Theo congthuong.vn
Xuất khẩu nhiều nhưng thương hiệu vẫn “vô danh”
Theo ông Nguyễn Đức Hưng, Giám đốc Công ty CP Sản xuất thương mại xuất nhập khẩu cà phê Napoli, tính trung bình, mỗi địa phương ở Việt Nam có 100 doanh nghiệp cà phê, riêng TP. Hồ Chí Minh có khoảng 2.000 doanh nghiệp. Số lượng doanh nghiệp cà phê rất nhiều nhưng việc phát triển thương hiệu Việt ra thị trường thế giới còn hạn chế.
“Trong nhiều năm nay, tôi đi khoảng 100 nước trên thế giới và thấy rất ít thương hiệu cà phê Việt Nam, đâu đó gặp thương hiệu cà phê Trung Nguyên trên quầy kệ siêu thị một số nước. So với Thái Lan, Malaysia thì độ bao phủ và thị trường của các thương hiệu cà phê Việt Nam rất hạn chế”- ông Hưng nhận xét.
|
Thương hiệu cà phê Việt vẫn mờ nhạt do chủ yếu xuất thô |
Thừa nhận thực tế này, ông Nguyễn Nam Hải, Chủ tịch Hiệp hội Cà phê - Ca cao Việt Nam (VICOFA)- thông tin, hiện Việt Nam chủ yếu xuất khẩu cà phê nhân với tỷ trọng chiếm khoảng 91%, còn lại các sản phẩm chế biến sâu. Mặc dù trong những năm gần đây tỷ lệ kim ngạch xuất khẩu cà phê hòa tan và các sản phẩm chế biến sâu có những bước phát triển, tỷ lệ có tăng song lại tập trung chủ yếu ở các doanh nghiệp FDI.
“Trong 10 doanh nghiệp xuất khẩu cà phê rang xay hòa tan hàng đầu Việt Nam, chỉ có Trung Nguyên là doanh nghiệp Việt Nam còn lại là các doanh nghiệp FDI”- ông Hải cho biết.
Chỉ ra nguyên nhân các doanh nghiệp Việt Nam xuất khẩu cà phê hòa tan và các sản phẩm chế biến sâu vẫn còn ở tỷ lệ thấp, đại diện của VICOFA cho biết, điều này xuất phát từ việc đầu tư hệ thống nhà máy chế biến sâu chi phí cao. Cụ thể, bình quân 1 nhà máy công suất trên dưới 3.000 tấn/ năm sấy phun sẽ có chi phí trên dưới 35 triệu USD và chỉ những doanh nghiệp, tập đoàn lớn như Intimex, Timex Corp (Tín Nghĩa), Vĩnh Hiệp, Phúc Sinh… mới có khả năng đầu tư. Đó là chưa kể, đầu tư thương hiệu phải trải qua quá trình quảng bá và tiếp thị lâu dài. Chẳng hạn để có thương hiệu như hiện tại thì Trung Nguyên đã phải mất 25 năm.
Ngoài ra, còn do sản phẩm cà phê chế biến sâu thường khó về đầu ra, đặc biệt thị trường châu Âu, châu Mỹ. Trong khi đó, các doanh nghiệp FDI có khả năng đáp ứng 3 tiêu chí trên nên tỷ lệ chế biến sâu ở mức cao.
Cách nào xây dựng thương hiệu?
Ông Gruber Alexander Lukas, Giám đốc Công ty Cổ phần Dịch vụ rang xay chuyên nghiệp Sài Gòn, đại diện thương hiệu Alambe' Finest Vietnamese Coffee cho rằng, Việt Nam nổi tiếng với số lượng lớn, giá rẻ. Do đó, cần đầu tư xây dựng thương hiệu, tạo nên chất lượng độc đáo, phân loại cà phê thành các hạng tốt, thượng hạng, tiêu chuẩn…, chỉ như vậy xuất khẩu cà phê mới có giá trị gia tăng.
Dẫn chứng cụ thể, ông cho biết: “Doanh nghiệp chúng tôi đầu tư cà phê rang xuất khẩu, cà phê cao cấp ALAMBE, tạo giá trị gia tăng thông qua việc cá nhân hóa cà phê cộng với việc rang và đóng gói tại Việt Nam. Tăng tiêu dùng nội địa, tạo thêm giá trị bằng cách tạo ra một loại cà phê địa phương”.
Liên quan câu chuyện vốn, Thạc sĩ Nguyễn Quang Bình (chuyên gia phân tích cà phê)- đề xuất, cơ quan quản lý nhà nước cần hỗ trợ để phát triển ngành như việc tạo quỹ cho vay, quỹ tín dụng để hỗ trợ các doanh nghiệp, công ty có tiền thu mua. Bởi khó khăn lớn nhất về tín dụng, vốn mà các doanh nghiệp cà phê hiện nay vẫn còn hậu quả.
Một giải pháp khác, theo ông Nguyễn Quang Bình, cần tăng cường là sản xuất, chế biến cà phê đặc sản. Bởi lẽ 1 tấn cà phê thường 4.000 USD/tấn nhưng cà phê đặc sản ít nhất là 6.000 - 8.000 USD/tấn, nên cần tăng cường hỗ trợ các doanh nghiệp tăng cường chế biến cà phê đặc sản để nâng cao giá trị của hạt cà phê.
Từ góc nhìn tại thị trường Đức, bà Đỗ Việt Hà, Tùy viên thương mại Thương vụ Việt Nam tại Đức khuyến nghị, các doanh nghiệp cần chú trọng xây dựng thương hiệu gắn với câu chuyện về nguồn gốc sản phẩm, cách chế biến một cách trung thực nhất đến người tiêu dùng. Đặc biệt là tận dụng lợi thế Hiệp định thương mại tự do để đưa cà phê vào thị trường EU nói chung và Đức nói riêng. Đồng thời nên có kế hoạch tham dự các hội chợ quốc tế tổ chức hằng năm ở Đức.
“Trong những năm gần đây, người Đức rất chú trọng vào những sản phẩm có lợi cho sức khỏe và có xu hướng tiêu dùng cà phê hữu cơ, chất lượng cao ngày càng gia tăng. Các doanh nghiệp Việt Nam cần nắm bắt kịp thời xu thế tiêu dùng, các quy định về an toàn thực phẩm tại Đức, cũng như yêu cầu về chứng nhận tiêu dùng hữu cơ quốc tế để nâng cao chất lượng sản phẩm, mở rộng thị trường đầy tiềm năng”- bà Hà lưu ý.