Nguồn: nongnghiep.vn
Cơ sở nhân giống cây lâm nghiệp và cây dược liệu của HTX Sản xuất và kinh doanh nông nghiệp 0789 ở xóm Sung, xã Thanh Hối, Tân Lạc (Hòa Bình) hiện có 2ha vườn ươm cây giống các loại với 15 thành viên góp vốn bằng lao động và đất canh tác. Trong đó, anh Bùi Văn Tường được bầu làm giám đốc, quân bình mỗi năm, HTX sản xuất và cung ứng cho người trồng rừng nhiều nơi trên cả nước với gần 3 triệu cây giống lim, lát, dổi, trám, xoan, keo, tai chua và một số cây dược liệu như sa nhân, xạ đen, cát sâm... Thị trường tiêu thụ cây giống của HTX chủ yếu tại các tỉnh Trung du Miền núi phía Bắc và khu vực Tây Nguyên.
Vườn gieo ương giống cây lâm nghiệp của HTX Sản xuất và kinh doanh nông nghiệp 0789. Hải Tiến.
Ghép nhân giống cho cây lâm nghiệp đa tác dụng
Anh Bùi Văn Tường từng tốt nghiệp Đại học Lâm nghiệp năm 2013, khởi nghề sản xuất cây giống ngay sau khi ra trường. Thoạt đầu anh chỉ sản xuất nhỏ lẻ, vừa làm vừa tích luỹ kinh nghiệm và mở rộng dần thị trường tiêu thụ. Sau khi tạo dựng được uy tín trong cộng đồng giống cây lâm nghiệp, anh đứng ra vận động người thân cùng chí hướng, thành lập HTX.
Để mở rộng thị trường tiêu thụ cây giống, anh Tường luôn sát sao chỉ đạo các thành viên đảm bảo chất lượng cây giống, các loại hạt giống và mắt giống cho gieo/ghép phải được lấy từ những cây ưu trội trong rừng giống chuyển hoá hoặc rừng giống đã được công nhận; đất dùng làm giá thể đóng bầu gieo hạt cũng được lấy ở dưới tán rừng.
Những cây giống lâm nghiệp đa giá trị, vừa lấy gỗ vừa lấy hoa, quả hoặc nhựa đều được nhân giống bằng phương pháp ghép mắt hoặc ghép cành. Đồng thời, anh Tường còn thành lập riêng tổ kỹ thuật gồm 7 kỹ sư lâm nghiệp chuyên tập huấn hoặc tư vấn kỹ thuật trồng rừng bền vững cho các tổ chức và cá nhân mua cây giống từ HTX.
Chất lượng cây giống được luôn được HTX đặt lên hàng đầu. Ảnh: Hải Tiến
Nhờ đó, các giống cây lâm nghiệp xuất bán ra từ HTX đều trồng đạt tỷ lệ sống trên 90%, cây sinh trưởng, phát triển khoẻ, năng suất chất lượng cao, giá giống cũng khá cạnh tranh, được người trồng rừng và doanh nghiệp nhiều nơi đến đặt hàng thu mua với số lượng ngày càng tăng cao.
Phân tích nguyên nhân ưu tiên ghép nhân giống cho các cây lâm nghiệp đa tác dụng (dổi, trám đen, trám trắng, tai chua...), anh Tường cho biết: Cây giống thực sinh, sau trồng ít nhiều sẽ bị biến đổi, không phát huy được hết các đặc tính ưu tú vốn có trong cây mẹ. Trái lại, trồng những cây ghép giống sẽ mang đầy đủ các đặc tính ưu trội có sẵn từ cây mẹ như nhanh cho hoa, quả hoặc nhựa hơn, năng suất chất lượng quả cũng cao hơn.
Ví dụ với rừng trám, trồng bằng giống thực sinh 8 năm mới cho quả, năng suất chỉ đạt 1,5 - 2kg quả/cây, chất lượng quả không chắc chắn giống cây mẹ. Nhưng trồng bằng cây ghép, sau 5 năm đã cho trung bình 3 - 4kg quả/cây, chất lượng quả hoàn toàn giống cây mẹ.
Bà Nguyễn Thị Hạnh ở huyện Cao Phong (Hòa Bình) kể, 5 năm trước bà có 3ha cam bị chết vì vàng lá gân xanh. Trong lúc phân vân chưa biết đổi sang cây gì cho hiệu quả, bà Hạnh được anh Tường khuyên chuyển sang trồng cây trám.
Giao cây giống trám đen cho khách hàng trồng rừng lưỡng dụng. Ảnh: Hải Tiến.
Bùi tai, bà Hạnh đánh liều mua gần 2.000 cây giống trám đen về trồng. Không ngờ đến nay, trung bình mỗi cây đã cho hơn 3kg quả, tổng sản lượng toàn vườn đạt trên 5 tấn quả, giá trị vượt 100 triệu đồng/ha. Những năm tới, năng suất quả sẽ còn tăng theo tuổi cây. Thời gian cho thu quả còn kéo dài khoảng 40 - 50 năm. Sau đó còn được thu hoạch cây, bán làm gỗ diêm hoặc ván ép.
“Trồng trám thu nhập không cao bằng cam nhưng nhàn hơn, chi phí đầu tư thấp, ít sâu bệnh, chăm sóc đơn giản. Đặc biệt là ít phải phun thuốc BVTV, ít ảnh hưởng sức khoẻ hơn nhiều so với thâm canh cam”, bà Hạnh phấn khởi cho hay.
Tuyệt kỹ ghép trám
Theo anh Tường, ghép giống cây lâm nghiệp khó hơn ghép cây ăn quả. Trong đó, trám là cây khó ghép nhất, vì cây trám có lớp tượng tầng mỏng, có nhựa và nhanh khô. Để ghép trám đạt tỷ lệ sống cao từ 80% trở nên, ngoài yêu cầu kỹ thuật ghép đoạn cành như nhân giống xoài, nhãn, ổi, hồng xiêm..., cần phải chọn mắt ghép từ cây trám 10 - 15 năm tuổi, thân thẳng, tán rộng, năng suất, chất lượng quả cao ổn định 3 năm trở lên. Mắt ghép phải cắt ở những cành giống bánh tẻ giữa tán cây tráng nắng và không sâu bệnh hại. Người ghép cần tinh mắt nhanh tay, thao tác kỹ thuật phải thuần thục, chính xác.
Tháng 3 - 4 hoặc tháng 10 - 11 hàng năm là thời vụ thích hợp cho ghép trám. Thời điểm ghép tốt nhất khi nhiệt độ không khí dao động 25 - 30 độ C. Nên làm nhà mái nilon kết hợp lưới cắt nắng thu cuốn tự động cho gieo, ghép và giâm cây giống, giúp khắc phục thời tiết mưa, nắng thất thường. Vì sau ghép, cây giống cần tối thiểu 10 ngày không mưa gây ướt cành ghép và gốc ghép. Chú ý, cần đảm bảo đủ ẩm và phân bón cho cây giống để nhựa luyện lưu thông thuận lợi, vết ghép nhanh liền.
Giám đốc HTX, anh Bùi Văn Tường kiểm tra cây giống trước khi xuất vườn. Ảnh: Hải Tiến.
Bằng những cách làm nói trên, HTX dưới sự dẫn dắt của anh Tường luôn sản xuất, kinh doanh có lãi, năm sau cao hơn năm trước. Cụ thể, năm 2021 doanh thu đạt trên 1,3 tỷ đồng, năm 2022 gần 2,1 tỷ đồng, lợi nhuận ước đạt 50 - 60% doanh thu. HTX còn tạo được việc làm ổn định cho 5 lao động có đóng bảo hiểm xã hội và 20 lao động thời vụ.
Anh Phạm Quốc Phong, Phó Giám đốc HTX cho biết, trước đây anh cũng có vườn ươm cây giống riêng, nhưng chủ yếu chỉ bán được cho những đơn hàng nhỏ lẻ. Từ ngày tham gia HTX, có tư cách pháp nhân, cho phép tham gia đấu thầu cạnh tranh trực tiếp với các đơn vị khác, cây giống của anh nói riêng, của HTX nói chung cung ứng cho các đơn hàng lớn rất thuận lợi. Qua đó thu nhập của các thành viên trong HTX cũng tăng cao nhiều lần.
Nhờ mạnh dạn dám nghĩ, dám làm và làm thành công, năm 2020, anh Tường được Tỉnh đoàn Hoà Bình trao Giải 3 cho dự án Ý tưởng khởi nghiệp sáng tạo, Bảo tồn và phát triển giá trị cây trám đen tại Hoà Bình.