Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Cần chính sách hỗ trợ cho cây mía như cây lúa
13 | 05 | 2024
Nông dân và doanh nghiệp cần thêm trợ lực về vốn và có chính sách hỗ trợ cho cây mía như đối với cây lúa để phát triển bền vững ngành mía đường.

Nguồn: nongnghiep.vn

Tái cơ cấu để phát triển bền vững

Thanh Hóa là một trong những địa phương có diện tích trồng mía lớn tại Khu vực Bắc Trung bộ. Tuy nhiên, gần 10 năm trở lại đây, diện tích trồng mía toàn tỉnh Thanh Hóa giảm gần 2,5 lần (từ 32 nghìn ha năm 2015 xuống còn hơn 12 nghìn ha năm 2023). Nhiều hộ nông dân đã bỏ nghề hoặc chuyển đổi sang cây trồng khác vì giá mía bấp bênh, thiếu lao động tham gia sản xuất và chi phí sản xuất tăng cao.

Diện tích mía giảm sâu khiến cơ sở chế biến gặp khó vì thiếu nguyên liệu. Thậm chí có nhà máy đường phải đóng cửa vì làm ăn thua lỗ. Nhiều doanh nghiệp phải tái cơ cấu để “thoát hiểm” trong bối cảnh nghề trồng mía hết sức ảm đạm nhiều năm qua.

Ông Lê Bá Chiều, Phó Tổng Giám đốc phụ trách Công ty Cổ phần Mía đường Lam Sơn (Thanh Hóa) cho biết: “Diện tích mía giảm đã ảnh hưởng trực tiếp tới kết quả, hiệu quả sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp mía đường, trong đó có Công ty Cổ phần Mía đường Lam Sơn.

Cụ thể, sản lượng mía nguyên liệu cung cấp cho nhà máy đường của Công ty đã giảm một nửa so với cách đây khoảng 10 năm. Công suất hoạt động của nhà máy không đạt được mục tiêu, kế hoạch đề ra. Thời gian vụ ép rút ngắn (từ 140 ngày nay giảm xuống chỉ còn 90 ngày ép) khiến công ăn việc làm và thu nhập của cán bộ công nhân viên, người lao động nhà máy cũng giảm theo”.

Ông Lê Bá Chiều, Phó Tổng Giám đốc phụ trách Công ty Cổ phần Mía đường Lam Sơn (Thanh Hóa) tham dự tọa đàm với chủ đề 'Tìm lại vị ngọt cho cây mía' do Báo Nông nghiệp Việt Nam tổ chức mới đây. Ảnh: NNVN.

Ông Lê Bá Chiều, Phó Tổng Giám đốc phụ trách Công ty Cổ phần Mía đường Lam Sơn (Thanh Hóa) tham dự tọa đàm với chủ đề "Tìm lại vị ngọt cho cây mía" do Báo Nông nghiệp Việt Nam tổ chức mới đây. Ảnh: NNVN.

Cũng theo ông Lê Bá Chiều, trong bối cảnh diện tích, sản lượng mía nguyên liệu giảm, doanh nghiệp đã thực hiện đồng bộ các giải pháp để đảm bảo hoạt động liên tục cho nhà máy đường. “Hiện nay Công ty Cổ phần Mía đường Lam Sơn đã đầu tư, nâng cấp hệ thống dây chuyền sản xuất đường, áp dụng tiến bộ khoa học nhằm giảm chi phí, giá thành, nâng cao hiệu quả sản xuất và tái đầu tư cho bà con nông dân trồng mía. Bên cạnh đó, doanh nghiệp đã đầu tư một số nhà máy chế biến sâu (nhà máy chế biến đường phèn) nhằm đa dạng hóa các mặt hàng cung cấp cho thị trường.

Ngoài ra, doanh nghiệp rất quan tâm tới phát triển vùng nguyên liệu và coi đây là yếu tố sống còn. Trong nhiều năm qua, Công ty đã liên kết, hỗ trợ cho nông dân giống, kỹ thuật, cơ giới hóa, vốn, phân bón, nâng cao giá thu mua mía để bà con yên tâm gắn bó với cây mía. Bên cạnh đó, Công ty đã nghiên cứu, chọn tạo, phục tráng các giống mía có chất lượng đưa vào sản xuất đại trà nhằm nâng cao năng suất, chất lượng và thu nhập của bà con nông dân. Đẩy mạnh chuyển đổi số để quản lý diện tích, hộ trồng, để đảm bảo hiệu quả canh tác trên đơn vị diện tích.

Doanh nghiệp và nông dân cần trợ lực

Theo Hiệp hội Mía đường Việt Nam, sản xuất mía đường niên vụ 2023 - 2024 đã có sự tăng trưởng so với niên vụ trước. Trong đó, diện tích mía thu hoạch hơn 159 nghìn ha, tăng 112%; sản lượng mía chế biến ước hơn 10,5 triệu tấn, tăng 109% và sản lượng đường đạt hơn 1 triệu tấn, tăng 110%. Tại Thanh Hóa, niên vụ 2024 - 2025, ngành mía đường tỉnh này có chỉ dấu phục hồi khi diện tích gieo trồng mía ước tính đạt 13,5 nghìn ha, tăng hơn 1 nghìn ha so với niên vụ trước.

Vụ ép năm nay, giá mía nguyên liệu được các nhà máy đường thu mua tăng lên mức 1,2 - 1,3 triệu đồng/tấn, tương đương so với các nước trong khu vực. Đây một trong những động lực quan trọng để nông dân mở rộng diện tích trồng mía trong 2 niên vụ gần đây. Tại nhiều địa phương trong cả nước đã hình thành những cánh đồng chuyên canh mía liên vùng, liên thửa rộng lớn, với hệ thống thủy lợi nội đồng được đầu tư bài bản, thuận tiện cho việc đưa cơ giới hóa.

Ông Đào Văn Đường ở thôn 3, xã Thọ Lâm, huyện Thọ Xuân (Thanh Hóa) là hộ dân có diện tích mía lớn nhất xã Thọ Lâm. Ảnh: Văn Hùng.

Ông Đào Văn Đường ở thôn 3, xã Thọ Lâm, huyện Thọ Xuân (Thanh Hóa) là hộ dân có diện tích mía lớn nhất xã Thọ Lâm. Ảnh: NNVN.

Tuy nhiên, để phát triển bền vững, ngành mía đường cần có các biện pháp phù hợp nhằm củng cố và phát triển chuỗi liên kết trong sản xuất mía đường, nhất là trong điều kiện cạnh tranh giữa cây mía và cây trồng khác ngày càng gia tăng tại các địa phương.

Để phát triển ngành mía đường bền vững trong thời gian tới, ông Lê Bá Chiều - Phó Tổng Giám đốc phụ trách Công ty Cổ phần Mía đường Lam Sơn (Thanh Hóa) kiến nghị: “Cơ quan có thẩm quyền cần có giải pháp đẩy mạnh thực hiện chính sách tích tụ đất đai, dồn điền đổi thửa để tạo ra cánh đồng lớn, áp dụng cơ giới hóa đồng bộ nhằm mang lại hiệu quả cao trong sản xuất mía.

Đồng thời xây dựng chính sách hỗ trợ cho cây mía cũng giống như các cây trồng khác (cây lúa) để bà con yên tâm đầu tư sản xuất, nâng cao năng suất, chất lượng trên đơn vị diện tích. Hỗ trợ trực tiếp cho bà con sản xuất mía về máy móc, thiết bị để cơ giới hóa, phát triển bền vững vùng nguyên liệu. Hiện nay, nhu cầu phát triển diện tích mía là rất lớn, do vậy cần chính sách vay vốn ưu đãi với lãi suất thấp áp dụng đối với các hộ dân tham gia trồng mía".

Công ty Cổ phần Mía đường Lam Sơn đã đưa ra giải pháp tái cơ cấu giống mía bằng việc áp dụng công nghệ nuôi cấy mô, chọn tạo, phục tráng các giống mía chất lượng cao nhằm tăng năng suất, giá trị trên đơn vị diện tích trong bối cảnh nghề mía hết sức ảm đạm nhiều năm qua. Nhờ vậy, diện tích, năng suất mía nguyên liệu đang có xu hướng tăng dần, nông dân có thêm thu nhập, cơ sở chế biến có nguồn nguyên liệu bền vững để hoạt động.



Báo cáo phân tích thị trường