Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Giải bài toán nguồn thức ăn cho ngành chăn nuôi
21 | 05 | 2024
Thu hút đầu tư xây dựng các nhà máy chế biến thức ăn chăn nuôi là chủ trương đang được tỉnh Gia Lai hướng đến.

Nguồn: nongnghiep.vn

Gia Lai là địa phương có tồng đàn bò lớn của cả nước, vì vậy nguồn thức ăn luôn rất quan trọng. Ảnh: nongnghiep.vn

Gia Lai hiện có khoảng hơn 14.000 con trâu, gần 470.000 con bò, 790.000 con heo, 7,4 triệu con gia cầm… Chăn nuôi theo hình thức công nghiệp, trang trại chiếm 36%. Giá trị chăn nuôi đạt hơn 6.400 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng hơn 19% trong cơ cấu ngành nông nghiệp.

Mặc dù có nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển chăn nuôi, nhưng nguồn thức ăn công nghiệp ở Gia Lai còn bị động, phụ thuộc chủ yếu từ nguồn cung bên ngoài.

Bà Vũ Thị An Châu, Phó Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y Gia Lai cho biết, hiện trên địa bàn tỉnh mới có 1 nhà máy sản xuất thức ăn chăn nuôi với công suất 700 tấn/năm. Thức ăn công nghiệp cung cấp cho chăn nuôi chủ yếu được nhập từ các nhà máy chế biến ngoài tỉnh. Toàn tỉnh có 185 cửa hàng kinh doanh thức ăn chăn nuôi, sản lượng bán ra từ 1-50 tấn/tháng.

Với hơn 2.200 con heo và 250 con bò, trang trại chăn nuôi của gia đình ông Trần Mười (thôn An Thuận, xã Cư An, huyện Đăk Pơ) chủ yếu bán thương phẩm. Để có nguồn thức ăn ổn định, ngoài sử dụng thức ăn viên tổng hợp, gia đình ông Mười còn đầu tư 40ha trồng bắp, mì và cỏ để phục vụ chăn nuôi.

“Ưu điểm của chăn nuôi theo hướng này là kiểm soát được con giống, nguồn thức ăn cũng được đảm bảo nên kiểm soát tốt tình hình dịch bệnh. Bình quân mỗi tháng, gia đình xuất chuồng khoảng 150-180 con heo thịt. Sau khi trừ chi phí đầu tư, mỗi năm gia đình thu lợi nhuận khoảng 3 tỷ đồng”, ông Mười chia sẻ.

Thứ ăn trong chăn nuôi luôn được chú trọng. Ảnh: nongnghiep.vn

Trang trại chăn nuôi của gia đình bà Hoàng Thị Nha (thôn Tân Thủy, xã Ia Vê, huyện Chư Prông) luôn duy trì sự bền vững 30-40 con heo nái và thịt, trên 150 con gà. Bà Nha cho biết, để đảm bảo chăn nuôi hiệu quả và phòng chống dịch bệnh, nguồn thức ăn rất quan trọng. Ngoài thức ăn công nghiệp, gia đình bà còn sử dụng nguồn cám gạo, bắp, rau củ quả nên cũng giảm được chi phí đầu tư.

Bà Vũ Thị An Châu, Phó Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Gia Lai cho biết, nhằm giải bài toán về nguồn thức ăn chăn nuôi, tỉnh đang tiếp tục tạo cơ chế, chính sách phù hợp để ưu tiên thu hút đầu tư thực hiện các dự án xây dựng nhà máy sản xuất thức ăn chăn nuôi.

Liên quan đến giải pháp về nguồn thức ăn, ông Nguyễn Kiệt, Tổng Giám đốc Chi nhánh miền Trung (Công ty TNHH thức ăn chăn nuôi Fago) cho biết, hiện Công ty đã triển khai đầu tư nhà máy sản xuất thức ăn chăn nuôi, thuốc thú y tại tỉnh Bình Định với công suất 200-300 ngàn tấn/năm. Đầu tháng 6/2024 nhà máy sẽ chính thức đi vào hoạt động để phục vụ nguồi thức ăn hiệu quả cho ngành chăn nuôi.

Gia Lai đang đẩy mạnh thu hút xây dựng nhà máy thức ăn chăn nuôi. Ảnh: nongnghiep.vn

Tại Gia Lai, công ty cũng đã đầu tư trại heo giống tại xã Nghĩa Hưng (huyện Chư Păh) với quy mô 1.200 heo nái và 8.000 con heo thịt. Thời gian tới, công ty mong muốn tiếp tục được đồng hành với tỉnh Gia Lai, cung ứng thức ăn chăn nuôi cho các doanh nghiệp, trang trại chăn nuôi để ngành chăn nuôi của tỉnh phát triển bền vững.

Ông Đoàn Ngọc Có, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT cho biết, giải pháp trọng tâm trong thời gian tới là khuyến khích người chăn nuôi tận dụng các loại phế, phụ phẩm trong nông nghiệp làm thức ăn cho gia súc. Đồng thời, hạn chế sử dụng thức ăn công nghiệp nhằm làm giảm giá thành. Mặt khác, đẩy mạnh công tác phòng, chống dịch bệnh động vật và thường xuyên khuyến cáo chăn nuôi an toàn sinh học.

Thời gian tới, Gia Lai sẽ đẩy mạnh thu hút, khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực chăn nuôi theo hướng ứng dụng công nghệ cao, công nghệ tự động, thông minh. Trong đó, đặc biệt chú trọng xây dựng nhà máy sản xuất thức ăn chăn nuôi để cung cấp nhu cầu sử dụng trong và ngoài tỉnh.

Theo kế hoạch phát triển chăn nuôi đến năm 2030 của tỉnh Gia Lai, giá trị sản xuất đạt khoảng 14.800 tỷ đồng. Dự kiến có khoảng 16.000 con trâu, 600.000 con bò, trên 3 triệu con heo, 6 triệu con gia cầm. Đồng thời, tăng quy mô, tỷ trọng chăn nuôi ứng dụng công nghệ cao, chăn nuôi theo hướng công nghiệp, hữu cơ đạt 60%; 100% số trang trại chăn nuôi có hệ thống xử lý chất thải; 90% các cơ sở chăn nuôi quy mô lớn trên địa bàn tỉnh được công nhận cơ sở chăn nuôi an toàn dịch bệnh. Đặc biệt, Gia Lai phấn đấu sẽ có các nhà máy sản xuất thức ăn đáp ứng được 50% nhu cầu chăn nuôi.



Báo cáo phân tích thị trường