Nguồn: Viện Chính sách và Chiến lược PTNNNT (IPSARD)
TỔNG QUAN TÌNH HÌNH THỊ TRƯỜNG
Nền kinh tế khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) sẽ tăng trưởng chậm hơn kỳ vọng trong năm 2022. Đây là nhận định mới được Ủy ban châu Âu (EC) đưa ra cuối tháng 1/2022 trong bối cảnh giá năng lượng tăng và các vấn đề trong chuỗi cung ứng tiếp tục đẩy lạm phát lên cao đồng thời cản trở quá trình phục hồi bền vững sau đại dịch. EC, cơ quan điều hành của Liên minh châu Âu (EU), dự báo GDP của Eurozone sẽ tăng trưởng 4% trong năm 2022, thấp hơn mức 4,3% được đưa ra trong dự báo cách đây 3 tháng. Trong khi đó, lạm phát được cho là sẽ tăng mạnh hơn mức dự báo 3,5% trong năm 2022. Giá năng lượng ở khu vực đồng Euro trong tháng 1/2022 cũng tăng kỷ lục 28,6% so với cùng kỳ năm trước. Trong tháng 12/2021, tỷ lệ thất nghiệp được điều chỉnh theo mùa của khu vực đồng Euro là 7%, giảm so với mức 8,2% cùng kỳ năm trước đó. Tỷ lệ thất nghiệp của Đức vào tháng 12/2021 là 3,2%, Hà Lan (3,8%), Tây Ban Nha (13%) và Italy (9%). Theo dự báo tăng trưởng kinh tế thế giới của IMF, kinh tế Tây Ban Nha và Italy dự kiến sẽ tăng trưởng lần lượt 5,8% và 3,8% trong năm nay.
Ủy ban châu Âu cũng nhận định là: các tháng cuối năm 2021, kinh tế Eurozone đã vấp phải nhiều trở ngại, với đợt bùng phát dịch mới do biến thể Omicron lây lan nhanh và lạm phát tiếp tục tăng do giá năng lượng tăng và tình trạng gián đoạn chuỗi cung ứng kéo dài. Dự báo giá cả sẽ tiếp tục duy trì ở mức cao cho đến giữa năm 2022 sau khi lạm phát dự kiến giảm nhờ các yếu tố về giá năng lượng và chuỗi cung ứng được cải thiện.
Tuy nhiên, Ủy ban châu Âu cũng lưu ý các yếu tố bất ổn và nguy cơ vẫn ở mức cao, trong đó cảnh báo căng thẳng địa chính trị ở Đông Âu càng làm gia tăng nguy cơ tiềm ẩn với nền kinh tế khu vực. Bên cạnh đó, nền kinh tế khu vực dễ chịu tác động khi giá cả tăng do phụ thuộc vào khí đốt nhập khẩu. EC dự báo kinh tế Eurozone sẽ trở về mức tương đương trước đại dịch vào năm 2023, khi lạm phát trong khu vực còn 1,7%, thấp hơn mức 2% mà Ngân hàng trung ương châu Âu (ECB) khuyến nghị. Khi đó, kinh tế khu vực có thể sẽ tăng trưởng 2,7%, khá mạnh so với các xu hướng trước khi đại dịch xảy ra. Hiện ECB cũng đang chịu nhiều áp lực do lạm phát tăng khiến ngày càng có nhiều lời kêu gọi ngân hàng này thu hẹp quy mô chương trình kích thích tiền tệ và chính sách lãi suất 0%, vốn được đưa ra để hỗ trợ kinh tế vượt khó khăn trong đại dịch. Tuy nhiên, việc thắt chặt chính sách tiền tệ và nâng lãi suất sẽ gây áp lực với một số nước châu Âu đang ghi nhận nợ công tăng như Italy, Hy Lạp, Tây Ban Nha và Pháp. ECB nhận định hiện chưa phải lúc điều chỉnh chính sách tiền tệ và lãi suất.
Bộ Công Thương dự báo, cà phê, hạt điều, cao su, rau quả, hạt tiêu, gạo và chè tiếp tục sẽ là những mặt hàng đóng góp lớn vào tổng kim ngạch xuất khẩu nông sản sang EU và sẽ tăng trưởng mạnh trong năm 2022. Trong đó, mặt hàng số 1 là cà phê sẽ tiếp tục tận dụng tốt lợi thế về thuế suất 0% theo Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) để gia tăng thị phần trong tổng nhu cầu 10 tỷ USD mỗi năm mà EU đang có.
Bên cạnh đó, nhu cầu tiêu thụ hạt điều tại 2 thị trường lớn nhất ở EU là Hà Lan và Đức cuối năm 2021 liên tục tăng do nhu cầu cao từ các ngành công nghiệp chế biến thực phẩm và nhu cầu tiêu dùng cuối cùng của người dân. Điều này cho thấy triển vọng khả quan của hạt điều xuất khẩu sang EU trong năm 2022. Đặc biệt, với việc những sản phẩm chế biến sâu từ hạt điều được giảm thuế xuống còn 0% theo EVFTA, kim ngạch xuất khẩu hạt điều sẽ có nhiều cơ hội để tiếp tục duy trì tốc độ tăng trưởng ở thị trường EU trên dưới 6% về giá trị.
Xuất khẩu cao su tuy bị ảnh hưởng lớn bởi dịch Covid-19, nhưng với việc giá cao su tiếp tục duy trì ở mức cao trong năm 2021 và chưa có dấu hiệu giảm nhiệt, nhiều khả năng cao su xuất khẩu sang thị trường EU tiếp tục đạt được mức kim ngạch tốt trong năm 2022. Các chủng loại cao su xuất khẩu chủ yếu sang EU năm 2021 là: cao su tự nhiên đã định chuẩn về kỹ thuật (TSNR); TSNR loại khác; mủ cao su cô đặc bằng phương pháp ly tâm (SEN)…
Đặc biệt, mặt hàng trái cây là một trong những sản phẩm tiềm năng Việt Nam cần tập trung khai thác lợi thế từ EVFTA, góp phần thúc đẩy xuất khẩu sang EU. Nhu cầu về trái cây đang có xu hướng ngày một tăng tại EU do thói quen ăn uống để bảo vệ, tăng cường sức khỏe. Các chủng loại trái cây tiềm năng tăng trưởng tốt tại thị trường EU trong thời gian tới gồm: Me tươi, mít, vải, mận, chanh dây, thanh long, ổi, xoài, măng cụt...
Đáng chú ý, theo EVFTA, các nước EU cam kết xóa bỏ thuế quan đối với sản phẩm hạt tiêu ngay khi hiệp định có hiệu lực, đặc biệt là đối với các sản phẩm chế biến trước đây có mức thuế từ 5-9%. Như vậy, xuất khẩu hạt tiêu Việt Nam đang đứng trước rất nhiều thuận lợi tại thị trường EU. Bên cạnh đó, việc các nhà đầu tư trong khối EU đang xem xét chuyển nhà máy chế biến về Việt Nam để tận dụng nguyên liệu và nhân công giá rẻ, sẽ tạo động lực thúc đẩy xuất khẩu hạt tiêu sang đa dạng các thị trường EU. Dự báo trong năm 2022, hạt tiêu đen chưa xay hoặc chưa nghiền và hạt tiêu trắng chưa xay hoặc chưa nghiền tiếp tục là hai dòng hàng chiếm tỷ trọng xuất khẩu chủ yếu của mặt hàng này.
Với mặt hàng gạo, theo Hiệp hội lương thực Việt Nam (VFA), dự báo xuất khẩu gạo của Việt Nam trong năm 2022 sang thị trường EU sẽ đạt tối thiểu 60.000 tấn bởi chất lượng gạo Việt Nam đã có sự thay đổi trong mắt nhà nhập khẩu. Bên cạnh đó, gạo Việt Nam đã có một lượng khách hàng truyền thống tại Đức, Hà Lan, Italy và Ba Lan. Nhìn chung, xuất khẩu gạo sang EU trong năm 2022 vẫn duy trì kim ngạch tăng trưởng tốt. Đặc biệt, với việc hạn ngạch 80.000 tấn ưu đãi thuế suất 0% từ EVFTA chưa được lấp đầy trong năm 2021, cũng như xu thế sử dụng gạo tại EU gia tăng do sự phổ biến của thức ăn châu Á tại đây, nếu chủ động tốt trong nguồn cung, xuất khẩu gạo sang EU hứa hẹn còn nhiều cơ hội hơn nữa trong thời gian tới.
Ngoài ra, gần đây, trong cuộc tọa đàm giữa Phó Thủ tướng Lê Văn Thành và Phó Chủ tịch điều hành Ủy ban Châu Âu (EC) Frans Timmermans, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành đã đề nghị EU và các nước thành viên tạo điều kiện thuận lợi cho hàng hoá Việt Nam xuất sang thị trường EU. Cụ thể, Việt Nam đề nghị Ủy ban châu Âu ủng hộ thúc đẩy hoàn tất phê chuẩn Hiệp định Bảo hộ đầu tư Việt Nam - EU (EVIPA) nhằm tạo động lực thúc đẩy hợp tác kinh tế giữa hai bên. Đặc biệt, về hợp tác trong nông nghiệp, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành đã thông báo các kết quả tích cực trong việc thực hiện các khuyến nghị của EC về hoạt động khai thác bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU). Phó Thủ tướng Lê Văn Thành đề nghị EU sớm gỡ bỏ thẻ vàng IUU đồng thời hỗ trợ Việt Nam tăng cường năng lực quản lý nghề cá, hỗ trợ kỹ thuật, thực hiện các giải pháp chống khai thác trái phép IUU, góp phần bảo đảm sinh kế cho ngư dân cũng như nguồn cung ứng thủy sản cho thị trường EU.
Về thương mại NLTS của EU với Việt Nam trong năm 2021, Việt Nam đã xuất khẩu gần 4,0 tỷ USD sang EU, trong khi nhập khẩu gần 1,0 tỷ USD, tăng 13,6% về xuất khẩu và 18,4% về nhập khẩu so với cùng kỳ năm 2020. Tốc độ tăng trưởng của các mặt hàng nông sản chính xuất khẩu sang EU so với năm 2020 cụ thể như sau: cà phê (3,1%), cao su (82,4%), chè (32,6%), gạo (31,7%), gỗ & sản phẩm gỗ (21,0%), hàng rau quả (6,2%), hàng thủy sản (11,9%), hạt điều (2,8%), hạt tiêu (79,5%), mây, tre, cói và thảm (44,1%), và sản phẩm từ cao su (19,0%).
Báo cáo chi tiết xem tại đây.