Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Tháo gỡ vướng mắc cho DN vừa và nhỏ: Khó ở khâu thực thi
06 | 10 | 2007
Giảm thuế, cắt giảm hàng rào phi thuế quan, loại bỏ trợ cấp... sẽ khiến môi trường kinh doanh cạnh tranh hơn, nhưng sẽ là thách thức không nhỏ đối với các DN VN, khi có đến 97% là DN vừa và nhỏ.
Vẫn "hành" DN Ông Hoàng Văn Dũng - Phó Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp VN (VCCI) trong Hội nghị "Lãnh đạo tháo gỡ vướng mắc, thúc đẩy mạnh DN vừa và nhỏ (DNVVN)" diễn ra tại Hà Nội ngày 13.10 do Đảng ủy khối Kinh tế Trung ương và VCCI tổ chức đã đưa ra nhận xét: "Chính sách cải thiện môi trường kinh doanh thời gian qua chủ yếu mới tập trung vào việc xoá bỏ tình trạng phân biệt đối xử giữa các thành phần kinh tế, chứ chưa tập trung giải quyết những vấn đề về quy mô DN. Điều này khiến cho các chính sách hỗ trợ của cơ quan nhà nước không đồng nhất". Ông lấy ví dụ, việc các DN đăng ký thành lập nhưng sau 3 năm chỉ còn khoảng 75%, sau 5 năm còn 64% là do không được hướng dẫn khởi sự và hỗ trợ một cách chu đáo sau đăng ký kinh doanh. Phương thức hỗ trợ DNVVN phải khác với các DN lớn, chẳng hạn hỗ trợ về tín dụng, đào tạo... không nên chỉ dừng ở những ưu đãi về tài chính (giảm lãi suất, miễn, giảm phí tham dự các chương trình đào tạo...), mà quan trọng là giúp DN vượt qua được những cản trở do "quy mô nhỏ". DN không vay được vốn có phải là do lãi suất cao (thậm chí một số DN còn đi vay lãi nặng để kinh doanh) hay vì cơ chế thế chấp tài sản khó khăn và vì thái độ của cán bộ ngân hàng? Còn ông Đinh Hạnh (nguyên Phó Chủ tịch UBND TPHN) hiện là Chủ tịch Hội DNVVN cho rằng: Chủ trương, chính sách của Đảng, Chính phủ tháo gỡ vướng mắc, thúc đẩy phát triển DNVVN là rất đúng đắn và khá cởi mở, nhưng xuống đến cơ sở là ách tắc. Cũng DN ấy nhưng từ DN nhà nước trở thành công ty cổ phần thì thấy rõ thái độ kỳ thị của các cơ quan công quyền. Ông đặt câu hỏi, liệu chính sách đã đến được đối tượng thụ hưởng hay chưa, và tự trả lời là "hoàn toàn chưa". Chờ một khuôn khổ pháp lý đồng bộ Theo ông Hoàng Văn Dũng, khu vực DNVVN đang trông chờ sự ra đời một khuôn khổ pháp lý đồng bộ về chính sách hỗ trợ của Nhà nước. Trong khi các DN luôn yêu cầu sự hỗ trợ về vốn, thông tin, thị trường, công nghệ và kỹ năng kinh doanh... thì dường như họ vẫn chưa hình dung được sẽ nhận sự hỗ trợ này như thế nào, ở đâu, do ai cung cấp? "Nếu sự hỗ trợ của Nhà nước lại do chính các cơ quan quản lý thực hiện một cách trực tiếp thì điều đó có nghĩa là sự quay trở lại cơ chế bao cấp, xin-cho và không khỏi dẫn đến tình trạng sự hỗ trợ đã đến không đúng đối tượng cần được khuyến khích phát triển, tạo sự ỷ lại của một bộ phận các DN, nguy cơ tạo ra tham nhũng" - ông nói. Chính vì vậy, ông Nguyễn Văn Trung - Cục trưởng Cục DNVVN (Bộ Kế hoạch - Đầu tư) cho biết, Bộ KH- ĐT đang trình Chính phủ phê duyệt "Kế hoạch tổng thể phát triển DNVVN giai đoạn 2006-2010" sẽ trên cơ sở tháo gỡ những vướng mắc cho DNVVN. Tuy nhiên, theo các DN, nếu không đi vào bản chất của những vướng mắc, giải quyết những khó khăn ở khâu thực thi chính sách, pháp luật thì kế hoạch sẽ không thể đi vào cuộc sống.

(Nguồn: Lao động)
Báo cáo phân tích thị trường