Nguồn: Viện Chính sách và Chiến lược PTNNNT (IPSARD)
TÌNH HÌNH CHUNG
TỔNG QUAN TÌNH HÌNH THỊ TRƯỜNG
3 tháng đầu năm, xuất khẩu nông lâm thủy sản (NLTS) của Việt Nam sang thị trường ASEAN chiếm 17,36% tổng xuất khẩu NLTS của Việt Nam. Giá trị xuất khẩu NLTS của Việt Nam sang các nước ASEAN đạt hơn 1tỷ USD, tăng 26,74% so với cùng kỳ năm 2021, trong khi nhập khẩu đạt 1,8 tỷ USD, tăng 2,22% so với cùng kỳ năm trước. Tính riêng tháng 3/2022, kim ngạch xuất khẩu NLTS đạt 343,1 triệu USD, tăng 11,86% so với tháng trước và tăng 4,76% so với cùng kỳ năm 2021.
Các mặt hàng xuất khẩu chủ yếu của Việt Nam sang ASEAN trong tháng 3/2022 là gạo (chiếm 24%), thủy sản (chiếm 20%), cà phê (chiếm 10%), gỗ và sản phẩm gỗ (chiếm 9%), phân bón các loại (chiếm 8%). So với tháng 3/2021, có 10/13 mặt hàng NLTS có kim ngạch xuất khẩu tăng, cao nhất là sản và sản phẩm từ sắn (tăng 444%), phân bón các loại (136%); hạt tiêu (105%); cao su (76,09%). Trong khi đó, có 3/13 mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu giảm, giảm nhiều nhất là gạo (giảm 29%); hàng rau quả (giảm 9%). Chi tiết tại phụ lục đính kèm).
Bộ Thương mại Thái Lan đã công bố kế hoạch xuất khẩu 530.000 tấn trái cây tươi sang Trung Quốc trong năm 2022. Trong đó, 390.000 tấn trái cây (tương đương 83%) sẽ được xuất khẩu bằng đường biển thông qua 5 hãng tàu - Cosco, SITC, Yang Ming, Maersk và Wanhai - đến 6 cảng Trung Quốc là Shekou (26,5%), Nansha (20%), Hong Kong (20%), Zhanjian (13,5%), Xinzhou (13,5%) và Xiamen (6,5%); 36.000 tấn (tương đương 6,5%) sẽ được xuất khẩu bằng đường hàng không thông qua Thai Airways International, Thai Lion Air, AirAsia X và China Southern Airlines đến 3 sân bay của Trung Quốc là Quảng Châu (80%), Thâm Quyến (13%) và Côn Minh (7%); 10,5% còn lại sẽ được xuất khẩu bằng đường bộ qua 4 cửa khẩu là Mohan, Hữu Nghị Quan, Đông Hưng và Bằng Tường.
Theo Bộ Nông nghiệp Philippines (DA), tỷ lệ mắc dịch tả heo châu Phi (ASF) tại quốc gia Đông Nam Á này đã giảm đi đáng kể sau khi loại virus gây tử vong cao ở heo bùng phát lần đầu tiên vào năm 2019. Dữ liệu từ DA cho thấy tính đến ngày 31/3, các ca nhiễm bệnh hiện chỉ được báo cáo ở hai khu vực, 4 tỉnh, 7 thành phố và 20 quận. Đây là mức giảm đáng kể so với mức cao 3.657 quận ở 678 thành phố và thành phố trực thuộc trung ương, tại 51 tỉnh, được ghi nhận kể từ năm 2019.
In-đô-nê-xi-a là thị trường cung cấp tôm lớn thứ 3 cho Hoa Kỳ trong tháng 2/2022, đạt 14.176 tấn, trị giá 137,8 triệu USD, tăng 45% về lượng và tăng 62% về trị giá so với tháng 2/2021; Giá nhập khẩu tôm của Hoa Kỳ từ thị trường In-đô-nê-xi-a trung bình ở mức 9,72 USD/kg, tăng 13% so với tháng 2/2021 và tăng 5% so với tháng 1/2022.
Báo cáo chi tiết xem tại đây.