Nguồn: markettimes.vn
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp, Thực phẩm và Hàng hải Ireland - bà Pippa Hackett
Thực tế xuất khẩu của ngành sữa Ireland vào Việt Nam chưa tương xứng với sức mạnh mà họ có
Trong sự kiện "Chăn nuôi, sản xuất sữa, chế biến thịt và nuôi trồng thủy sản - ILDEX Vietnam 2024" hồi tháng 4/2024, ông Dương Tất Thắng – Cục trưởng Cục Chăn nuôi cho biết, năm 2023, Việt Nam đã chi 1,2 tỉ USD để nhập khẩu sữa và các sản phẩm từ sữa.
Theo số liệu thống kê sơ bộ của Tổng cục Hải quan, kim ngạch nhập khẩu sữa và sản phẩm sữa 9 tháng năm 2023 đạt 830,36 triệu USD. Việt Nam nhập khẩu sữa và sản phẩm liên quan đến sữa từ 20 thị trường.
New Zealand, Mỹ, Pháp và Thái Lan là các thị trường chủ yếu cung cấp sữa và sản phẩm cho Việt Nam: Trong đó nhập khẩu từ New Zealand trong 9 tháng đạt 211,8 triệu USD - chiếm 25,5% trong tổng kim ngạch; Mỹ đạt 99 triệu USD - chiếm 11,9%; Úc có 88,9 triệu USD - chiếm 10,7%; Thái Lan đạt 41,9 triệu USD - chiếm 5%; Singapore đạt 37,3 triệu USD chiếm 4,5%; Pháp đạt 35,7 triệu USD - chiếm 4,3%...
Trong vài năm gần đây, New Zealand luôn là đối tác nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam và bỏ rất xa các quốc gia đứng sau như Mỹ - châu Âu hay Úc.
Biểu đồ xuất khẩu các sản phẩm liên quan đến sữa, trứng, mật ong... của New Zealand vào Việt Nam.
Trong năm 2023, New Zealand thu được 313,44 triệu USD khi bán các sản phẩm liên quan đến sữa, trứng, mật ong... vào thị trường Việt Nam; năm 2022, con số đó là 303 triệu USD, 2021 là 291 triệu USD.
Biểu đồ xuất khẩu dairy product của Mỹ vào Việt Nam.
Năm 2023, ngành sữa của Mỹ xuất khẩu vào thị trường Việt Nam 147,36 triệu USD, năm 2022 là 223,81 triệu USD, 2021 là 275,59 triệu USD. Khác với New Zealand, á quân Mỹ đang có sự sụt giảm đáng kể trong khoảng 3 năm trở lại đây. Tuy vậy, Việt Nam luôn nằm trong Top 10 thị trường xuất khẩu sữa và các sản phẩm liên quan của Mỹ.
Còn theo báo cáo Global Dairy Trade Importers and Exporters của TradeImeX, Top 10 đất nước xuất khẩu sữa và các sản phẩm liên quan đến sữa (dairy product) bao gồm: Đức – 13,54 tỷ USD chiếm 12,6% thị trường, Hà Lan – 12,92 tỷ USD chiếm 12,1%, New Zealand – 12,2 tỷ USD chiếm 11,4%, Pháp – 8,55 tỷ USD chiếm 8%, Mỹ - 6,66 tỷ USD chiếm 6,2%, Ý – 6,13 tỷ USD chiếm 5,7%, Bỉ - 5,81 tỷ USD chiếm 5,4%, Ireland – 4,35 tỷ USD chiếm 4,1%...
Có thể phương pháp thống kê của TradeImeX khác với các nước, nên theo Chính phủ Mỹ, năm 2023 họ xuất khẩu được 8 tỷ USD sữa và các sản phẩm liên quan, còn Ireland cho rằng quốc gia này xuất khẩu được 6,3 tỷ USD.
Dù luôn nằm trong Top 10 thế giới về "dairy product" - sản phẩm sữa, song giá trị xuất khẩu của Ireland vào Việt Nam luôn rất khiêm tốn. Theo Bord Bia – cơ quan xúc tiến thương mại và tiếp thị cho ngành nông nghiệp – thực phẩm Ireland: trong năm 2023, Ireland xuất khẩu thức ăn và đồ uống vào thị trường Việt Nam tầm 25 triệu USD, trong đó sữa và các sản phẩm liên quan chiếm 19 triệu USD, hải sản 4 triệu USD, thịt lợn 1,4 triệu USD…
Mặc dù sữa và các sản phẩm liên quan chiếm 76% giá trị thực phẩm – nông sản xuất khẩu vào Việt Nam, song người Ireland vẫn không hài lòng với con số đó khi nhìn vào tiềm lực mà mình đang có. Quả thật, con số 19 triệu USD chẳng thấm vào đâu nếu so tổng kim ngạch nhập khẩu của Việt Nam là 1,2 tỷ USD hoặc xuất khẩu của New Zeland - 313,44 triệu USD hay Mỹ - 147,36 triệu USD.
2 lợi thế cạnh tranh của ngành sữa Ireland: Chất lượng cao và chế biến sâu – Danh mục sản phẩm đa dạng
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp, Thực phẩm và Hàng hải Ireland - bà Pippa Hackett chia sẻ: "Việt Nam là một đối tác thương mại quan trọng trong với lĩnh vực nông sản thực phẩm của Ireland và chuyến thăm cấp nhà nước gần đây của chúng tôi khẳng định cam kết trong việc củng cố mối quan hệ này.
Sau chuyến thăm lịch sử của lãnh đạo Việt Nam đến Ireland vừa qua, chúng tôi mong muốn hợp tác sâu sắc hơn nữa trong các lĩnh vực kinh tế, thương mại và nông nghiệp. Tham vọng của chúng tôi là tăng kim ngạch xuất khẩu từ Ireland, chủ yếu là các mặt hàng sữa, hải sản, đồ uống và thịt lợn của Ireland và hy vọng là cả thịt bò trong tương lai”.
Hiện tại, thị trường thực phẩm và đồ uống tại Việt Nam có nhu cầu ngày càng tăng về sự đa dạng và chất lượng của các mặt hàng thực phẩm, đồ uống và các sản phẩm chức năng khi độ tuổi trung bình quốc gia nằm trong khoảng 30 tuổi.
Với bối cảnh ngành thực phẩm và đồ uống (F&B) tại Việt Nam đạt mức tăng trưởng trung bình hàng năm từ 10-12%, điều này mở ra cơ hội để các doanh nghiệp F&B quốc tế tiếp cận sâu hơn với thị trường Việt Nam thông qua các sản phẩm địa phương độc đáo, được sản xuất và chế biến theo quy trình hiện đại, an toàn, có nguồn gốc rõ ràng.
Ông Jim O'Toole - Giám đốc điều hành Bord Bia (giữa)
Bên cạnh đó, theo ông Jim O'Toole - Giám đốc điều hành Bord Bia , mặc dù có diện tích nhỏ và dân số chỉ khoảng 5 triệu người, song ngành sữa của Ireland vẫn có những lợi thế cạnh tranh nhất định nếu so với các cường quốc sữa khác như New Zealand hay Mỹ.
Đầu tiên, ngành sữa của Ireland có chất lượng cao nhất nhì thế giới, thứ hai công nghệ chiến biến sâu của họ cũng rất phát triển khiến danh mục sản phẩm khá đa dạng. Vào 2025, Việt Nam sẽ gỡ bỏ thuế nhập khẩu hầu hết các sản phẩm sữa nhập khẩu từ châu Âu.
Ông Jim O'Toole phân tích: “ Chúng tôi hiểu rõ mối quan tâm ngày càng tăng của người tiêu dùng Việt Nam trong tính minh bạch về nguồn gốc thực phẩm. Chính vì vậy, chúng tôi rất lạc quan về tiềm năng mở rộng các sản phẩm thực phẩm và đồ uống của Ireland tại thị trường Việt Nam. Bởi Ireland là quốc gia nổi bật về sản xuất xanh và các tiêu chuẩn khắt khe về tính sạch sẽ, an toàn và bền vững của thực phẩm.
Chúng tôi tin rằng với tiêu chuẩn sản xuất chất lượng cao và nghiêm ngặt của Ireland, các sản phẩm của chúng tôi hoàn toàn có khả năng đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng Việt Nam ”.
Ireland có 80% diện tích là đồng cỏ
Ireland có 17.000 trang trại với quy mô đàn bò trung bình là 91 con và diện tích trung bình là 55ha; sản xuất được 8,7 tỷ lít sữa vào 2023. Ireland có 80% diện tích là đồng cỏ với mùa cỏ xanh dài nhất ở Bắc bán cầu do vị trí hòn đảo nằm ở rìa phía tây châu Âu. Kéo theo đó, Ireland luôn có khí hậu ôn hòa, lượng mưa dồi dào và đất đai màu mỡ.
Ngành công nghiệp sữa của Ireland được xây dựng dựa trên truyền thống chăn thả gia súc ngoài trời trên đồng cỏ tới 9 tháng trong năm tại các trang trại do gia đình sở hữu, thường được truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác. Theo đó, đàn bò sữa Ireland trung bình có 240 ngày/năm rong chơi trên đồng cỏ, với 95% khẩu phần ăn của chúng là cỏ.
Hệ thống chăn thả ngoài trời này giúp ngành chăn nuôi bò sữa của Ireland trở thành một trong những hệ thống chăn nuôi bò sữa hiệu quả nhất về mặt môi trường trên thế giới với lượng khí thải carbon là 0,97kg CO2e/kg FPCM.
Ngoài ra, họ cũng có chương trình phát triển bền vững đầu tiên được Chính phủ phê duyệt trên thế giới - Origin Green. Theo chương trình này, Chính phủ Ireland sẽ kiểm tra mọi trang trại ở đây ít nhất 18 tháng một lần.
Mục tiêu là để đo lượng khí thải nhà kính, hiệu quả sử dụng năng lượng, hiệu quả sử dụng nước, đa dạng sinh học và tác động kinh tế xã hội đối với hoạt động nông nghiệp. Chính phủ Ireland sẽ giúp nông dân làm việc hòa hợp với thiên nhiên để giảm tất cả các mức phát thải nói trên này.
Nhờ thế, Ireland đã được Liên minh châu Âu chọn là người thay mặt 27 quốc gia để dẫn dắt chiến dịch giới thiệu ngành sữa châu Âu – European Dairy tại khu vực Đông Nam Á và Nhật Bản.
Về ngành công nghiệp chế biến sâu của Ireland: đất nước này có khoảng 300 DN hoạt động trong ngành sản xuất sữa và các sản phẩm liên quan. Các sản phẩm thế mạnh của ngành sữa Ireland bao gồm bơ, phô mai và nguyên liệu sữa. Năm 2023, họ xuất khẩu được 1,3 tỷ USD các loại bơ, 1,3 tỷ USD các loại phô mai, 80 triệu USD bột sữa béo, 220 triệu USD sữa bột nguyên chất…
Các sản phẩm sữa béo – whipping cream có xuất xứ từ Ireland rất được ưa chuộng tại thị trường Việt Nam bởi nó phù hợp với thị hiếu của người tiêu dùng tại đây.