Nguồn: Theo mekongasean.vn
Theo thống kê năm 2018, mặc dù Tổng sản lượng quốc dân (GNP) của ngành nông nghiệp Việt Nam chưa bằng 1/10 của Nhật Bản, nhưng Việt Nam có 22,31 triệu lao động làm việc trong lĩnh vực nông nghiệp, trong khi ở Nhật là 1,75 triệu người. Đồng thời diện tích đất canh tác nông nghiệp của Việt Nam là 11,51 triệu ha, xấp xỉ ba lần của Nhật Bản.
Để tiếp tục đóng góp cho sự phát triển ngành nông nghiệp của Việt Nam về cả minh bạch, chất lượng sản phẩm và xúc tiến thương mại, Bộ phận xúc tiến đầu tư nông nghiệp Nhật Bản - Agribusiness Japan Desk (ABJD), thuộc Vụ Hợp tác Quốc tế của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đã tổ chức hội thảo “Hệ thống lưu trữ hồ sơ hiệu quả trong nông nghiệp” tại tỉnh Nghệ An, ngày 15/7.
Mục tiêu chính của hội thảo là chia sẻ thông tin về cách quản lý hồ sơ canh tác, một yếu tố quan trọng trong canh tác cây trồng an toàn đến từ các cơ quan, ban ngành của tỉnh Nghệ An, các cán bộ khuyến nông và nông dân địa phương.
Thông qua các bài thuyết trình của đại diện các doanh nghiệp Nafoods, Glico và Kamereo, hội thảo đã truyền tải tầm quan trọng của việc lưu trữ hồ sơ – một yếu tố cần thiết trong canh tác cây trồng an toàn.
|
Hội thảo “Hệ thống lưu trữ hồ sơ hiệu quả trong nông nghiệp” tại tỉnh Nghệ An, ngày 15/7
|
Hiện nay, Việt Nam đang phải đối mặt với một thách thức là các cơ sở sản xuất vẫn chưa nhận thức đầy đủ về an toàn thực phẩm. Để giải quyết vấn đề này, cần phải thay đổi tư duy sản xuất theo định hướng thị trường và thay đổi hành vi.
Với nguồn lực dồi dào cho sản xuất nông nghiệp và các định hướng, chính sách phù hợp của Chính phủ, nông nghiệp Việt Nam đang phát triển nhanh chóng và đã đạt được nhiều thành tựu. Việt Nam có nhiều tiềm năng cho sản xuất nông nghiệp và dư địa phát triển còn rất lớn.
Tại hội thảo, các đại biểu cũng được nghe giới thiệu về dịch vụ lưu trữ hồ sơ kỹ thuật số do công ty Nagase Việt Nam và một công ty trong nước phát triển. Công cụ kỹ thuật số được kỳ vọng không chỉ giảm bớt gánh nặng của công việc ghi chép mà còn trực tiếp góp phần tăng lợi nhuận nhờ làm giảm chi phí sản xuất và nâng cao chất lượng sản phẩm.
Thông qua lưu trữ hồ sơ kỹ thuật số, dữ liệu về toàn bộ quá trình sản xuất được kỳ vọng sẽ trở nên minh bạch đối với người mua, giúp họ yên tâm khi mua nông sản. Nhu cầu về an toàn thực phẩm ngày càng tăng ở Việt Nam, đặc biệt là đối với các nhà bán lẻ cao cấp và các nhà xuất khẩu Nhật Bản.
ABJD được thành lập với sự hỗ trợ của JICA để hỗ trợ kỹ thuật cho Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, nhằm thu hút các nguồn lực đầu tư của Nhật Bản vào Việt Nam và thúc đẩy nông nghiệp Việt Nam phát triển với sự hỗ trợ từ lĩnh vực tư nhân của Nhật Bản.
Cho đến nay, ABJD đã đóng vai trò kết nối các công ty Nhật Bản và Việt Nam thông qua tìm kiếm các đối tác kinh doanh và khách hàng, góp phần kích hoạt các hoạt động kinh doanh nông nghiệp giữa hai nước để đạt được sự phát triển đôi bên cùng có lợi.
Hiện nay, JICA đang phái cử chuyên gia sang công tác tại bộ phận ABJD thông qua hình thức hợp tác kỹ thuật “Cố vấn nông nghiệp và phát triển nông thôn và đối tác công tư” (nhiệm kỳ 9/2021 - 9/2022).