Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Rau an toàn Hà Nội "an toàn" đến đâu?
20 | 06 | 2007
Liệu các sản phẩm rau trên thị trường có "an toàn"? Đây là câu hỏi của rất nhiều người tiêu dùng tại Hà Nội cũng như các địa phương khác vì đây là một mặt hàng được sử dụng hàng ngày và có ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe.
Sau đây là nội dung cuộc trao đổi của chúng tôi với bà Nguyễn Thị Hoa, Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ thực vật Hà Nội về vấn đề này.

Thưa bà, hiện người tiêu dùng ở Thủ đô Hà Nội rất quan tâm đến tình hình sản xuất và kinh doanh rau an toàn trên địa bàn, bà có thể nêu những nét khái quát về thực trạng sản xuất và tiêu thụ rau an toàn ở Hà Nội?

Từ năm 2002 - 2006, trên địa bàn Hà Nội đã xây dựng được 9 mô hình sản xuất - tiêu thụ rau an toàn (rau an toàn) tại các địa phương Lĩnh Nam, Đặng Xá, Đìa, Vân Trì, Trung Na, Yên Mỹ, Phúc Lợi, Cự Khối, với tổng diện tích 43,5 ha canh tác, tương đương 215 ha gieo trồng/năm. Năm 2006 Hà Nội đã xây dựng thí điểm một mô hình rau an toàn theo nguyên tắc GAP (thực hành nông nghiệp tốt) tại Đông Anh. Các mô hình được nông dân, chính quyền địa phương đánh giá cao và hiện đang được nhân rộng. Chi cục đã phối hợp và tư vấn cho các quận, huyện, doanh nghiệp xây dựng được 3 thương hiệu rau an toàn mang tên Năm Sao, Bảo Hà, Yên Mỹ. Hiện rau Năm Sao chỉ cung cấp cho các bếp ăn, rau an toàn Bảo Hà, Yên Mỹ đang bán thị trường Hà Nội.

Đến nay, Chi cục đã hướng dẫn, thẩm định và cấp 29 Giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất rau an toàn và 8 Giấy chứng nhận cơ sở sơ chế rau an toàn cho các tổ chức, cá nhân đủ điều kiện.Chi cục đang phối hợp với các cơ quan chuyên môn điều tra, đánh giá thực trạng và tiến hành lấy mẫu đất, nước tưới ở 112/117 xã, phường có sản xuất rau để phân tích các chỉ tiêu về kim loại nặng, tồn dư thuốc bảo vệ thực vật (bảo vệ thực vật) và vi sinh vật.

Căn cứ kết quả phân tích, Chi cục sẽ phối hợp với các cơ quan chuyên môn lập bản đồ thể hiện các vùng đủ điều kiện và không đủ điều kiện sản xuất rau an toàn, đề xuất các giải pháp đầu tư, phát triển sản xuất rau an toàn ở các vùng có đủ điều kiện và thay đổi cơ cấu cây trồng hoặc chuyển đổi mục đích sử dụng ở các vùng không đủ điều kiện.

Đó là những kết quả đã đạt được, còn những yếu kém và bất cập thì sao, thưa bà?

Trước hết phải nói rằng trình độ chuyên môn về bảo vệ thực vật của một số cán bộ quản lý, cán bộ kỹ thuật chưa đáp ứng với sự phát triển của sản xuất và đòi hỏi của xã hội.

Công tác quản lý và sử dụng thuốc bảo vệ thực vật tuy đã đạt được một số kết quả đáng khích lệ nhưng tình trạng sử dụng thuốc bảo vệ thực vật ngoài danh mục, không đảm bảo thời gian cách ly... vẫn còn tồn tại ở một số nơi, làm ảnh hưởng đến sức khoẻ cộng đồng và môi trường sinh thái. Hiện tượng thuốc bảo vệ thực vật, đặc biệt thuốc ngoài danh mục nhập lậu tại các cửa khẩu, hiện vẫn diễn ra phức tạp, chưa quản lý được, nên đang tràn vào các tỉnh và Hà Nội, gây khó khăn cho công tác quản lý ở địa phương.

Công tác quản lý sản xuất rau an toàn chưa thực sự chặt chẽ. Trách nhiệm quản lý sản xuất rau an toàn của chính quyền địa phương ở một số nơi chưa cao, chưa chủ động thực hiện và phối hợp với cơ quan chuyên môn. Việc đầu tư cơ sở hạ tầng cho sản xuất rau an toàn còn thiếu và yếu. Cơ chế chính sách cho sản xuất rau an toàn chưa hoàn thiện, chưa khuyến khích được nông dân sản xuất rau an toàn. Công tác quản lý kinh doanh rau an toàn của ngành thương mại đã triển khai nhưng chưa chặt chẽ, chưa làm tốt công tác hậu kiểm, nên ảnh hưởng đến đầu sản xuất.

Hiện vẫn còn hiện tượng nông dân sản xuất và tiêu thụ rau an toàn trên địa bàn Hà Nội không thực hiện đúng quy trình, trong đó đặc biệt là việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật. Với chức năng là cơ quan quản lý chuyên ngành, Chi cục đã xử lý tình trạng này đến đâu, thưa bà?

Trong năm 2006, Chi cục bảo vệ thực vật Hà Nội đã phát hiện và lập nhiều biên bản nông dân vi phạm quy trình sản xuất rau an toàn, đặc biệt là khâu xử lý thuốc bảo vệ thực vật. Chi cục cũng đã thông báo với chính quyền địa phương để phối hợp quản lý. Tuy nhiên, trên thực tế với người nông dân việc xử phạt có những khó khăn. Họ bán cả ruộng rau mới thu được khoảng 1 triệu đồng. Có khi đi chợ bán rau, về đến nhà đã hết tiền. Cán bộ quản lý lập biên bản vi phạm, người dân đồng ý ký nhưng hỏi đến tiền thì không có.

Vì thế, một trong những nội dung của đề án "Sản xuất và tiêu thụ rau an toàn của thành phố Hà Nội giai đoạn 2006 - 2010" mà Chi cục đang báo cáo Sở Nông nghiệp - Phát triển nông thôn trình UBND thành phố phê duyệt có đề cập đến việc xử lý vi phạm của người sản xuất và kinh doanh rau an toàn.

Dự kiến, ai vi phạm (có biên bản ký nhận), nếu vi phạm lần đầu (có biên bản, ký nhận) thì nhắc nhở, lần thứ hai sẽ thông báo cho chính quyền địa phương và ban chỉ đạo sản xuất rau an toàn của địa phương để có trách nhiệm theo dõi (kèm danh sách báo về Sở Sở Nông nghiệp - Phát triển nông thôn và UBND thành phố; nếu vi phạm lần thứ ba thì sẽ thông tin công khai trên phương tiện thông tin đại chúng. Đây là biện pháp có tác dụng rất tích cực đến người tiêu dùng.

Dự kiến sẽ hợp đồng với Đài Phát thanh - Truyền hình Hà Nội, mỗi tuần có chương trình 5 - 10 phút chuyên nói về rau an toàn (cung cấp địa chỉ tin cậy sản xuất và cung cấp rau an toàn, tư vấn cách chọn mua rau an toàn, thông báo địa chỉ kinh doanh rau không đảm bảo rau an toàn...).



Nguồn tin: Vneconomy
Báo cáo phân tích thị trường