Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Đậu tương từ Campuchia ồ ạt đổ bộ Việt Nam giúp người chăn nuôi lãi chồng lãi: tăng trưởng hơn 1.000%, nước ta nhập khẩu đứng thứ 3 thế giới
17 | 06 | 2024
Việt Nam tiêu thụ mặt hàng này 2 triệu tấn/năm.

Nguồn: markettimes.vn

Theo thống kê sơ bộ của Tổng cục Hải quan, trong tháng 4, nhập khẩu đậu tương của Việt Nam đạt 222.830 tấn, tương đương 111,29 triệu USD, giá trung bình 499,4 USD/tấn, tăng 10,9% về lượng và tăng 7,5% kim ngạch so với tháng 3/2024, nhưng giá giảm 3,1%; so với tháng 4/2023 thì giảm cả về lượng, kim ngạch và giá, với mức giảm tương ứng 6,4%, 28,2% và 23,3%.

Tính chung 4 tháng đầu năm 2024 cả nước nhập khẩu 762.867 tấn đậu tương, trị giá trên 407,82 triệu USD, giá trung bình 534,6 USD/tấn, tăng 3,5% về lượng nhưng giảm 18,7% kim ngạch và giảm 21,5% về giá so với 4 tháng đầu năm 2023.

Cứu tinh" từ Campuchia ồ ạt đổ bộ Việt Nam giúp người chăn nuôi lãi chồng  lãi: tăng trưởng hơn 1.000%, nước ta nhập khẩu đứng thứ 3 thế giới

Brazil đã vượt Mỹ trở thành nhà cung cấp đậu tương lớn nhất cho Việt Nam, riêng tháng 4/2024 nhập khẩu 137.390 tấn, tương đương 65,55 triệu USD, giá trung bình 477 USD/tấn, tăng 2,6% về lượng nhưng giảm 1,2% kim ngạch so với tháng 3/2024, và giá giảm 3,7%; so với tháng 4/2023 thì giảm cả về lượng, kim ngạch và giá, với mức giảm tương ứng 1,7%, 26,2% và 24,9%.

Tính chung, 4 tháng đầu năm 2024 nhập khẩu từ thị trường này đạt 411.156 tấn, tương đương 210,74 triệu USD, chiếm 53,9% trong tổng lượng và chiếm 51,7% trong tổng kim ngạch nhập khẩu đậu tương của cả nước.

Nhập khẩu đậu tương từ thị trường Mỹ - thị trường lớn thứ 2 đạt 281.886 tấn, tương đương 156,48 triệu USD, giá 555 USD/tấn, chiếm 37% trong tổng lượng và chiếm 38,4% kim ngạch nhập khẩu đậu tương của cả nước, giảm 27,4% về lượng, giảm 42% về kim ngạch và giá giảm 20% so với cùng kỳ năm trước.

Đứng thứ 3, nhập khẩu đậu tương từ thị trường Canada 4 tháng đầu năm đạt 34.055 tấn, tương đương trên 21,29 triệu USD, giá 625 USD/tấn, giảm 12% về lượng, giảm 25,9% về kim ngạch và giá giảm 15,8% so với cùng kỳ năm trước.

Trong số tất cả các thị trường, Campuchia đang là bạn hàng tích cực nhất của Việt Nam.

Cụ thể, nhập khẩu từ thị trường Campuchia trong tháng 4/2024 đạt 720 tấn, tương đương 527,46 nghìn USD, tăng mạnh 1.340% về lượng và tăng 1.219% về kim ngạch so với tháng 4/2023.

Tính chung 3 tháng, nhập khẩu từ thị trường Campuchia đạt 2.997 tấn, tương đương 2,17 triệu USD, giá 722,9 USD/tấn, tăng gần 836,6% về lượng, tăng 762% kim ngạch nhưng giá giảm 8% so với cùng kỳ.

Cứu tinh" từ Campuchia ồ ạt đổ bộ Việt Nam giúp người chăn nuôi lãi chồng  lãi: tăng trưởng hơn 1.000%, nước ta nhập khẩu đứng thứ 3 thế giới

Hiện nay, Việt Nam là quốc gia nhập khẩu khô đậu tương lớn thứ 3 và nhập khẩu đậu tương lớn thứ 9 trên thế giới. Trong 10 năm trở lại đây, mỗi năm nước ta tiêu thụ trung bình gần 2 triệu tấn đậu tương.

Nhờ giá đậu tương giảm cùng với giá lợn hơi tăng cao nhất 2 năm qua, người chăn nuôi được hưởng lợi kép. Giá lợn hơi xuất chuồng đã tăng mạnh từ giữa tháng 4 đến nay. Hiện giá lợn hơi đã gần chạm ngưỡng 70.000 đồng/kg, tăng khoảng 10.000 đồng/kg so với sau Tết.

Tính đến 3/6, giá đậu tương đã giảm 6 phiên liên tiếp. Kỳ vọng của thị trường vào vụ đậu tương của Argentina sắp được thu hoạch là nguyên nhân chính tạo sức ép tới giá.

Tại Argentina, Sở giao dịch ngũ cốc Buenos Aires (BAGE) vẫn duy trì dự báo sản lượng đậu tương năm nay của nước này ở mức 50,5 triệu tấn. Hơn nữa, cơ quan thời tiết quốc gia nước này cho biết, lượng mưa giảm dưới mức trung bình tại khu vực phía tây của Argentina trong ba tháng tới sẽ tạo điều kiện thuận lợi giúp nông dân đẩy nhanh tiến độ thu hoạch đậu tương. Điều này đã phần nào xoa dịu lo ngại của thị trường về mùa vụ tại Brazil đang bị ảnh hưởng do lũ lụt ở một số khu vực vài tuần qua.

Ngoài ra, theo báo cáo Export Inspections, Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) cho biết, quốc gia này đã xuất khẩu 348.644 tấn đậu tương niên vụ 2023-2024 trong tuần từ 24-30/5, cao hơn so mức 221.997 tấn được ghi nhận trong tuần trước đó. Trong giai đoạn xuất khẩu cao điểm của Brazil, việc khối lượng giao hàng tăng 2 tuần liên tiếp đã phản ánh nhu cầu quốc tế đối với đậu tương Mỹ đang dần được cải thiện và phần nào thu hẹp đà giảm của giá.



Báo cáo phân tích thị trường