Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Cà phê Việt Nam lên sàn giao dịch Chicago
28 | 08 | 2007
Năm 2007, cà phê Việt Nam lại có một năm bội thu cả về sản lượng lẫn giá xuất khẩu luôn duy trì ở mức cao, khoảng 1.430 USD/tấn so với mức 1.066 USD/tấn năm 2005
Đến nay, chúng ta đã xuất khẩu được khoảng 900.000 tấn cà phê, đạt kim ngạch 1,2 tỷ USD, ước cả năm là 1,5 tỷ USD.

Vị thế ngày càng vững chắc của cây cà phê Việt Nam là một trong những cơ sở quan trọng để Hiệp hội Cà phê Ca cao (Vicofa) triển khai ý tưởng đưa cà phê Việt Nam lên sàn giao dịch quốc tế. Đó cũng là nội dung buổi làm việc giữa Chủ tịch Vicofa Văn Thành Huy và Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lương Lê Phương ngày 22/8 vừa qua.

Ngay từ tháng 11/2004, Vicofa đã tiến hành xây dựng Trung tâm Giao dịch cà phê Buôn Ma Thuột (Buon Ma Thuot Coffee Exchange Center), với kỳ vọng đây sẽ là nơi đấu giá tập trung, công khai của các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân kinh doanh cà phê.

Cuối năm 2006, phần cơ sở hạ tầng của Trung tâm cơ bản xong, giao dịch cũng đã được tiến hành, phần lớn mang tính chất địa phương, trong vùng (Đăk Lăk là thủ phủ cà phê cả nước) và phạm vi trong nước.

Hình thức mua bán cà phê qua sàn giao dịch theo các loại hợp đồng lựa chọn, kỳ hạn, tương lai, chốt giá sau... bước đầu đã giúp các doanh nghiệp kinh doanh, xuất khẩu cà phê Việt Nam có những công cụ bảo hiểm rủi ro về giá hữu hiệu tránh khỏi tình trạng cà phê được mùa lại rớt giá.

Tuy nhiên, trong khi ở một số nước sản xuất cà phê lớn, như Brazil, sàn giao dịch cà phê được đại đa số nông dân trồng cà phê khai thác như phương thức bảo hiểm giá bán, thì ở Việt Nam hoạt động mua bán cà phê qua sàn giao dịch còn quá xa lạ với người trồng cà phê.

Vì vậy, đề án phát triển sàn giao dịch cà phê chính là một trong những bước nhằm nâng cao giá trị cà phê Việt Nam không chỉ về chất lượng mà còn tránh bị đối tác nước ngoài ép giá, hay thua thiệt do không nắm bắt được thông tin.

Mới đây nhất, Chính phủ đã chấp thuận để các Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Ngoại giao, Bộ Công thương và Vicofa xúc tiến triển khai xây dựng Đề án hợp tác và chủ động làm việc với Sàn Giao dịch Hàng hoá Chicago về khả năng đưa sản phẩm cà phê Việt Nam giao dịch tại CME và phát triển sàn giao dịch cà phê tại Việt Nam, trên cơ sở đó tiến tới mở rộng khả năng hợp tác ra các hàng hoá nông sản khác.

Theo đó, CME sẽ giúp Vicofa đào tạo nhân viên vận hành và hoạt động trong các sàn giao dịch, thực hành ngay tại Chicago, sau đó, tiếp tục cử chuyên gia sang hướng dẫn tại Việt Nam.

Ngoài ra, việc xây dựng phần mềm giao dịch cho sàn cà phê Buôn Mê Thuột cũng sẽ được triển khai song song để thay thế cho phương thức đặt lệnh thủ công trên sàn hiện nay.

Nếu công việc hợp tác với Sàn Giao dịch Chicago thuận lợi, đến tháng 3/2008, Trung tâm Giao dịch cà phê Buôn Ma Thuột sẽ trực tiếp đặt lệnh giao dịch với sàn Chicago, không phải thông qua bất kỳ khâu trung gian nào.

Hiện việc này vẫn phải qua trung gian, như Techcombank (Ngân hàng Kỹ thương), BIDV (Ngân hàng Đầu tư và Phát triển), ATB (Công ty Cổ phần Môi giới Thương mại Châu Á của Vietcombank) và giá cà phê cũng bị đội giá do phải chi trả thêm phí môi giới.



Nguồn tin: Vneconomy

Báo cáo phân tích thị trường