp luật có hiệu lực quy định về an toàn thực phẩm và kiểm dịch động, thực vật (SPS) có thể ảnh hưởng tới xuất khẩu nông, lâm, thủy sản Việt Nam.

Trao đổi với phóng viên Tạp chí Hải quan, ông Ngô Xuân Nam, Phó Giám đốc Văn phòng SPS Việt Nam cho biết: đối với 10 văn bản đã được thành viên WTO áp dụng, cần lưu ý là quy định của Cục Phát triển Chăn nuôi Thái Lan (DLD) tạm ngừng nhập khẩu lợn nuôi, lợn rừng và thịt lợn từ Việt Nam nhằm ngăn chặn sự lây lan dịch tả lợn châu Phi.

Thái Lan tạm thời đình chỉ trong 90 ngày kể từ ngày 18/11/2021 trên Công báo Hoàng gia Thái Lan.

Bên cạnh đó là quy định của Brazil thiết lập danh sách các tiêu chí vi sinh vật đảm bảo an toàn và vệ sinh thực phẩm (hướng dẫn số 110, ngày 1/12/2021).

Đối với 59 dự thảo thông báo lấy ý kiến thành viên WTO, cần lưu ý với thị trường Đài Loan là dự thảo tiêu chuẩn giới hạn mức dư lượng thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) trong thực phẩm và dự thảo tiêu chuẩn giới hạn mức dư lượng thuốc BVTV trong sản phẩm có nguồn gốc động vật.

Bên cạnh đó, Hàn Quốc đề xuất sửa đổi các tiêu chuẩn và thông số kỹ thuật của thực phẩm: thực phẩm dinh dưỡng, thực phẩm đông lạnh, thực phẩm ăn nhanh; sửa đổi giới hạn độc tố nấm mốc, mức dư lượng trong gia cầm, thuỷ sản… Ấn Độ dự thảo sửa đổi quy định về tiêu chuẩn an toàn thực phẩm (đồ uống có cồn).

“Đáng chú ý, EU có 15 thông báo lấy ý kiến thay đổi mức dư lượng tối đa (MRLs); quy định vật liệu nhựa bao gói thực phẩm; cho phép nhập khẩu một số thực vật thuỷ sinh làm thực phẩm… Ngoài ra, Hoa Kỳ có 4 thông báo lấy ý kiến thay đổi MRLs”, ông Nam nói.

Phó Giám đốc Văn phòng SPS Việt Nam cũng đề cập tới vấn đề, Australia đề xuất sửa đổi Phụ lục 20 Bộ luật Tiêu chuẩn Thực phẩm Australia – New Zealand (ngày 30/11/2021) về thay đổi MRLs. Nhật Bản cũng có 16 thông báo lấy ý kiến về đề xuất MRLs.

Trung Quốc thông báo lấy ý kiến tiêu chuẩn an toàn thực phẩm quốc gia, thiết lập 733 giới hạn MRLs đối với 145 loại thuốc bảo vệ thực vật.

Singapore thông báo lấy ý kiến các điều kiện về thú y cho nhập khẩu gia cầm và sản phẩm gia cầm, bao gồm các điều kiện nhập khẩu cho: trứng ăn, các sản phẩm trứng, trứng có vỏ tiệt trùng, chim nuôi, trứng ấp, thú y đối với gà con…



Báo cáo phân tích thị trường