Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Ngành thức ăn chăn nuôi nhập siêu 2,65 tỷ USD
09 | 09 | 2024
Theo số liệu của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, trong 8 tháng năm 2024, xuất khẩu nhóm hàng thức ăn gia súc và nguyên liệu đạt 0,67 tỷ USD; ngược lại nhập khẩu nhóm hàng này lên tới 3,32 tỷ USD. Với kết quả này, ngành thức ăn chăn nhập siêu 2,65 tỷ USD…

Nguồn: vneconomy.vn

Ngô, lúa mì, đậu tương... nhập khẩu nhiều. Ảnh minh họa.

Ngô, lúa mì, đậu tương... nhập khẩu nhiều.

Dữ liệu từ Cục Chăn nuôi cho thấy mỗi năm cả nước sản xuất 20 triệu tấn thức ăn chăn nuôi công nghiệp, nhưng lượng nguyên liệu đầu vào nhập khẩu chiếm đến 85%, khoảng 17 triệu tấn/năm.

NGÔ, ĐẬU TƯƠNG, LÚA MÌ ĐỀU NHẬP KHẨU 

Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, trong 7 tháng năm 2024, xuất khẩu nhóm hàng thức ăn gia súc và nguyên liệu đạt gần 584,18 triệu USD, giảm 10,5% so với cùng kỳ năm 2023.

Trong đó, xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc đạt gần 239,15 triệu USD, giảm 23,5% so với cùng kỳ năm 2023 và chiếm 40,9% trong tổng kim ngạch xuất khẩu thức ăn gia súc và nguyên liệu của cả nước.

Tiếp đến là thị trường Đông Nam Á đạt trên 175,76 triệu USD, giảm 18,1% so với cùng kỳ năm 2023 và chiếm 30% trong tổng kim ngạch xuất khẩu thức ăn gia súc và nguyên liệu của cả nước.

Riêng thị trường Hoa Kỳ, trong 7 tháng năm 2024, xuất khẩu thức ăn gia súc và nguyên liệu của Việt Nam sang thị trường này đạt trên 74,87 triệu USD, tăng 80,2% so với cùng kỳ năm 2023 và chiếm 12,8% trong tổng kim ngạch xuất khẩu thức ăn gia súc và nguyên liệu của cả nước.

Từ chiều ngược lại, trong 7 tháng năm 2024, Việt Nam chi 2,91 tỷ USD để nhập khẩu thức ăn gia súc và nguyên liệu, tăng nhẹ 2,2% so với cùng kỳ năm trước.

Trong đó, Argentina là thị trường cung cấp thức ăn gia súc và nguyên liệu lớn nhất cho Việt Nam với 827 triệu USD, tăng 10,8%. Đứng sau là Hoa Kỳ với 652 triệu USD, tăng 56%, Brazil với 404 triệu USD, giảm 14%. Việt Nam cũng chi 248 triệu USD nhập khẩu thức ăn gia súc và nguyên liệu từ Trung Quốc, tăng 53% so với cùng kỳ năm trước; Ấn Độ với 109 triệu USD, giảm sâu 70%.

Về chủng loại nguyên liệu nhập khẩu, ngô, lúa mì, đậu tương là 3 nguyên liệu nhập khẩu nhiều nhất. Trong đó, nhập khẩu ngô đạt trên 5,74 triệu tấn, trị giá trên 1,43 tỷ USD, tăng 34,3% về lượng, tăng 1,9% kim ngạch. Giá nhập khẩu ngô trung bình 249 USD/tấn, giảm 24,1% về giá so với 7 tháng đầu năm 2023.

Achentina là thị trường lớn nhất cung cấp ngô cho Việt Nam trong 7 tháng  năm 2024, chiếm 55,5% trong tổng lượng và chiếm 54% trong tổng kim ngạch nhập khẩu ngô của cả nước, đạt gần 3,19 triệu tấn, tương đương trên 772,29 triệu USD, tăng 130,3% về lượng, tăng 70,9% kim ngạch.

Thị trường lớn thứ 2 là Brazil, trong 7 tháng năm 2024 đạt trên 1,57 triệu tấn, tương đương 402,69 triệu USD, chiếm 27,4% trong tổng lượng và chiếm 28,2% tổng kim ngạch nhập khẩu ngô của cả nước, tăng 14% về lượng, nhưng giảm 12,4% về kim ngạch. Tiếp đến thị trường Lào, 7 tháng năm 2024 đạt 74.589 tấn, tương đương 18,64 triệu USD, chiếm 1,3% trong tổng lượng và tổng kim ngạch nhập khẩu ngô của cả nước, tăng 23,5% về lượng, nhưng giảm 11,7% về kim ngạch.  

GIÁ NHIỀU LOẠI NGUYÊN LIỆU THỨC ĂN CHĂN NUÔI NHẬP KHẨU ĐÃ GIẢM

Đối với lúa mì, 7 tháng năm 2024, lượng lúa mì nhập khẩu của cả nước đạt trên 3,44 triệu tấn, tương đương trên 954,67 triệu USD, tăng 24,8% về khối lượng, nhưng giảm 2,8% về kim ngạch so với cùng kỳ năm 2023. Giá lúa mì nhập khẩu trung bình 7 tháng là 291,8 USD/tấn, giảm 12,3% so với cùng kỳ năm trước.

Trong 7 tháng qua, Việt Nam nhập khẩu lúa mì từ thị trường Brazil chiếm 34% trong tổng lượng và chiếm 30,7% trong tổng kim ngạch nhập khẩu lúa mì của cả nước, đạt trên 1,17 triệu tấn, tương đương 293,15 triệu USD, tăng mạnh 348,9% về lượng, tăng 205,9% về kim ngạch. Tiếp ngay sau là thị trường Australia, chiếm 21,4% trong tổng lượng và chiếm 23,8% trong tổng kim ngạch nhập khẩu, đạt 737.112 tấn, tương đương trên 227,46 triệu USD, giảm 65,3% về lượng, giảm 69,1% kim ngạch.

Tiếp đến thị trường Ukraine đạt 612.846 tấn, tương đương 159,42 triệu USD, chiếm 17,8% trong tổng lượng và chiếm 16,7% tổng kim ngạch nhập khẩu lúa mì của cả nước, tăng rất mạnh 2.412% về lượng, tăng 1.862% kim ngạch. Nhập khẩu lúa mì từ Hoa Kỳ đạt 257.223 tấn, tương đương 84,22 triệu USD, tăng 49,3% về khối lượng, tăng 19,4% về kim ngạch so với cùng kỳ năm 2023.

Về nhập khẩu đậu tương, theo số liệu của Tổng cục Hải quan, trong 7 tháng năm 2024 đạt trên 1,31 triệu tấn, trị giá trên 687,65 triệu USD, giá trung bình 523,7 USD/tấn; tăng 8,7% về lượng, giảm 11,9% kim ngạch và giảm 18,9% về giá so với cùng kỳ năm 2023.

Trong đó, Brazil đạt 780.916 tấn, tương đương gần 394,61 triệu USD, tăng 31,8% về lượng, tăng 10,2% kim ngạch so với  cùng kỳ năm 2023 và chiếm gần 59,5% trong tổng lượng và chiếm 57,4% trong tổng kim ngạch nhập khẩu đậu tương của cả nước.

Nguồn cung đậu tương lớn thứ hai là Hoa Kỳ, trong 7 tháng năm 2024 đạt 422.669 tấn, tương đương 229,12 triệu USD, chiếm 32,2% trong tổng lượng và chiếm 33,3% trong tổng kim ngạch nhập khẩu đậu tương của cả nước, giảm 12,3% về lượng, giảm 30,6% về kim ngạch so với 7 tháng đầu năm 2023.

Nguồn cung đậu tương lớn thứ 3 là Canada, đạt 70.863 tấn, tương đương 42,71 triệu USD, chiếm 5,4% trong tổng lượng và chiếm 6,2% trong tổng kim ngạch nhập khẩu đậu tương của cả nước, tăng 2,2% về lượng, nhưng giảm 16,8% về kim ngạch với cùng kỳ năm trước.

 

Giá thức ăn chăn nuôi giảm sẽ giúp chăn nuôi thuận lợi hơn trong những tháng cuối năm 2024.

Giá thức ăn chăn nuôi giảm sẽ giúp chăn nuôi thuận lợi hơn trong những tháng cuối năm 2024.

Ông Dương Tất Thắng, Cục Trưởng Cục Chăn nuôi, cho biết từ đầu năm đến nay, giá thức ăn chăn nuôi đã giảm 2-3 đợt. Nguyên nhân do giá nhiều loại nguyên liệu thức ăn chăn nuôi nhập khẩu về đã giảm. Cụ thể, giá ngô nhập khẩu bình quân 7 tháng năm 2024 chỉ còn 249 USD/tấn, giảm 24,1%; giá lúa mì là 291,8 USD/tấn, giảm 12,3%; giá đậu tương là 523,7 USD/tấn, giảm 18,9% so với cùng kỳ năm 2023.

"Doanh nghiệp và nông dân kỳ vọng giá nguyên liệu thức ăn chăn nuôi sẽ duy trì xu hướng giảm trong các tháng cuối của năm 2024. Bởi lẽ, hiện đang tồn tại độ lệch giữa giá nguyên liệu thức ăn chăn nuôi và giá thức ăn chăn nuôi do doanh nghiệp sản xuất thường chốt hợp đồng mua nguyên liệu trước khoảng 3-6 tháng, cộng thêm thời gian vận chuyển khoảng 1,5 tháng và thời gian lưu kho dưới 3 tháng. Giá thức ăn chăn nuôi giảm, sẽ khiến giá thành chăn nuôi hạ hơn, chăn nuôi sẽ thuận lợi hơn", ông Thắng nhận định.

Nhằm giảm dần lượng nguyên liệu nhập khẩu, từ cách đây hơn 10 năm, Bộ Nông nghiệp và Phát triển triển nông thôn đã có chủ trương chuyển đổi một phần diện tích trồng lúa sang trồng cây nguyên liệu thức ăn chăn nuôi. Tuy nhiên, chủ trương này đã không thành công. Bởi lẽ, trồng lúa gạo xuất khẩu cho lợi nhuận cao hơn trồng ngô, trong khi đất trồng lúa là ruộng nước, trồng ngô cần đất khô. Ngoài ra, những năm gần đây ở Sơn La, nhiều diện tích trồng ngô đã được người dân chuyển đổi sang trồng cây ăn quả cho hiệu quả kinh tế cao hơn.

Do đó, ông Thắng cho rằng giải pháp tăng nguồn cung nguyên liệu trong nước là sử dụng phụ phẩm nông nghiệp làm nguyên liệu đầu vào cho sản xuất thức ăn chăn nuôi. Hiện nay có nhiều phụ phẩm từ các ngành trồng trọt, lâm nghiệp, chế biến thuỷ sản đều có tiềm năng lớn sử dụng làm đầu vào cho thức ăn chăn nuôi.



Báo cáo phân tích thị trường