Nguồn: thanhnien.vn
Những cơn mưa chuyển mùa gần đây khiến cái nắng nóng ở Nam bộ và Tây nguyên bớt căng thẳng. Nhiều vườn cây trái trị giá tiền tỉ được tưới mát khiến chủ vườn thở phào nhẹ nhõm.
Giá xuất khẩu tiêu, cao su, rau quả tăng ào ào
Tại xã Ea Tu (TP.Buôn Ma Thuột, Đắk Lắk), ông Y Drin Niê phấn khởi chia sẻ: Vườn nhà tôi có hơn 1 ha trồng xen canh 3 loại là sầu riêng, cà phê và hồ tiêu. Năm ngoái sầu riêng trúng giá và sau đó đến cơn sốt giá cà phê. Còn từ đầu tháng 5 đến nay giá hồ tiêu liên tục tăng khiến bà con ở đây rất vui. Trước đợt nghỉ lễ 30.4, giá tiêu chỉ mới 96.000 - 97.000 đồng/kg thì hiện tại đã lên tới trên 110.000 đồng/kg.
Củ sen xuất khẩu, mặt hàng mới trong nhóm hàng rau quả
"Nhờ không bị áp lực kinh tế như trước đây và rút kinh nghiệm từ cơn sốt giá cà phê vừa qua nên tôi cũng như nhiều bà con nơi đây không vội bán tiêu sau khi thu hoạch mà tạm trữ nên giờ bán ra cũng thu lãi thêm ít nhất 15.000 đồng/kg. Bây giờ chỉ mong 3 tháng tới khi vào vụ thu hoạch sầu riêng, giá vẫn giữ được mức 50.000 - 60.000 đồng/kg là bà con cơ bản có một năm tròn gặt hái thành công trọn vẹn. Làm nông mà cứ được như vậy thì bà con rất yên tâm sản xuất", ông Niê lạc quan.
Hiện tại, giá hồ tiêu phổ biến mức 111.000 - 112.000 đồng/kg, tăng đến 30.000 đồng/kg so với đầu năm nay và cũng là mức giá cao nhất trong nhiều năm gần đây. Theo Hiệp hội Hồ tiêu và cây gia vị VN, trong 4 tháng đầu năm 2024, xuất khẩu hồ tiêu đạt gần 84.000 tấn, kim ngạch 353 triệu USD; tuy giảm trên 18% về lượng nhưng lại tăng đến 11,5% về kim ngạch so với cùng kỳ năm 2023.
Quá trình đàm phán kỹ thuật cho trái dừa tươi xuất khẩu vào thị trường Trung Quốc cơ bản hoàn tất. Hiện tại chỉ chờ các cấp lãnh đạo chính thức ký kết Nghị định thư để hoạt động xuất khẩu chính thức bắt đầu. Bên cạnh dừa tươi còn có mặt hàng sầu riêng đông lạnh.
Ông Huỳnh Tấn Đạt (Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật)
Giá hồ tiêu xuất khẩu bình quân 4 tháng qua liên tục tăng. Tính chung 4 tháng đầu năm 2024, giá tiêu xuất khẩu bình quân đạt 4.214 USD/tấn, tăng 36,4% so với cùng kỳ năm ngoái. VN là nước xuất khẩu hồ tiêu lớn nhất thế giới, những năm qua diện tích hồ tiêu liên tục giảm cộng thêm năm nay nắng nóng đặc biệt gay gắt khiến tình trạng khô hạn kéo dài ảnh hưởng đến sản lượng. Dự báo sản lượng năm nay chỉ khoảng 170.000 tấn, giảm 10% so với năm ngoái và là mức thấp nhất trong vòng 5 năm gần đây. Không chỉ VN, tình hình cũng tương tự với những vùng trồng tiêu khác trên thế giới.
Trong nhóm ngành nông lâm sản, mặt hàng cao su cũng có sự tăng trưởng mạnh cả về lượng và giá. Trong quý 1, xuất khẩu cao su của VN đạt trên 414.000 tấn, trị giá hơn 607 triệu USD; tăng 8,5% về lượng và tăng tới 14,3% về trị giá so với cùng kỳ năm 2023. Giá cao su xuất khẩu bình quân đạt 1.487 USD/tấn, tăng 6,9%. Theo các chuyên gia, giá cao su tăng do nguồn cung khan hiếm và nhu cầu của thị trường thế giới tăng, đặc biệt là thị trường Trung Quốc. Tại sàn giao dịch Thượng Hải (Trung Quốc), vào thời điểm cuối tháng 3, giá cao su tự nhiên tăng tới 17,6% so với cùng kỳ năm 2023. Hiệp hội các nước sản xuất cao su tự nhiên (ANRPC) dự báo sản lượng cao su tự nhiên toàn cầu năm 2024 sẽ đạt 14,54 triệu tấn, tăng 1,6% so với năm 2023. Ở chiều ngược lại, tiêu thụ cao su tự nhiên toàn cầu năm 2024 đạt 15,67 triệu tấn, tăng đến 3%.
Bên cạnh đó, trong quý 1 vừa rồi có nhiều loại rau quả xuất khẩu tăng trưởng mạnh cả về lượng và giá so với cùng kỳ năm trước. Cụ thể như xuất khẩu mít đạt tới 81 triệu USD, tăng 46%, xoài đạt 76 triệu USD, tăng gần 47%, dưa hấu đạt 56 triệu USD, tăng 66%... một số mặt hàng tăng đến 3 con số như: dừa đạt kim ngạch trên 45 triệu USD, tăng đến gần 113%, nhãn đạt 7,3 triệu USD, tăng 160%, hạt macca đạt 6 triệu USD, tăng 114%, hạt hạnh nhân đạt gần 6 triệu USD, tăng 274%.
Giá cà chua tăng gấp đôi
Trong thời gian gần đây giá một số mặt hàng rau quả tại thị trường TP.HCM tăng mạnh. Cụ thể như giá cà chua tăng gấp đôi, lên mức 45.000 - 50.000 đồng/kg, tùy loại. Bên cạnh đó, một số loại rau ăn lá như tần ô giá 50.000 - 60.000 đồng/kg, cải xoong 120.000 đồng/kg; các loại hành tây, rau gia vị, chanh, ớt… có giá phổ biến từ 60.000 - 90.000 đồng/kg, tăng khoảng 15.000 - 20.000 đồng/kg so với trước tết. Nguyên nhân là nắng nóng bất thường, đặc biệt tại một số vùng trồng rau ở miền Tây thiếu nước ngọt để tưới khiến nhiều vườn rau không đạt sản lượng dẫn tới tình trạng thiếu hàng cục bộ.
Nhiều "tân binh" mở thị trường
Mới đây, ngành rau quả xuất khẩu đón nhận một thành viên mới là mặt hàng củ sen khi tỉnh Đồng Tháp hoàn tất việc xuất khẩu 15 tấn củ sen cấp đông của tỉnh sang thị trường Nhật Bản.
Giá tiêu tăng mạnh và đạt mức cao nhất trong nhiều năm gần đây
Ông Nguyễn Minh Thiện, Giám đốc Nhà máy Công ty CP Thực phẩm Sen Đại Việt - đơn vị xuất khẩu lô củ sen, cho biết sau lô hàng đầu tiên này, dự kiến đối tác Nhật Bản sẽ nhập thêm 8 container với tổng trị giá khoảng 7 tỉ đồng. Còn ông Nguyễn Xuân Thắng, Phó chủ tịch Hội ngành hàng Sen tỉnh Đồng Tháp, lạc quan cho biết loại sen xuất khẩu là giống có thể trồng khắp các tỉnh miền Tây và cho thu hoạch quanh năm, năng suất từ 5 - 7 tấn/ha/vụ (4 tháng). Hiện nay nhu cầu tiêu thụ củ sen tại thị trường Nhật khoảng 100.000 tấn/năm, trong khi Trung Quốc lên đến 2 triệu tấn/năm.
Toàn tỉnh Đồng Tháp hiện có khoảng 1.800 ha sen, sản lượng mới chỉ khoảng 1.500 tấn/năm. Sen lấy củ trồng theo quy trình được bao tiêu với giá 20.000 đồng/kg, ước tính mỗi vụ nông dân lãi 40 - 45 triệu đồng/ha.
Trong nhóm sản phẩm xuất khẩu triển vọng phải đến kể một mặt hàng có tiềm năng cao và cơ hội lớn là trái dừa tươi. Năm nay nắng nóng gay gắt, xuất khẩu dừa tươi không chỉ tăng tới 3 con số mà giá dừa tươi tại vườn cũng tăng tới 50 - 60%, lên mức 110.000 - 120.000 đồng/chục (12 trái). Ở thời điểm hiện tại, dù mưa đã xuất hiện khá nhiều khắp cả nước nhưng nắng nóng vẫn còn nên sức tiêu thụ dừa tươi vẫn đang rất tốt, bình quân giá khoảng 15.000 đồng/trái. Trong những ngày nghỉ lễ 30.4 và 1.5 vừa qua thậm chí dừa hút hàng giá tăng đến 20.000 đồng/trái, cao gấp đôi so với những năm trước.
"Quá trình đàm phán kỹ thuật cho trái dừa tươi xuất khẩu vào thị trường Trung Quốc cơ bản hoàn tất. Hiện tại chỉ chờ các cấp lãnh đạo chính thức ký kết Nghị định thư để hoạt động xuất khẩu chính thức bắt đầu. Bên cạnh dừa tươi còn có mặt hàng sầu riêng đông lạnh. Việc ký kết Nghị định thư sẽ mở ra cơ hội rất lớn cho trái dừa tươi của VN ở thị trường quan trọng này", Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NN-PTNT) Huỳnh Tấn Đạt cho hay.
Gạo rục rịch tăng giá
Ngày 15.5, Hiệp hội các nhà xuất khẩu gạo Thái Lan (TREA) cho biết giá gạo xuất khẩu loại 5% tấm tăng thêm 35 USD lên 649 USD/tấn, mức cao nhất kể từ đầu năm đến nay. Nguyên nhân là nguồn cung hạn chế và nhu cầu cao từ Indonesia, Brazil và một số nước khác vì tình hình thiên tai nghiêm trọng ảnh hưởng đến nguồn cung gạo. Tại VN, Hiệp hội lương thực VN (VFA) chưa có cập nhật mới nhưng theo một số doanh nghiệp xuất khẩu gạo ở ĐBSCL, cuối tuần qua giá tăng khoảng 10 USD/tấn, lên quanh mức 600 USD/tấn.