Nguồn: vtv.vn
Bỉ dù không có ngành nuôi trồng thuỷ sản phát triển với quy mô lớn, song lại sở hữu nhiều ứng dụng nghiên cứu khoa học hàng đầu thế giới về nuôi trồng thuỷ sản. Trong khi đó, Việt Nam sở hữu ngành nuôi trồng thuỷ sản có quy mô lớn và ngày càng phát triển.
Theo nghiên cứu mới nhất của các nhà khoa học Bỉ giúp nâng cao năng suất nuôi trồng thuỷ sản, bằng việc phát triển công cụ phân tích có độ phân giải và thông lượng cao, các nhà khoa học sẽ xác định được hình thái đường tiêu hoá của một số loài thuỷ sinh.
Giáo sư Wim Van Broeck - Đại học Gent, Bỉ cho biết: "Chúng tôi thu thập dữ liệu để theo dõi tình trạng sức khỏe của tôm nước mặn. Nhờ đó tình trạng sức khỏe của tôm có thể được kiểm soát và cải thiện. Điều này rất hữu ích cho ngành nuôi trồng thủy sản ở Việt Nam".
Giáo sư Dirk Inzé - Trung tâm sinh học hệ thống thực vật, Đại học Gent (VIB) nhận định: "Ngành nuôi trồng thuỷ sản ở Bỉ không phát triển như Việt Nam, vì vậy sự hợp tác giữa Bỉ và Việt Nam giúp các nghiên cứu khoa học được ứng dụng thực tế".
Cơ hội hợp tác giữa các trung tâm nghiên cứu khoa học trong lĩnh vực nuôi trồng thuỷ sản nói riêng và nông nghiệp nói chung giữa Bỉ và Việt Nam đang rất rộng mở.
Theo Giáo sư Dirk Inzé, hợp tác Việt Bỉ trong lĩnh vực nuôi trồng thuỷ sản đã phát triển từ gần 40 năm trước, các nhà khoa học của Bỉ đã giúp Việt Nam sản xuất Artemia - một sinh vật ngoại lai làm thức ăn cho tôm cá, không chỉ giúp ngành nuôi trồng thuỷ sản Việt Nam phát triển, mà còn đưa Việt Nam thành nhà cung cấp Artemia cho thị trường thế giới.
Giáo sư Dirk Inzé - Trung tâm sinh học hệ thống thực vật, Đại học Gent (VIB) cho hay: "Biến đổi khí hậu và nước biển dâng ở sông Mekong đang thách thức ngành nuôi trồng thủy sản Việt Nam. Chúng tôi đang phát triển một loại Artemia mới có sức chống chịu với các hiện tượng này".
Ông Lê Minh Hoan - Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết: "Chúng ta phải nâng tầm hợp tác giữa các nhà khoa học của Đại học Gent với các viện, các trường đặc biệt là ở khu vực ĐBSCL để giải quyết được hai việc: Thứ nhất là thích ứng được với biến đổi khí hậu dịch bệnh; Thứ hai nữa là tạo ra cái giá trị gia tăng từ công nghệ sinh học, từ công nghệ gen mà đó là thế mạnh của các nhà khoa học của Bỉ".
Lợi ích kinh tế của nhiều dự hợp tác trong lĩnh vực nông lâm thủy sản trong nhiều năm qua mang lại cho cả Bỉ và Việt Nam, cùng sự phát triển của những nghiên cứu khoa học mới là nền tảng để hai nước mở ra nhiều dự án hợp tác mới, trong các ngành nuôi trồng thuỷ sản, chế biến thực phẩm hay công nghệ sinh học… Đây là cơ sở giúp Việt Nam phát triển nền nông nghiệp bền vững.