Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Những điều thú vị về chè, đồ uống phổ biến thứ hai thế giới sau nước
21 | 05 | 2024
Hãy trao cho nhau một gói chè, có lẽ đây là hành động đẹp và đầy ý nghĩa trong ngày này - Ngày Chè thế giới.

Nguồn: thethaovanhoa.vn

Trao nhau một gói chè là trao cho nhau sức khỏe, là trao cho nhau niềm vui. Mỗi gói chè được trao đi sẽ thúc đẩy quá trình sản xuất và tiêu thụ chè, đồng thời hỗ trợ bà con nông dân tại các vùng chè cải thiện cuộc sống.

Những điều thú vị về chè

Cây chè có tên khoa học là Cemellia Senensis - loại thực vật tạo ra loại thức uống có số lượng người dùng nhiều thứ 2 trên thế giới (sau nước) sống chủ yếu ở những vùng nhiệt đới. Nói về cây chè có vô vàn kiến thức xoay quanh như giống chè, loại chè, nguồn gốc, nơi phân bố, sản lượng, công dụng, bài thuốc…

Hiện nay có 3 giả thuyết chính về nguồn gốc cây chè: (1) khởi thủy từ tỉnh Tứ Xuyên và Vân Nam Trung Quốc; (2) xuất phát từ vùng Assam Ấn Độ và (3) vùng Đông Nam Á cổ đại. Trong đó nhiều người nghiêng về giả thuyết thứ ba, bởi vì vào thời tiền sử, khu vực cây chè không nằm theo phân vùng địa lý như hiện nay mà nằm trong khu vực Đông Nam Á rộng lớn thời cổ đại, trong đó bao gồm cả tỉnh Tứ Xuyên và Vân Nam Trung Quốc, vùng Assam Ấn Độ, đặc biệt là miền bắc Việt Nam - nơi có hàng nghìn cây chè, kể cả cây chè cổ thụ lớn tới 3 vòng tay người ôm.

Cây chè có tên khoa học là Cemellia Senensis. Ảnh: Internet

Từ cây chè nguyên thuỷ được phát hiện ra từ 4-5 nghìn năm trước, chè được nhân lên và được đem đi trồng trên gần khắp thế giới.

Theo truyền thuyết rất cổ xưa, chè được dùng từ lâu ở Việt Nam, Trung Quốc. Ở Nhật Bản 729 năm sau công nguyên mới thấy sử sách nói đến chè.

Đến thế kỷ XVI, các cường quốc châu Âu lần đầu tiên giao thương chè. Chè có vị thế vững chắc khi người Bồ Đào Nha trở thành những người châu Âu đầu tiên lấy mẫu (năm 1557), tiếp theo là người Hà Lan là những người đầu tiên vận chuyển một lô hàng chè sang châu Âu.

Ở phương Tây, quyển sách đầu tiên nói đến chè in năm 1559 của Jovani Batesta Ramudỉo (1485-1557). Sách đầu tiên nước Anh nói đến chè vào năm 1598, còn ở Bồ Đào Nha là 1600.

Chè thực sự quan trọng đối với rất nhiều người, song nó có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với người Anh. Chè trở nên quan trọng đối với người Anh đến mức nó thậm chí còn gây ra các cuộc chiến tranh trên khắp đế chế. Sau khi Hoàng hậu người Bồ Đào Nha của Vua Charles II phổ biến chè tại triều đình, chè trở thành một thức uống của xã hội thời thượng. Sau khi người Anh bắt đầu dùng, buôn bán chè trở thành một ngành kinh doanh khổng lồ. Vì chè do Công ty Đông Ấn độc quyền và chính phủ đánh thuế 120%, một đội quân buôn lậu đã mở các kênh bí mật để đưa chè đến tay những người tiêu thụ nghèo hơn. Năm 1784, để dẹp bỏ thị trường chợ đen, Thủ tướng William Pitt đã giảm thuế đối với loại lá nhiều công năng này xuống chỉ còn 12,5%. Kể từ đó, chè trở thành đồ uống dân dã - được bán trên thị trường như một loại nước tăng cường sinh lực và làm ngon miệng.

Với hơn 5 nghìn năm lịch sử, ngành chè đã có chỗ đứng vững chắc, mang trong mình những giá trị văn hóa lâu đời mà ít ngành nào có được. Ngày chè Thế Giới sẽ là cơ hội để những người yêu trà, người trẻ và tất cả mọi người trên thế giới biết đến và tôn vinh nền văn hóa lâu đời này.

Ngành chè thế giới đóng góp những giá trị không nhỏ cho nền kinh tế-xã hội thế giới

Hơn 5 nghìn năm lịch sử phát triển, ngành chè thế giới đã đóng góp những giá trị không nhỏ cho nền kinh tế-xã hội thế giới. Những ý nghĩa lịch sử lâu đời, nền văn hóa trà sâu sắc gắn liền với đời sống và như một thứ không thể tách rời trong cuộc sống hàng ngày của con người.

Chè là thức uống lâu đời, tiêu thụ nhiều nhất trên thế giới chỉ sau nước. Triển vọng ngành chè ngày càng phát triển, tạo ra nhiều cơ hội việc làm cho người nông dân, thúc đẩy phát triển kinh tế cùng nhiều lợi ích và các giá trị thực tế mà ngành chè mang lại. Nhận thấy những ý nghĩa mà ngành chè mang lại, cuối năm 2019 Đại hội đồng Liên hợp quốc đã lấy ngày 21/5 là Ngày Chè thế giới. Ngày Chè thế giới ra đời như một bước đột phá thúc đẩy nền nông nghiệp phát triển, thực hiện các hoạt động để ủng hộ sản xuất và tiêu thụ chè bền vững, ngoài ra còn nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của ngành trà trong việc xóa đói giảm nghèo.

Ngày Chè thế giới (21/5): Những điều thú vị về chè, đồ uống phổ biến thứ hai thế giới sau nước - Ảnh 2.

Ngành chè thế giới đã đóng góp những giá trị không nhỏ cho nền kinh tế-xã hội thế giới. Ảnh: Internet

Ngành chè đang cung cấp việc làm cho hàng trăm nghìn người trên thế giới, việc sản xuất, chế biến và kinh doanh chè góp phần lớn trong công cuộc giảm nghèo cùng cực, xóa đói đặc biệt là các quốc gia đang phát triển. Đặc biệt nâng cao nhận thức cho cộng đồng về tầm quan trọng của cây chè trong cuộc sống, nhất là phát triển nông thôn và sinh kế bền vững, cải thiện giá trị cây chè. Mục tiêu để đóng góp vào Chương trình nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững.

Hãy trao cho nhau một gói chè, có lẽ đây là hành động đẹp và đầy ý nghĩa trong ngày này. Trao nhau một gói trà là trao cho nhau sức khỏe, là trao cho nhau niềm vui. Mỗi gói trà được trao đi sẽ thúc đẩy quá trình sản xuất và tiêu thụ trà, đồng thời hỗ trợ bà con nông dân tại các vùng trà trên cả nước cải thiện cuộc sống.

Hãy ngồi xuống và thưởng thức những chén chè mang đậm hương vị quê nhà. Không còn quá vội vàng, hãy dành cho mình một chút thời gian thưởng thức chén trà để quay về tìm lại bản thân và tìm người tri kỷ.

Hãy đến và gặp gỡ bà con trồng chè. Đến để hiểu và chia sẻ khó khăn trong đời sống của những người gắn bó cả đời mình qua nhiều thế hệ với cây chè. Chúng ta sẽ hiểu rõ hành trình của lá chè từ các vườn chè trên đồi cao hay núi sâu trải qua chặng đường dài để có mặt trên bàn trà của mỗi chúng ta, một hành trình có đủ ngũ hành: Kim, Mộc, Thủy, Hỏa, Thổ để mỗi chén trà có đủ Nhật Nguyệt.

Chè là mặt hàng Việt Nam có trữ lượng Top 5 thế giới

Theo thư tịch cổ Việt Nam, cây chè đã có từ xa xưa dưới hai dạng: cây chè vườn hộ gia đình vùng châu thổ Sông Hồng và cây chè rừng ở miền núi phía Bắc. Trong sách " Vân Đài loại ngữ " (1773) của Lê Quý Đôn có ghi trong mục IX, Phẩm vật: "... Cây chè đã có ở mấy ngọn núi Am Thiên, Am Giới và Am Các, huyện Ngọc Sơn, tỉnh Thanh Hoá, mọc xanh um đầy rừng, thổ nhân hái lá chè đem về giã nát ra, phơi trong râm, khi khô đem nấu nước uống, tính hơi hàn, uống vào mát tim phổi, giải khát, ngủ ngon. Hoa và nhị chè càng tốt, có hương thơm tự nhiên...".

Theo thống kê của Hiệp hội chè Việt Nam, tính đến năm 2020, nước ta có 34 tỉnh, thành phố trồng chè với tổng diện tích 123 nghìn ha, năng suất bình quân đạt gần 95 tạ/ha, sản lượng đạt 1,02 triệu tấn chè búp tươi.

Cây chè được phát triển chủ yếu ở khu vực Trung du và miền núi phía Bắc với khoảng 70% diện tích trồng chè cả nước; kế đến là vùng Tây Nguyên với khoảng 19%; vùng Bắc Trung bộ và Duyên hải miền Trung có diện tích chè chiếm 7,0% và khu vực Đồng bằng Bắc bộ 4,0%.

Việt Nam có đa dạng giống chè, theo thống kê có đến 170 giống chè các loại bảo đảm chất lượng và cho năng suất cao, với các hương vị đặc biệt được thế giới ưa chuộng, như: Chè shan, PH1, LDP1, LDP2, PT14… và các giống chè nhập nội, như: PT95, Kim Tuyên, Bát Tiên, Tứ Quý Xuân... Trong đó, chè shan là giống chè quý, được phát triển lâu đời tại một số địa phương khu vực phía Bắc như: Hà Giang, Yên Bái, Sơn La, Điện Biên…

Ngày Chè thế giới (21/5): Những điều thú vị về chè, đồ uống phổ biến thứ hai thế giới sau nước - Ảnh 3.

Theo thư tịch cổ Việt Nam, cây chè đã có từ xa xưa dưới hai dạng: cây chè vườn hộ gia đình vùng châu thổ Sông Hồng và cây chè rừng ở miền núi phía Bắc. Nguồn: TTXVN

Tại Việt Nam, cây chè đã trở thành cây công nghiệp phát triển ổn định. Chè là mặt hàng Việt Nam có trữ lượng Top 5 thế giới. Năm 2023, xuất khẩu chè Việt Nam đạt 121.000 tấn, trị giá 211 triệu USD. Hai tháng đầu năm 2024, xuất khẩu chè ước đạt 20 nghìn tấn, trị giá 35 triệu USD, tăng 50,9% về lượng và tăng 53,5% về trị giá so với cùng kỳ năm 2023.

Ngành chè đã mở ra nhiều cơ hội việc làm cho người lao động, nâng cao đời sống người dân miền núi, giúp họ xóa nghèo, cải thiện được kinh tế gia đình và cả góp phần to lớn trong việc cải thiện kinh tế ở nhiều địa phương.

Theo đánh giá của Hiệp hội chè Việt Nam, những năm gần đây, năng suất và sản lượng chè của Việt Nam liên tục tăng nhờ sự chuyển biến tích cực về giống, kỹ thuật canh tác và tổ chức sản xuất. Bên cạnh đó, nhiều cơ chế, chính sách đã được các cấp từ trung ương đến địa phương ban hành nhằm phát triển sản xuất và tiêu thụ chè. Đặc biệt đã có nhiều giải pháp đồng bộ được áp dụng trong vấn đề bảo đảm an toàn thực phẩm trên sản phẩm chè đã cho những kết quả khả quan.

Các sản phẩm làm từ cây chè đang ngày càng đa dạng và phong phú, được đảm bảo sản lượng và chất lượng, phục vụ cho nhu cầu người tiêu dùng và được tiêu thụ tại nhiều thị trường trong và ngoài nước. Một số thương hiệu chè đang được ưa chuộng như: Chè sao lăn, chè xanh, chè Ô long, chè Hương, chè thảo dược...

Hiện nay, người tiêu dùng ngày càng khắt khe trong lựa chọn sản phẩm an toàn, có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng. Do đó, nhiều cơ sở sản xuất, hợp tác xã chè nhiều tỉnh đã chuyển hướng sản xuất sản phẩm chè theo hướng an toàn hữu cơ. Đây là một trong những giải pháp nhằm bảo vệ sức khỏe người sản xuất, người tiêu dùng, góp phần quan trọng nâng cao thu nhập và hướng tới một nền nông nghiệp xanh, phát triển bền vững. Với lối sống xanh của người tiêu dùng và nhu cầu thị trường thì việc chuyển đổi sang nền nông nghiệp an toàn, không hóa chất là hướng đi tất yếu. Và những mô hình sản xuất chè hữu cơ đã phát triển ở các địa phương trồng chè, như: Thái Nguyên, Phú Thọ, Nghệ An, Hà Giang, Yên Bái, Sơn La…

Bên cạnh việc phát triển sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm, tại các vùng chè chủ lực đã tiếp cận, phát triển hình thức du lịch trải nghiệm, bước đầu đã có những tín hiệu rất tích cực như: Vùng chè đặc sản Tân Cương, Shan tuyết tỉnh Hà Giang, Shan tuyết Suối Giàng, đảo chè Thanh An, huyện Thanh Chương (Nghệ An) và các đồi chè Tâm Châu tỉnh Lâm Đồng, Long Cốc (Phú Thọ), Mộc Châu (Sơn La), Linh Dương (Lào Cai), Tân Trào (Tuyên Quang), Hương Sơn (Hà Tĩnh).



Báo cáo phân tích thị trường