Nguồn: danviet.vn
Nguồn cung cạn dần, giá tiêu tăng hơn 4.000 đồng/kg
Theo Hiệp hội Hạt tiêu và cây gia vị Việt Nam (VPSA), vụ thu hoạch hạt tiêu vụ mùa năm 2023 của Việt Nam đã kết thúc, sản lượng hạt tiêu ước đạt gần 200.000 tấn, tăng 9,3% so với vụ mùa năm 2022.
Tuy nhiên, hiện nguồn cung hạt tiêu nội địa chỉ có ở một số kho và giới đầu cơ với tổng sản lượng dự kiến sẽ không còn đủ để xuất khẩu hồ tiêu cho những tháng cuối năm, nếu trung bình mỗi tháng chúng ta xuất khẩu từ 15.000 – 20.000 tấn. Điều này đã có những tác động tích cực lên giá tiêu đen tại thị trường trong nước.
Cụ thể, ngày 9/8/2023, giá hạt tiêu đen tăng từ 3.500 – 4.500 đồng/kg so với cuối tháng 7/2023, lên mức 71.000 – 74.000 đồng/kg (tùy từng khu vực khảo sát). Giá tiêu trắng cũng tăng thêm 2.000 đồng/kg so với cuối tháng 7, lên mức 103.000 đồng/kg.
Hiện, giá tiêu tại địa bàn Bà Rịa - Vũng Tàu đang cao nhất cả nước, đạt 74.000 đồng/kg. Giá tiêu tại Gia Lai và Đồng Nai đang được các tiểu thương chốt ở mức bình quân 71.000 đồng/kg.
Tại Bình Phước, giá tiêu hôm nay đạt 73.000 đồng/kg. Hai tỉnh Đắk Lắk và Đắk Nông giá tiêu hiện đạt bình quân 72.000 đồng/kg.
Tại cảng khu vực TP.Hồ Chí Minh, ngày 8/8/2023, giá tiêu đen xuất khẩu loại 500g/l và 550g/l xuất khẩu ổn định ở mức 3.500 USD/tấn và 3.600 USD/tấn. Giá tiêu trắng xuất khẩu ổn định ở mức 5.100 USD/tấn.
Cũng theo thông tin từ Hiệp hội Hạt tiêu và Gia vị Việt Nam, trong 5 tháng đầu năm 2023, Trung Quốc tăng nhập khẩu hồ tiêu từ Việt Nam, tăng 3,1% về lượng, đạt 1.200 tấn, nhưng tính theo trị giá giảm 17,6%, xuống xấp xỉ 4,31 triệu USD trong 5 tháng đầu năm 2023. Thị phần hồ tiêu của Việt Nam trong tổng lượng nhập khẩu của Trung Quốc tăng từ 29,54% trong 5 tháng đầu năm 2022 lên 39,39% trong 5 tháng đầu năm 2023.
Thông tin từ Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam, việc Trung Quốc thu mua hạt tiêu liên tục từ đầu năm đến nay (đạt gần 50.000 tấn) cho thấy có thể nguồn hàng dự trữ đã được nước này thu mua gần đủ nên họ chưa cần thiết mua thêm.
Sản lượng hạt tiêu toàn cầu giảm
Theo dự báo của Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), thời gian tới thị trường hạt tiêu toàn cầu sẽ tăng do nguồn cung giảm, nhu cầu tăng. Hiện nguồn cung hạt tiêu tại Việt Nam không còn nhiều. Tại Indonesia, sản lượng hạt tiêu năm 2022 giảm 22% so với năm 2021, dự kiến sẽ tiếp tục giảm 15% trong năm 2023.
Tại Ấn Độ, các vùng trồng tiêu chủ lực bị ảnh hưởng bởi thời tiết khiến sản lượng tiêu Ấn Độ dự báo giảm 30 – 32%, trong khi nhu cầu hạt tiêu tại thị trường nội địa tăng đột biến khi mùa lễ hội sắp đến.
Còn tại Brazil, dự báo vụ mùa năm 2023, sản lượng hạt tiêu của nước này sẽ giảm khoảng 10 – 15% so với vụ mùa năm 2022. Do đó, việc thu mua hạt tiêu gặp khó khăn khi người dân có tâm lý găm giữ hàng nhiều hơn.
Theo số liệu thống kê từ Tổng cục Hải quan, xuất khẩu hạt tiêu của Việt Nam trong tháng 7/2023 đạt gần 15,26 nghìn tấn, trị giá 56,92 triệu USD, giảm 28,2% về lượng và giảm 25,8% về trị giá so với tháng 6/2023, so với tháng 7/2022 giảm 18,3% về lượng và giảm 27,7% về trị giá.
Tính chung 7 tháng đầu năm 2023, xuất khẩu hạt tiêu của Việt Nam đạt 167,92 nghìn tấn, trị giá 540,13 triệu USD, tăng 18,1% về lượng, nhưng giảm 15,4% về trị giá so với cùng kỳ năm 2022.
Theo Ngân hàng Thế giới (WB), các nền kinh tế hàng đầu thế giới như Hoa Kỳ, châu Âu và Trung Quốc có triển vọng tích cực vào cuối năm. Điều này sẽ tác động tích cực lên sức mua hàng hóa, trong đó có hạt tiêu và gia vị. Bên cạnh đó, trong xu thế lo ngại chung của tình hình lương thực thế giới có khả năng sẽ thiếu hụt, Ấn Độ đã đưa ra hạn chế cấm xuất khẩu gạo, Nga tuyên bố rút khỏi thoả thuận biển Đen cũng là tín hiệu hỗ trợ cho thị trường nông sản nói chung và gia vị thế giới nói riêng.