Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Giá cà phê duy trì ở mức cao trong bối cảnh nguồn cung thắt chặt
13 | 06 | 2024
Xuất khẩu cà phê của Việt Nam đã giảm liên tiếp trong 4 tháng trở lại đây, dấu hiệu cho thấy tồn kho trong nước không còn nhiều. Tại thị trường nội địa, giá cà phê robusta đã phục hồi và tăng tới 25% kể từ đầu tháng 5 đến nay.

Theo vietnambiz.vn

Giá cà phê duy trì ở mức cao do nguồn cung không còn nhiều

Sau khi giảm xuống dưới 100.000 đồng/kg vào đầu tháng 5, giá cà phê đã tăng mạnh trở lại và duy trì ở mức cao.

Trong phiên giao dịch ngày 12/6, giá cà phê robusta nhân xô tại khu vực Tây Nguyên dao động trong khoảng 120.000 – 121.200 đồng/kg, tăng 25% từ mức đáy 94.000 – 95.000 đồng/kg trong đợt giảm giá vào đầu tháng 5 vừa qua. Mặc dù vậy, mức giá này vẫn thấp hơn mức đỉnh lịch sử 134.000 đồng/kg đạt được trước đó.

Nguồn: Hoàng Hiệp tổng hợp

Trong tháng 5, giá cà phê xuất khẩu bình quân của Việt Nam đạt kỷ lục 4.275 USD/tấn, tăng 13,5% so với tháng trước và tăng đến 66,2% so với tháng 5/2023. Tính chung 5 tháng đầu năm giá xuất khẩu đạt 3.475 USD/tấn, tăng gần 50% tương ứng 1.151 USD/tấn so với cùng kỳ năm ngoái.

 Nguồn: Hoàng Hiệp tổng hợp từ số liệu của Tổng cục Hải quan 

Trên thị trường thế giới, tính đến phiên giao dịch ngày 12/6, giá cà phê robusta kỳ hạn tháng 7 trên sàn London hiện đang được giao dịch ở mức 4.196 USD/tấn, tăng 22% so với một tháng trước.

Tương tự, giá cà phê arabica kỳ hạn tháng 7 trên sàn giao dịch New York đạt 221 US cent/pound, tăng 9,5%.

Đà tăng giá này chủ yếu là do nguồn cung tại Việt Nam, nước sản xuất và xuất khẩu cà phê robusta lớn nhất thế giới tiếp tục thắt chặt.

Số liệu được công bố bởi Tổng cục Hải quan cho thấy, lượng cà phê xuất khẩu của Việt Nam trong tháng 5 chỉ đạt 79.358 tấn, giảm mạnh 47,8% so với tháng trước và 47% so với cùng kỳ năm ngoái. Đánh dấu sự sụt giảm trong tháng thứ 4 liên tiếp so với cùng kỳ và tháng thứ 6 kể từ đầu niên vụ đến nay. Dấu hiệu cho thấy tồn kho cà phê trong nước không còn nhiều.

Lũy kế 5 tháng đầu năm, xuất khẩu cà phê đạt 817.154 tấn với trị giá thu về hơn 2,8 tỷ USD, so với cùng kỳ năm 2023 giảm 5,8% về lượng nhưng tăng tới 40,9% về trị giá nhờ giá tăng cao.

 Nguồn: Hoàng Hiệp tổng hợp từ số liệu của Tổng cục Hải quan 

Các thị trường xuất khẩu cà phê hàng đầu của Việt Nam trong 5 tháng đầu năm 2024 bao gồm EU đạt 328.130 tấn, giảm 3% so với cùng kỳ năm ngoái và chiếm 40,2% thị phần; Nhật Bản đạt 56.931 tấn, tăng 16,9%; Mỹ đạt 50.033 tấn, giảm 22,4%... Trong khi đó, xuất khẩu sang các thị trường ở châu Á như Indonesia, Philippines, Trung Quốc, Thái Lan, Hàn Quốc, Malaysia lại tăng rất mạnh.

Như vậy, kết thúc 8 tháng đầu niên vụ 2023-2024 (tháng 10/2023 đến tháng 5/2024) Việt Nam đã xuất khẩu gần 1,2 triệu tấn cà phê, tương đương 80% sản lượng của niên vụ hiện tại và giảm 7% so với cùng kỳ niên vụ trước.

Cuối tháng 3 vừa qua, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết ​​sản lượng cà phê của Việt Nam trong niên vụ 2023-2024 có thể giảm 20% xuống 1,47 triệu tấn, mức thấp nhất trong 4 năm, do hạn hán. Con số này thấp hơn dự báo giảm 10% xuống còn 1,6 – 1,7 triệu tấn của Hiệp hội Cà phê, Ca cao Việt Nam (Vicofa) đưa ra trước đó.

Đại diện của một doanh nghiệp cho biết do tồn kho từ năm ngoái thấp, cộng thêm sản lượng giảm dẫn đến tình trạng khan hàng năm nay diễn ra sớm hơn ngay từ tháng 2. Đến nay, lượng dự trữ của nhiều doanh nghiệp không đủ để bán đến vụ thu hoạch mới, có doanh nghiệp tạm ngưng xuất khẩu kéo dài vì hết hàng.

Thậm chí một số doanh nghiệp phải mua nguyên liệu từ nước ngoài để phục vụ sản xuất.

Theo số liệu của Trung tâm Thống kê Ngoại thương Nhà nước Brazil (Comex Stat), Việt Nam đã nhập khẩu 7.284 tấn cà phê nhân từ Brazil trong 5 tháng đầu năm nay, tăng gấp 3 lần cùng kỳ.

Năm ngoái Việt Nam nhập khẩu 8.182 tấn cà phê từ Brazil, tăng gần 6 lần so với năm 2022.

Theo Vicofa, niên vụ trước Việt Nam đã nhập khẩu tổng cộng khoảng 102.100 tấn cà phê từ các nước khác trên thế giới với giá trị gần 300 triệu USD, tăng hơn 14% về khối lượng và tăng 9% về giá trị so với niên vụ 2021-2022.

Sản lượng dự báo tiếp tục giảm trong vụ tới

Nguồn cung cà phê của Việt Nam đang cạn dần trong khi triển vọng vụ mùa tới cũng không mấy khả quan. 

Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) mới đây dự báo giá cà phê sẽ tăng trở lại, chủ yếu đến từ việc giới đầu tư gia tăng lo ngại đối với triển vọng nguồn cung từ Việt Nam.

Hiện các quỹ đầu cơ đã gia tăng vị thế mua ròng với dự báo nguồn cung robusta từ Việt Nam sẽ còn tiếp tục khan hiếm trong thời gian tới. Thông tin từ nhà giao dịch Volcafe, sản lượng cà phê Robusta niên vụ 2024/2025 của Việt Nam ước đạt 24 triệu bao, mức thấp nhất trong vòng 13 năm, do thời tiết không thuận lợi.

Còn theo báo cáo của Cơ quan thường trú nước ngoài Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA Post), sản lượng cà phê của Việt Nam trong niên vụ 2024-2025 dự báo vào khoảng 29 triệu bao (loại 60 kg/bao), giảm nhẹ so với ước tính 29,1 triệu bao của niên vụ 2023-2024.

Trong đó, sản lượng cà phê robusta đạt 27,85 triệu bao, thấp hơn so với mức 28 triệu bao của niên vụ trước. Trong khi sản lượng arabica sẽ tăng nhẹ lên 1,15 triệu bao.

Ước tính sản lượng cà phê niên vụ 2023-2024 của Việt Nam được điều chỉnh tăng 6% so với dự báo trước lên 29,1 triệu bao. Giá cà phê cao hơn trong niên vụ 2023-2024 khuyến khích nông dân tăng cường đầu tư vào sản xuất để giảm tổn thất thu hoạch cũng như các đầu vào khác.

Thay vì chuyển hoàn toàn sang cây trồng khác, hiện nay nông dân trồng cà phê đang áp dụng phương pháp trồng xen để đa dạng và tăng doanh thu. 

USDA Post cho rằng tổng diện tích cà phê tại Việt Nam ​​sẽ duy trì ổn định ở mức khoảng 600.000 ha trong vài năm tới. Nông dân có thể kiếm được thu nhập gấp đôi trồng sầu riêng so với trồng cà phê. Tuy nhiên, giá cà phê tăng đã giúp ổn định diện tích cà phê và đây vẫn là cây trồng quan trọng ở các tỉnh vùng cao như Lâm Đồng và Đăk Lăk.

Xuất khẩu cà phê của Việt Nam trong niên vụ 2023-2024 được dự báo vào khoảng 26,85 triệu bao (GBE), giảm khoảng 5% so với niên vụ trước. Con số này được dự đoán sẽ tiếp tục giảm xuống 26,5 triệu bao trong niên vụ tới.

Nguyên nhân là tồn kho cà phê của Việt Nam giảm mạnh từ mức 3,6 triệu bao của niên vụ 2022-2023 xuống chỉ còn 892 nghìn bao trong niên vụ 2023-2024 và chỉ còn 492 nghìn bao vào niên vụ 2024-2025.

Các báo cáo gần đây từ ​​USDA cũng đưa ra bức tranh trái chiều về sản lượng cà phê của các nước. Theo đó, sản lượng dự kiến tăng ở Brazil​​ và phục hồi ở Indonesia, Colombia, Peru, Mexico, Nicaragua. Ngược lại, triển vọng có vẻ tiêu cực đối với Guatemala, Costa Rica và đặc biệt là Honduras.



Hoàng Hiệp
Báo cáo phân tích thị trường