Nguồn: nhachannuoi.vn
THỊ TRƯỜNG THẾ GIỚI
Trong báo cáo “Gia súc và gia cầm” năm 2025, Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ (USDA) dự báo sản lượng và mức tiêu thụ thịt toàn cầu sẽ giảm dưới 1%, hoạt động thương mại thịt lợn quốc tế sẽ sôi động hơn. Cụ thể:
Dự báo sản lượng nuôi:
+ Sản lượng thịt lợn thế giới năm 2025 dự kiến sẽ giảm 0,8% xuống còn 115,1 triệu tấn, do sản lượng giảm ở Trung Quốc và Liên minh châu Âu sẽ vượt quá mức tăng trưởng ở Hoa Kỳ, Việt Nam và Brasil.
+ Sản lượng thịt lợn của Việt Nam dự kiến sẽ tăng 3%, đạt 3,8 triệu tấn nhờ dự kiến mở rộng đàn lợn khi khả năng kiểm soát dịch tả lợn châu Phi (ASF) được cải thiện.
+ Sản lượng thịt lợn ở Brasil ước tính sẽ tăng 1,2%, đạt 4,6 triệu tấn, nhờ nhu cầu xuất khẩu mạnh và chi phí đầu vào thấp hơn.
+ Sản lượng thịt lợn của Liên minh châu Âu dự kiến giảm 1,6% trong năm 2025, xuống còn 20,9 triệu tấn do giá thịt heo giảm.
+ Sản lượng thịt lợn của Hoa Kỳ dự kiến sẽ tăng 2% vào năm 2025, đạt 12,9 triệu tấn, do sự gia tăng về số lượng lợn giết mổ và số lượng lợn con trên mỗi lứa. Ngoài ra, lợi nhuận của ngành được cải thiện vào năm 2024 và chi phí thức ăn thấp hơn dự kiến sẽ tiếp tục hỗ trợ tăng trọng lượng lợn. Xuất khẩu thịt lợn của Hoa Kỳ dự kiến sẽ tăng 3,4% vào năm 2025, đạt 3,4 triệu tấn do nguồn cung trong nước dồi dào và khả năng cạnh tranh mạnh mẽ về giá xuất khẩu.
+ Mặc dù lợi nhuận ngành thịt lợn ở Trung Quốc đã cải thiện vào năm 2024, nhưng sản lượng thịt lợn Trung Quốc dự kiến sẽ giảm 2,2% vào năm 2025 xuống còn 55,5 triệu tấn. Việc giảm số lượng lợn nái trong năm 2024 sẽ làm giảm số lượng lợn giết mổ trong năm 2025. Ngoài ra, nhu cầu tiêu thụ thịt lợn ở Trung Quốc được dự báo sẽ tiếp tục yếu, do tình hình kinh tế bất ổn và xu hướng chuyển sang tiêu thụ thịt gia cầm ngày càng tăng.
Dự báo lượng xuất khẩu:
+ Xuất khẩu thịt lợn toàn cầu dự kiến sẽ tăng 1%, đạt 10,4 triệu tấn vào năm 2025, nhờ tăng trưởng xuất khẩu từ Hoa Kỳ và Canada, bù đắp cho sự sụt giảm xuất khẩu từ EU.
+ Xuất khẩu thịt lợn của Canada ước tính tăng 0,7%, đạt 1,5 triệu tấn, nhờ nhu cầu ổn định từ Hoa Kỳ và sự tăng trưởng liên tục ở một số thị trường châu Á, bao gồm Nhật Bản và Hàn Quốc.
+ Xuất khẩu thịt lợn của EU được dự báo giảm 1,7% xuống còn 2,95 triệu tấn, do nguồn cung dành cho xuất khẩu giảm và các hạn chế thương mại liên quan đến ASF vẫn còn hiệu lực.
– Theo số liệu từ Cơ quan Hải quan Trung Quốc, trong 9 tháng đầu năm 2024, Trung Quốc nhập khẩu 4,79 triệu tấn thịt và các sản phẩm từ thịt, trị giá 16,71 tỷ USD, giảm 13,7% về lượng và giảm 19,9% về trị giá so cùng kỳ năm 2023, chủ yếu nhập khẩu từ Brasil, Hoa Kỳ, Argentina, Tây Ban Nha, Úc, New Zealand … Trong đó, chỉ có lượng nhập khẩu thịt từ Argentina tăng nhẹ 0,2%, còn các thị trường còn lại đều giảm so với cùng kỳ năm 2023.
+ Thịt trâu, bò: Trong 9 tháng đầu năm 2024, Trung Quốc nhập khẩu 2,1 triệu tấn thịt trâu, bò (HS 0201; 0202), trị giá 10,03 tỷ USD, tăng 3,4% về lượng, nhưng giảm 7,2% về trị giá so với cùng kỳ năm 2023, chủ yếu nhập khẩu từ Brasil, Argentina, Uruguay, Úc, Hoa Kỳ, New Zealand… Trong đó, lượng thịt trâu, bò nhập khẩu của Trung Quốc từ các thị trường Brasil, Argentina, Úc tăng, còn lại đều giảm so với cùng kỳ năm 2023.
+ Thịt gia cầm: 9 tháng đầu năm 2024 Trung Quốc nhập khẩu 695,87 nghìn tấn thịt và phụ phẩm của gia cầm (HS 0207), với trị giá 2,17 tỷ USD, giảm 32,4% về lượng và giảm 34,6% về trị giá so với cùng kỳ năm 2023, chủ yếu nhập khẩu từ Brasil, Nga, Thái Lan, Hoa Kỳ, Belarus… Nhìn chung, lượng thịt và phụ phẩm gia cầm nhập khẩu của Trung Quốc từ các thị trường này đều giảm so với cùng kỳ năm 2023.
+ Thịt lợn: Lượng thịt lợn nhập khẩu của Trung Quốc vẫn giảm mạnh trong 9 tháng đầu năm 2024. Theo số liệu của Cơ quan Hải quan Trung Quốc, trong 9 tháng đầu năm 2024, Trung Quốc nhập khẩu 784,91 nghìn tấn thịt lợn (HS 0203), với trị giá 1,53 tỷ USD, giảm 38% về lượng và giảm 47,9% về trị giá so với cùng kỳ năm 2023. Các thị trường cung cấp thịt lợn lớn nhất cho Trung Quốc trong 9 tháng đầu năm 2024 gồm Tây Ban Nha, Brasil, Hà Lan, Chile, Canada, Hoa Kỳ, Đan Mạch… Lượng thịt lợn nhập khẩu của Trung Quốc từ các thị trường này đều giảm mạnh so với cùng kỳ năm 2023.
THỊ TRƯỜNG TRONG NƯỚC
Trong quý III/2024, thị trường thịt trong nước không có biến động lớn, nguồn cung luôn đáp ứng đủ nhu cầu tiêu dùng. Chăn nuôi lợn vẫn tăng trưởng, nhưng trong tháng 9/2024 hậu quả từ cơn bão số 3 tại miền Bắc và ASF khiến nhiều chuồng trại bị hư hỏng, thiệt hại về lứa lợn chuẩn bị cho Tết.
Hiện, sản lượng lợn sản xuất trong nông hộ nhỏ lẻ giảm còn 35-40%, sản lượng lợn sản xuất trong hộ chuyên nghiệp và trang trại đã chiếm tới 60-65%. Theo khuyến cáo từ Cục Thú y, các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ trong vùng xảy ra dịch không nên tái đàn bằng mọi giá, vì mầm bệnh vẫn tiềm ẩn, nguy cơ thiệt hại cao.
Để đảm bảo cân đối nguồn cung cầu, nhất là dịp Tết Nguyên đán, nguồn cung thịt lợn sẽ phải tăng thêm từ 10-15%. Vì thế đây là thời điểm các đơn vị chăn nuôi tập trung tái đàn. Nhưng muốn tái đàn bền vững, đảm bảo được nguồn cung thì công tác phòng ngừa dịch bệnh là yếu tố tiên quyết.
Trong tháng 10/2024, giá lợn hơi ở các tỉnh, thành phố dao động trong khoảng 61.000-69.000 đồng/kg. Cụ thể: Giá lợn hơi tại khu vực miền Bắc dao động trong khoảng 63.000-69.000 đồng/kg, những ngày đầu tháng giá tăng từ 1.000-2.000 đồng/kg, đến giữa tháng ổn định, sau đó giá giảm 1.000-6.000 đồng/kg, rồi tăng 6.000 đồng/kg, đến gần cuối tháng giảm 6.000-7.000 đồng/kg so với cuối tháng trước.
Tại khu vực miền Trung và Tây Nguyên, giá lợn hơi dao động trong khoảng 61.000-68.000 đồng/kg, những ngày đầu tháng giá lợn hơi tăng 3.000 đồng/kg, đến giữa tháng ổn định, sau đó giá giảm 1.000-3.000 đồng/kg, rồi tăng 4.000 đồng/kg, đến gần cuối tháng giảm 7.000 đồng/kg so với cuối tháng trước.
Tại khu vực miền Nam, giá lợn hơi dao động trong khoảng 62.000-66.000 đồng/kg, những ngày đầu tháng giá lợn hơi tăng từ 1.000-2.000 đồng/kg, rồi ổn định, sau đó tăng giảm và đến gần cuối tháng giảm 5.000 đồng/kg so với cuối tháng trước.
TÌNH HÌNH XUẤT, NHẬP KHẨU THỊT VÀ CÁC SẢN PHẨM TỪ THỊT CỦA VIỆT NAM TRONG QUÝ III/2024
+ Về xuất khẩu: Theo thống kê sơ bộ từ số liệu của Tổng cục Hải quan Việt Nam, trong quý III/2024, Việt Nam xuất khẩu được 5,3 nghìn tấn thịt và sản phẩm thịt, trị giá 24,85 triệu USD, giảm 14,4% về lượng và giảm 4,2% về trị giá so với quý II/2024; so với quý III/2023 cũng giảm 8,4% về lượng và giảm 12,4% về trị giá.
Thịt và sản phẩm thịt của Việt Nam được xuất khẩu chủ yếu sang các thị trường thuộc khu vực châu Á, trong đó xuất khẩu nhiều nhất sang thị trường Hồng Kông, chiếm 46,57% về lượng và chiếm 62,52% về trị giá trong tổng xuất khẩu thịt và các sản phẩm thịt của cả nước, đạt 2,46 nghìn tấn, trị giá 15,54 triệu USD, giảm 4,1% về lượng, nhưng tăng 6,1% về trị giá so với quý II/2024; so với quý III/2023 tăng 5,4% về lượng và tăng 9,8% về trị giá.
Cơ cấu thị trường xuất khẩu thịt và sản phẩm từ thịt của Việt Nam
(Tỷ trọng % tính theo kim ngạch)
Trong quý III/2024, các chủng loại thịt và các sản phẩm từ thịt xuất khẩu chủ yếu gồm: Thịt lợn tươi, ướp lạnh hoặc đông lạnh (chủ yếu là thịt lợn sữa nguyên con đông lạnh và thịt lợn nguyên con đông lạnh) được xuất khẩu chủ yếu sang thị trường Hồng Kông; Thịt khác và phụ phẩm dạng thịt ăn được sau giết mổ của động vật khác, tươi, ướp lạnh hoặc đông lạnh (chủ yếu là thịt ếch đông lạnh) được xuất khẩu chủ yếu sang các thị trường như Bỉ, Hoa Kỳ, Pháp, Canada…; Thịt và phụ phẩm ăn được sau giết mổ của gia cầm tươi, ướp lạnh hoặc đông lạnh (chủ yếu là chân gà đông lạnh) được xuất khẩu chủ yếu sang thị trường Hồng Kông, Trung Quốc, Lào…
Trong quý III/2024, các chủng loại thịt và các sản phẩm từ thịt đã xuất khẩu tới 35 thị trường, trong đó đã xuất khẩu sang các thị trường khó tính như Nhật Bản, Hồng Kông, Bỉ, Hàn Quốc, Trung Quốc, Pháp… Thời gian tới, dự báo xuất khẩu thịt và sản phẩm thịt của Việt Nam sẽ tăng trưởng hơn, trong đó các mặt hàng xuất khẩu chính chủ yếu vẫn là thịt lợn sữa đông lạnh, thịt lợn đông lạnh, chân gà đông lạnh, thịt ếch đông lạnh…
+ Về nhập khẩu: Theo thống kê sơ bộ từ số liệu của Tổng cục Hải quan Việt Nam, quý III/2024, Việt Nam nhập khẩu 221,16 nghìn tấn thịt và sản phẩm từ thịt, trị giá 473,31 triệu USD, tăng 2,5% về lượng và tăng 14,7% về trị giá so với quý II/2024; So với quý III/2023 tăng 4,2% về lượng, nhưng giảm 0,8% về trị giá.
Trong quý III/2024, Ấn Độ, Hoa Kỳ, Nga, Ba Lan, Úc, Hàn Quốc và Brasil là những thị trường lớn nhất cung cấp thịt và sản phẩm từ thịt cho Việt Nam. Lượng nhập khẩu từ Ấn Độ, Úc, Hàn Quốc, Hoa Kỳ tăng (trong đó tăng mạnh nhất là nhập khẩu từ thị trường Úc với mức tăng 38,3% so với quý II/2024), còn các thị trường khác giảm.
So với quý III/2023, lượng nhập khẩu từ Hoa Kỳ và Ba Lan tăng mạnh, còn các thị trường khác giảm.
Cơ cấu thị trường cung cấp thịt và sản phẩm từ thịt cho Việt Nam
(Tỷ trọng % tính theo lượng)
Trong quý III/2024, thịt và các sản phẩm từ thịt nhập khẩu chủ yếu là các chủng loại như: Thịt và phụ phẩm ăn được sau giết mổ của gia cầm; Thịt trâu tươi đông lạnh; Phụ phẩm ăn được sau giết mổ của lợn, trâu, bò sống; Thịt lợn tươi ướp lạnh hoặc đông lạnh; Thịt bò tươi ướp lạnh hoặc đông lạnh… Trong đó, lượng nhập khẩu thịt bò tươi ướp lạnh hoặc đông lạnh; thịt và phụ phẩm ăn được sau giết mổ, của gia cầm; phụ phẩm ăn được sau giết mổ của lợn, trâu, bò tăng so với cùng kỳ năm 2023; trong khi nhập khẩu thịt trâu tươi đông lạnh, thịt lợn tươi ướp lạnh hoặc đông lạnh giảm so với cùng kỳ năm 2023.
Trong quý III/2024, Việt Nam nhập khẩu 32,01 nghìn tấn thịt lợn (HS 0203), trị giá 72,51 triệu USD, tăng 17% về lượng và tăng 18% về trị giá so với quý II/2024; nhưng so với quý III/2023 giảm 32,4% về lượng và giảm 39% về trị giá. Nhập khẩu thịt lợn có xu hướng tăng trở lại từ tháng 5/2024 cho tới nay, Brasil, Nga, Canada, Đức và Hà Lan là những thị trường cung cấp thịt lợn lớn cho Việt Nam trong quý III/2024. Trong đó, Brasil là thị trường lớn nhất cung cấp thịt lợn cho Việt Nam với lượng đạt 11,8 nghìn tấn, trị giá 28,04 triệu USD, tăng 9,6% về lượng và tăng 16,9% về trị giá so với quý II/2024; nhưng so với quý III/2023 giảm 43% về lượng và giảm 45,6% về trị giá.
Cơ cấu thị trường cung cấp thịt lợn tươi, ướp lạnh hoặc đông lạnh (HS 0203)
cho Việt Nam (Tỷ trọng % tính theo lượng)
Nguồn cung thịt của Việt Nam thời gian tới cơ bản đáp ứng được nhu cầu tiêu thụ trong nước, nên dự báo nhập khẩu thịt và các sản phẩm thịt sẽ không tăng đột biến. Trong đó, các mặt hàng thịt và sản phẩm thịt nhập khẩu trong thời gian tới chủ yếu vẫn là các chủng loại thịt và phụ phẩm ăn được sau giết mổ của gia cầm; Thịt trâu, bò, lợn tươi đông lạnh; Phụ phẩm ăn được sau giết mổ của lợn, trâu, bò sống đông lạnh…