Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Chậm hoàn thuế giá trị giá tăng cao su thiên nhiên xuất khẩu và những vấn đề liên quan
10 | 08 | 2023
Việc các cơ quan thuế chậm hoàn thế giá trị gia tăng (GTGT) cho doanh nghiệp các ngành hàng, trong đó có ngành cao su thiên nhiên xuất khẩu gần đây gây khó khăn cho công tác điều hành của doanh nghiệp. Sau khi có kiến nghị của Hiệp hội Cao su Việt Nam, các cơ quan quản lý Nhà nước cũng đã chỉ đạo giải quyết khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp. Liên quan vấn đề này, Cao su Việt Nam giới thiệu bài viết phân tích của tác giả My Nguyen VRR để độc giả có cái nhìn đa chiều, tổng thể.

Nguồn: tapchicaosu.vn

Việc chậm hoàn thuế giá trị gia tăng gây khó khăn cho các doanh nghiệp xuất khẩu cao su. Ảnh: Nguyễn Thiện Sinh

Kỳ 1Vì sao cao su thiên nhiên sơ chế xuất khẩu được hoàn thuế giá trị gia tăng?

Nguyên tắc hàng hóa xuất khẩu được hoàn thuế GTGT

Hai trong số các đặc điểm của thuế giá trị gia tăng (GTGT) là: (1) đây là thuế tiêu dùng nhiều giai đoạn không trùng lặp, tính trên phần giá trị tăng thêm của hàng hóa, dịch vụ trong suốt quá trình sản xuất – lưu thông – tiêu dùng cho đến khi tới tay người tiêu dùng cuối cùng, và, (2) thường được đánh theo nguyên tắc điểm đến. Tức nếu hàng hóa sản xuất trong nước nhưng không tiêu dùng trong nước mà đem xuất khẩu hoặc xuất vào khu phi thuế quan thì không bị đánh thuế, tương tự, hàng hóa nếu không sản xuất trong nước nhưng tiêu dùng trong nước, nhìn chung, đều chịu thuế GTGT.

Ngoài hai đặc điểm nêu trên, thuế GTGT là thuế gián thu vì thuế đánh vào người tiêu dùng nhưng người bán, người cung cấp hàng hóa, dịch vụ lại là đối tượng kê khai và nộp thuế.

Vì sao không xếp mủ cao su sơ chế vào nhóm đối tượng không chịu thuế hay nhóm đối tượng không phải kê khai, nộp thuế GTGT?

Đây có lẽ là câu hỏi của không chỉ doanh nghiệp ngành cao su mà cũng là thắc mắc chung của doanh nghiệp các ngành khác có hoạt động xuất khẩu hàng hóa đã qua vài bước sơ chế trước khi xuất khẩu như vải dệt may, tinh bột sắn, gỗ,… Liệu chăng ùn ứ trong việc xử lý các hồ sơ hoàn thuế GTGT gần đây mới làm tăng mong muốn được giải đáp thắc mắc về luật thuế, quy định thuế liên quan đã áp dụng cả thập kỉ qua?

Luật thuế GTGT của Việt Nam quy định ba nhóm đối tượng chính: chịu thuế, không chịu thuế và không phải kê khai tính nộp thuế.

Với đối tượng chịu thuế GTGT, Việt Nam đang áp dụng ba mức thuế suất là 0%, 5% và 10%. Một vài giai đoạn có thể áp dụng mức thuế suất 8% thay vì 10% cho các hàng hóa, dịch vụ nhất định.

Đối tượng không chịu thuế GTGT được quy định rõ ràng trong luật và hướng dẫn cụ thể trong thông tư.

Cần phân biệt các trường hợp không phải kê khai, tính nộp thuế GTGT với các đối tượng thuộc diện không chịu thuế GTGT và chịu thuế mức thuế suất 0%. Hàng hóa, dịch vụ được xếp trong nhóm nào sẽ quyết định đầu vào tương ứng có được khấu trừ thuế GTGT không, áp dụng với đơn vị kê khai thuế GTGT theo phương pháp khấu trừ.

Không chịu thuế GTGT Chịu thuế GTGT Không phải kê khai, nộp thuế GTGT
0% 5% 10%
Không được khấu trừ đầu vào Được khấu trừ đầu vào Được khấu trừ đầu vào

Hàng hóa, dịch vụ thuộc nhóm không chịu thuế GTGT, xét về mặt kinh tế, người tiêu dùng cuối cùng là người hưởng lợi. Bản chất phần lớn các hàng hóa dịch vụ thuộc nhóm này là Nhà nước miễn thuế cho người tiêu dùng vì các lý do kinh tế xã hội nhất định hoặc để xử lý các kỹ thuật đánh thuế được thuận lợi khi áp dụng hay các yêu cầu cần tuân thủ khi Việt Nam tham gia các chính sách hội nhập với thương mại các nước khác hoặc nhằm mục đích khuyến khích chế biến sâu trước khi xuất khẩu…

Một vài ví dụ về đối tượng thuộc nhóm không chịu thuế GTGT, trích từ điều 4 Thông tư 67/2020/VBHN-BTC ngày 19/12/2020:

“4. Sản phẩm muối được sản xuất từ nước biển, muối mỏ tự nhiên, muối tinh, muối i-ốt mà thành phần chính là Na-tri-clo-rua (NaCl)”.  Đây là sản phẩm lĩnh vực khó khăn, cần khuyến khích sản xuất phát triển.

“5. Nhà ở thuộc sở hữu Nhà nước do Nhà nước bán cho người đang thuê.” Mục đích là giảm bớt thủ tục vì người khai thuế, nộp thuế, thu thuế thuộc cơ quan Nhà nước.

“8. Các dịch vụ tài chính, ngân hàng, kinh doanh chứng khoán…” các đối tượng liên quan đến dịch vụ tài chính, ngân hàng, kinh doanh chứng khoán được quy định thuộc diện không chịu thuế GTGT do các dịch vụ này rất khó xác định giá trị gia tăng, lãi suất huy động, chi phí ngân hàng, lạm phát … Đây được hiểu như một trong những kỹ thuật đánh thuế.

Về nhóm không phải kê khai, tính nộp thuế, trong Luật thuế GTGT 2008 không nêu các trường hợp không phải kê khai, tính nộp thuế GTGT nhưng trong Thông tư hợp nhất 67/2020/VBHN-BTC có hướng dẫn cụ thể ở điều 5, có thể thấy một số đặc điểm của các đối tượng thuộc nhóm này như:

Giao dịch không có hàng hóa dịch vụ đối ứng, chỉ thấy luồng tiền mà không có luồng hàng hóa dịch vụ. “1. Tổ chức, cá nhân nhận các khoản thu về bồi thường bằng tiền, tiền thưởng, tiền hỗ trợ, tiền chuyển nhượng quyền phát thải và các khoản thu tài chính khác.”; hay “7c. Thu đòi người thứ 3 của hoạt động bảo hiểm.”; “7d. Các khoản thu hộ không liên quan đến việc bán hàng hóa, dịch vụ của cơ sở kinh doanh.” mà bản chất thuế GTGT là thuế tiêu dùng, thu trên hoạt động cung ứng hàng hóa, dịch vụ.

Giao dịch không có bản chất của giao dịch bán hàng, có luồng hàng hóa nhưng không có luồng tiền. Ví dụ “6. Tài sản cố định đang sử dụng, đã thực hiện trích khấu hao khi điều chuyển theo giá trị ghi trên sổ sách kế toán giữa cơ sở kinh doanh và các đơn vị thành viên do một cơ sở kinh doanh sở hữu 100% vốn hoặc giữa các đơn vị thành viên do một cơ sở kinh doanh sở hữu 100% vốn để phục vụ cho hoạt động sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ chịu thuế GTGT thì không phải lập hóa đơn và kê khai, nộp thuế GTGT. Cơ sở kinh doanh có tài sản cố định điều chuyển phải có quyết định hoặc lệnh điều chuyển tài sản kèm theo bộ hồ sơ nguồn gốc tài sản.”; hay “7a. Góp vốn bằng tài sản để thành lập doanh nghiệp. Tài sản góp vốn vào doanh nghiệp phải có: biên bản góp vốn sản xuất kinh doanh, hợp đồng liên doanh, liên kết; biên bản định giá tài sản của Hội đồng giao nhận vốn góp của các bên góp vốn (hoặc văn bản định giá của tổ chức có chức năng định giá theo quy định của pháp luật), kèm theo bộ hồ sơ về nguồn gốc tài sản”.

Khó xác định nơi tiêu dùng như khoản 2 “2. Tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh tại Việt Nam mua dịch vụ của tổ chức nước ngoài không có cơ sở thường trú tại Việt Nam, cá nhân ở nước ngoài là đối tượng không cư trú tại Việt Nam, bao gồm các trường hợp: sửa chữa phương tiện vận tải, máy móc, thiết bị (bao gồm cả vật tư, phụ tùng thay thế); quảng cáo, tiếp thị; xúc tiến đầu tư và thương mại; môi giới bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ ra nước ngoài; đào tạo; chia cước dịch vụ bưu chính, viễn thông quốc tế giữa Việt Nam với nước ngoài mà các dịch vụ này được thực hiện ở ngoài Việt Nam, dịch vụ thuê đường truyền dẫn và băng tần vệ tinh của nước ngoài theo quy định của pháp luật”.

Hoặc cần quy định, hướng dẫn trong văn bản để tránh tranh cãi khi áp dụng; ví dụ khoản 3 điều này“Tổ chức, cá nhân không kinh doanh, không phải là người nộp thuế GTGT bán tài sản”.

Hay các trường hợp đặc biệt khác.

Với các đơn vị kinh doanh, sản xuất các sản phẩm trồng trọt, chăn nuôi thì khoản 5 điều 5 các trường hợp không phải kê khai, tính nộp thuế sẽ dễ gây hiểu lầm khi áp dụng.

Trích dẫn: “Điều 5. Các trường hợp không phải kê khai, tính nộp thuế GTGT

5. Doanh nghiệp, hợp tác xã nộp thuế GTGT theo phương pháp khấu trừ bán sản phẩm trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản, hải sản chưa chế biến thành các sản phẩm khác hoặc chỉ qua sơ chế thông thường cho doanh nghiệp, hợp tác xã ở khâu kinh doanh thương mại không phải kê khai, tính nộp thuế GTGT. Trên hóa đơn GTGT, ghi dòng giá bán là giá không có thuế GTGT, dòng thuế suất và thuế GTGT không ghi, gạch bỏ.x

Trường hợp doanh nghiệp, hợp tác xã nộp thuế GTGT theo phương pháp khấu trừ bán sản phẩm trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản chưa chế biến thành các sản phẩm khác hoặc chỉ qua sơ chế thông thường cho các đối tượng khác như hộ, cá nhân kinh doanh và các tổ chức, cá nhân khác thì phải kê khai, tính nộp thuế GTGT theo mức thuế suất 5% hướng dẫn tại khoản 5 Điều 10 Thông tư này.

Hộ, cá nhân kinh doanh, doanh nghiệp, hợp tác xã và tổ chức kinh tế khác nộp thuế GTGT theo phương pháp tính trực tiếp trên GTGT khi bán sản phẩm trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản nuôi trồng, đánh bắt chưa chế biến thành các sản phẩm khác hoặc chỉ qua sơ chế thông thường ở khâu kinh doanh thương mại thì kê khai, tính nộp thuế GTGT theo tỷ lệ 1% trên doanh thu.

Áp dụng vào các giao dịch mua bán mủ cao su, cần xác định rõ mủ cao su ở bước đó chưa qua sơ chế hay đã qua sơ chế. Cao su thiên nhiên đã qua sơ chế không thuộc đối tượng áp dụng khoản 5, điều 5 này, vì không phải là sản phẩm mới qua sơ chế thông thường. “Sản phẩm mới qua sơ chế thông thường là sản phẩm mới được làm sạch, phơi, sấy khô, bóc vỏ, xay, xay bỏ vỏ, xát bỏ vỏ, tách hạt, tách cọng, cắt, ướp muối, bảo quản lạnh (ướp lạnh, đông lạnh), bảo quản bằng khí sunfuro, bảo quản theo phương thức cho hóa chất để tránh thối rữa, ngâm trong dung dịch lưu huỳnh hoặc ngâm trong dung dịch bảo quản khác và các hình thức bảo quản thông thường khác”. – Trích văn bản hướng dẫn thuế Khoản 1 Điều 1 Thông tư số 26/2015/TT-BTC ngày 27/2/2015 của Bộ Tài chính. Trong khi đó, cao su đã qua sơ chế thành dạng mủ latex, cao su khối, cao su tờ …, chủ yếu đều đã qua các bước thêm hóa chất, cán, rửa, sấy sâu hơn sơ chế thông thường để ra sản phẩm có chất lượng và đặc tính cần thiết sử dụng làm đầu vào cho các quy trình sản xuất tiếp theo.

Cao su đã qua sơ chế được xuất khẩu không thuộc đối tượng không phải kê khai, tính nộp thuế giá trị gia tăng. Ảnh: Vũ Phong

Nhóm thuế suất 0% áp dụng đối với hàng hóa, dịch vụ xuất khẩu; hoạt động xây dựng, lắp đặt công trình ở nước ngoài và ở trong khu phi thuế quan; vận tải quốc tế; hàng hóa, dịch vụ thuộc diện không chịu thuế GTGT khi xuất khẩu; trừ các trường hợp không áp dụng mức thuế 0% theo hướng dẫn.

Mủ cao su sơ chế xuất khẩu áp dụng mức thuế suất 0%, lưu thông trong nước thì chịu thuế GTGT 5%. Đối tượng xếp trong nhóm chịu thuế suất thuế GTGT 5% nhìn chung có các đặc điểm như: là sản phẩm thiết yếu với sinh hoạt hàng ngày, liên quan đến nông nghiệp, giáo dục, khoa học công nghệ hay liên quan đến hoạt động văn hóa, nghệ thuật…. Ví dụ:

“1. Nước sạch phục vụ sản xuất và sinh hoạt, không bao gồm các loại nước uống đóng chai, đóng bình và các loại nước giải khát khác thuộc đối tượng áp dụng mức thuế suất 10%.

4. Dịch vụ đào đắp, nạo vét kênh, mương, ao hồ phục vụ sản xuất nông nghiệp;

12. Giáo cụ dùng để giảng dạy và học tập bao gồm các loại mô hình, hình vẽ, bảng, phấn, thước kẻ, com-pa và các loại thiết bị, dụng cụ chuyên dùng cho giảng dạy, nghiên cứu, thí nghiệm khoa học.

14. Đồ chơi cho trẻ em; Sách các loại, trừ sách không chịu thuế GTGT hướng dẫn tại khoản 15 Điều 4 Thông tư này.

15. Dịch vụ khoa học và công nghệ là các hoạt động phục vụ, hỗ trợ kỹ thuật cho việc nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ; các hoạt động liên quan đến sở hữu trí tuệ;..”

Thuế suất 10% áp dụng cho các đối tượng, dịch vụ không nằm trong các nhóm nêu trên.

Hoạt động sản xuất, mua bán, lưu thông mủ cao su từ khâu trồng, chế biến tới ra thành phẩm (ví dụ sản phẩm lốp xe) giả sử được đơn giản hóa như hình vẽ sau:

*PPTT: Giả thiết hộ/cá nhân khâu này có nộp thuế GTGT theo phương pháp trực tiếp

             Trừ hộ/cá nhân khâu trồng mủ, các đơn vị khác đều nộp thuế GTGT theo phương pháp khấu trừ

Nếu nhà máy chế biến mủ cao su vừa xuất khẩu mủ, vừa bán mủ nội địa thì chỉ được hoàn thuế GTGT ứng với phần mủ xuất khẩu. Các công ty thu mua mủ chế biến từ các nhà máy chế biến sau đó xuất khẩu cũng được hoàn thuế GTGT ứng với phần mủ đã xuất khẩu thực tế nếu đáp ứng yêu cầu chứng từ đầy đủ, hợp lý, hợp lệ.

Quay lại câu hỏi “Tại sao không xếp mủ cao su sơ chế vào nhóm đối tượng không chịu thuế hay nhóm đối tượng không phải kê khai, nộp thuế GTGT”. Mủ cao su là một trong những hàng hóa mang lại giá trị kinh tế lớn, năm 2022 trị giá xuất khẩu cao su thiên nhiên nằm trong top các ngành hàng vượt một tỷ đô, xếp vị trí tương đương với các ngành như rau quả, hạt điều, sản phẩm nội thất từ chất liệu khác gỗ, gạo, cà phê, xếp sau các ngành xuất khẩu mũi nhọn như điện thoại & linh kiện, hàng dệt may, giày dép các loại, hải sản, sắt thép … Xuất khẩu Việt Nam không phải chỉ có lĩnh vực cao su thiên nhiên mà còn bao gồm hoạt động của các ngành khác, việc phân loại nhóm đối tượng, dịch vụ vào các nhóm thuế suất thuế GTGT căn cứ theo luật và các văn bản đã ban hành còn hiệu lực. Khi các doanh nghiệp xuất khẩu cao su bị ách vốn ở khâu xuất khẩu, do đã đóng thuế GTGT khi mua hàng ở khâu thu mua nội địa nhưng phải chờ cơ quan thuế xét duyệt ở bước hoàn thuế sau đó, kiến nghị bỏ quy định nộp thuế GTGT đối với mủ cao su xuất khẩu tức là xếp vào nhóm đối tượng không chịu thuế hoặc xếp mủ cao su xuất khẩu vào nhóm đối tượng không phải kê khai, nộp thuế GTGT. Nhưng thực tế không phải toàn bộ lượng mủ cao su đều đem đi xuất khẩu (như hình vẽ ở trên). Nếu xếp mủ cao su vào nhóm không chịu thuế GTGT sẽ làm mất tính liên hoàn của thuế giá trị gia tăng, ảnh hưởng hoạt động lưu thông, tiêu thụ mủ trong nước. Còn nếu xếp mủ cao su vào nhóm không phải kê khai, khấu trừ thuế GTGT, cần xét xem đặc điểm các đối tượng được xếp vào nhóm này, như một vài ví dụ đã trình bày ở trên.

Khi áp dụng luật, không tránh khỏi người thi hành luật phản ánh luật đó chưa phù hợp với thực tế, cần được sửa đổi, còn về phía người xây dựng luật họ cần tiếp thu, cân nhắc và xem xét bức tranh tổng thế, nếu việc thay đổi một bộ phận làm ảnh hưởng các bộ phận khác, tất nhiên phải cần thời gian nghiên cứu.

Khó khăn của doanh nghiệp khi không được hoàn thuế

Do thuế GTGT là thuế tiêu dùng gián thu, người mua mủ cao su qua sơ chế phải trả cả thuế trong giá khi mua, đơn vị bán mủ khai thuế và nộp thuế tại cơ quan thuế trên địa bàn của công ty, còn hồ sơ xin hoàn thuế được nộp tại cơ quan thuế trên địa bàn người mua mủ đăng ký hoạt động kinh doanh nếu mủ được mua để xuất khẩu hoặc xuất vào khu phi thuế quan. Giả sử mủ cao su không chịu thuế GTGT, lợi nhuận từ việc kinh doanh mủ sẽ tốt hơn và dòng tiền linh động hơn.

Tương quan tình trạng với các ngành khác

Cao su thiên nhiên là một trong các ngành “kêu cứu” vì bị chậm hoàn thuế GTGT. Tình hình kiến nghị hoàn thuế ở các ngành khác có thể biết đến như:

Hiệp hội Cao su (VRA) gửi Công văn tới cơ quan thuế phản ánh khó khăn khi số tiền hoàn thuế của các doanh nghiệp đã làm hồ sơ yêu cầu hoàn thuế lên đến hàng trăm tỷ đồng từ tháng 1.2021 tới hết năm 2022.

Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam (Viforest), theo thống kê sơ bộ số tiền thuế GTGT doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu gỗ tính đến tháng 5 2023 chưa được hoàn trả là 6.100 tỷ đồng. Viforest cũng đề nghị đưa mặt hàng gỗ ra khỏi nhóm những mặt hàng rủi ro cao trong việc hoàn thuế. Nhiều công ty ngành gỗ còn kiến nghị bỏ mức thuế GTGT 10% đối với mặt hàng này.

Hiệp hội sắn (VCA) năm 2022 từng làm nhiều văn bản kiến nghị, trình bày khó khăn lớn của ngành sắn khi bị dừng hoàn thuế giá trị gia tăng (GTGT) sau khi Công văn số 2495/TCT-TTKT ngày 8/7/2021 và Công văn số 632/TCT-TTKT ngày 7/3/2022 của Bộ Tài chính ban hành, Tổng cục Thuế chỉ đạo các Cục Thuế địa phương rà soát các hồ sơ hoàn thuế và xác minh đối tác khách hàng mua hàng phía Trung Quốc để đủ điều kiện hoàn thuế GTGT.

Nếu các ngành đều kêu khó, yêu cầu xếp hàng hóa, dịch vụ ngành hàng của mình thuộc đối tượng không chịu thuế thì Nhà nước biết thu thuế từ đâu.

Thuế suất GTGT ở ba quốc gia Thái Lan, Indonesia và Trung Quốc

Nếu doanh nghiệp xuất khẩu cao su Việt Nam muốn thoát khỏi tình cảnh đồng vốn bị kìm kẹp ở khâu hoàn thuế GTGT mà tỷ suất lợi nhuận vẫn như mong muốn, họ sẽ phải cố gắng bán hàng ở mức giá cao hơn để chi trả cho phần thuế đã tạm đóng chờ hoàn lại, hoặc có khả năng không được hoàn lại. Giờ hãy so sánh mức thuế này với hai quốc gia Thái Lan và Indonesia là hai nước cùng Việt Nam nằm trong danh sách các quốc gia sản xuất và xuất khẩu cao su thiên nhiên nhiều nhất trong những năm qua.

Tại Thái Lan, nhìn chung hàng cao su thiên nhiên dùng cho sản xuất, kinh doanh, tiêu dùng trong Thái Lan áp dụng thuế suất thuế GTGT 7%, áp dụng cho xuất khẩu là 0% trừ một số trường hợp đặc biệt. Trong khi đó tại Indonesia là 11%.

Xét riêng trên phương diện thuế suất thuế GTGT, Việt Nam có phần “dễ thở” hơn khi áp dụng mức thuế 5% trong khi Thái Lan là 7% và Indonesia là 11%. Tuy nhiên đây chỉ là so sánh trên một khía cạnh, còn nhiều phương diện khác cần tính đến khi so sánh giá cạnh tranh giữa các quốc gia như: ngoài thuế GTGT hàng hóa còn bị đánh loại thuế khác không, chính sách hoàn thuế, khai thuế có gây ra gánh nặng không, chất lượng, thương hiệu hàng hóa, mức độ đón nhận của thị trường hay tỷ giá giữa đồng tiền nội địa và đồng tiền thu về từ xuất khẩu – các khía cạnh đó không được đề cập chi tiết trong bài viết này.

Tại Trung Quốc – quốc gia nhập khẩu cao su Việt Nam nhiều nhất cả thập kỷ qua, có mức thuế giá trị gia tăng nội địa mặt hàng này là 7%.



Báo cáo phân tích thị trường