Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Những điều cần biết về ngoại thương Trung Quốc(3)
29 | 08 | 2007
Chính sách ngoại thương và quản lí hành chính
3. Chính sách ngoại thương và quản lí hành chính

  3.1. Chính sách ngoại thương

  Trung Quốc theo đuổi chính sách tự dựa vào sức mình và những nguyên tác bình đẳng, cùng có lợi trong quan hệ ngoại thương. Tích cực phát triển quan hệ thương mại với các nước trên thế giới. Hàng hoá được nhập khẩu một cách thận trọng và có chọn lựa dựa trên cơ sở những nhu cầu cần thiết của thị trường Trung Quốc. Khuyến khích xuất khẩu nhằm củng cố sự phát triển kinh tế đất nước. Những nguyên tắc bình đẳng, cùng có lợi đòi hỏi các phương thức và điều kiện trao đổi giữa các bên phải công bằng, hợp lí và có lợi, đồng thời dựa trên sự tôn trọng tập quán và các quy định của đối tác, các thoả thuận và hợp đồng kí kết.

  3.2. Các nhiệm vụ của quản lí hành chính đối với ngoại thương

  Nhiệm vụ đầu tiên của quản lí ngoại thương là lập các kế hoạch và các chính sách liên quan, các nguyên tắc về ngoại thương và bảo đảm việc thực hiện chúng. MOFTEC được Hội đồng Nhà nước trao quyền ban hành các luật ngoại thương, các chính sách, quy định và là cơ quan duy nhất chịu trách nhiệm thực hiện chúng.

  MOFTEC xem xét và phê chuẩn việc thành lập, hợp nhất, hay xoá bỏ các công ty ngoại thương và chịu trách nhiệm phân bổ giấy phép và hạn ngạch. MOFTEC cũng được Nhà nước cho phép thực hiện các trách nhiệm này theo sự chỉ thị của Hội đồng Nhà nước.

  3.3. Phân quyền

  Trước đây chỉ có một số công ti chỉ định là được phép hoạt động ngoại thương. Ngày nay, quyền này đã được phân quyền và mở rộng quyền tới các xí nghiệp khác nhau ở các cấp khác nhau. Một kết quả của việc tăng cường cải cách hoạt động ngoại thương là sự dẫn đến hệ thống hoạt động được phân quyền rất cao nhằm trao quyền kinh doanh ngoại thương

  cho tất cả các loại hình xí nghiệp. Hiện nay có hơn 300.000 xí nghiệp có quyền kinh doanh ngoại thương.

  a) Các loại hình công ti ngoại thương Có 3 loại công ty ngoại thương chính:

  - Các công ty ngoại thương chuyên doanh ở cấp quốc gia của Nhà nước trực thuộc sự quản lí của MOFTEC và đóng vai trò là đơn vị xuất - nhập khẩu chính. Những công ty này buôn bán với số lượng lớn các mặt hàng chỉ định và là các đại diện xuất - nhập khẩu cho các xí nghiệp không có giấy phép kinh doanh ngoại thương. Hiện có khoảng 5.000 công ty ngoại thương nhà nước kiểu này.

  - Các công ti do các Bộ Công nghiệp, Uỷ ban Nhà nước và các cơ quan nghiên cứu tổ chức. Các công ti này có quyền xuất - nhập khẩu các sản phẩm của họ. Những công ty này tiến hành xuất khẩu các sản phẩm do xí nghiệp hoặc các cơ quan của họ sản xuất và nhập khẩu các phương tiện sản xuất, nguyên liệu, phụ tùng cần thiết cho sản xuất của công ty hoặc công tác nghiên cứu. Hiện nay có hơn 6.000 công ti loại này.

  - Các xí nghiệp vốn đầu tư nước ngoài. Những xí nghiệp này có thể xuất khẩu sản phẩm họ sản xuất theo các quy định liên quan và có thể nhập khẩu những thứ cho hoạt động sản xuất của họ. Hiện có hơn 290.000 xí nghiệp loại này.

  Ngoài ra còn có các liên doanh ngoại thương mới được thành lập.

  

  b) Hệ thống đại diện ngoại thương

  Hệ thống đại diện ngoại thương nhằm giúp các xí nghiệp và công ty không có quyền xuất - nhập khẩu có thể tiến hành xuất - nhập khẩu. Những đại diện này là các đơn vị ngoại thương hoạt động xuất - nhập khẩu theo tên riêng của mình và thay mặt các xí nghiệp kể trên.

  3.4. Quản lí hành chính đối với xuất - nhập khẩu

  Việc giám sát các hoạt động xuất - nhập khẩu đạt được thông qua các biện pháp quản lí dưới hình thức giấy phép, hệ thống hạn ngạch bên cạnh biện pháp thu thuế. Đây là hệ thống phối hợp các biện pháp nhằm đáp ứng được yêu cầu của nước ngoài mà vẫn giám sát được các xí nghiệp ngoại thương có quyền xuất - nhập khẩu ở Trung Quốc.

  a) Giám sát nhập khẩu hàng hoá

  Năm 1996, các mặt hàng chịu sự quản lí của hệ thống cấp giấy phép nhập khẩu bao gồm có 354 mặt hàng phải nộp thuế được xếp vào 36 chủng loại. Trong đó 28 chủng loại mặt hàng được quản lí bằng hạn ngạch và 8 chủng loại còn lại được quản lí bằng giấy phép nói chung. Theo thông tin của MOFTEC, những quy định bắt đầu có hiệu lực từ 1-6-1997 đối với các mặt hàng phải có giấy phép nhập khẩu và nhập theo hạn ngạch. Những mặt hàng này bao gồm 374 mặt hàng phải nộp thuế, xếp vào 35 chủng loại. 15 trong số 35 chủng loại bao gồm máy móc, đồ điện tử và 13 chủng loại bao gồm các mặt hàng chung khác phải chịu sự giám sát bằng hạn ngạch. Trong khi đó các chủng loại còn lại chỉ chịu sự giám sát bằng giấy phép, không hạn ngạch. Số lượng, chủng loại và loại mặt hàng quản lí bằng giấy phép và hạn ngạch sẽ được điều chỉnh theo thời gian.

  Các xí nghiệp muốn nhập khẩu những hàng hoá bị giám sát bằng hạn ngạch nhập khẩu phải làm đơn tới các cấp chính quyền liên quan. Đối với những hàng hoá cần phải có giấy phép nhập khẩu nói chung thì xí nghiệp phải xin được giấy phép nhập khẩu từ các vụ liên quan. Giấy phép nhập khẩu do MOFTEC quản lí.

  Hàng hoá nhập khẩu theo hạn ngạch do Uỷ ban Kế hoạch Nhà nước quản lí. Hiện tại có 13 chủng loại hàng hoá nhập khẩu theo hạn ngạch là: dầu, len, sợi nylon, sợi polyeste, cao su tự nhiên, lốp ôtô, chất độc sodium dùng trong tách lọc vàng, bạc, đường ăn, phân bón hoá học, thuốc lá, sản phẩm thuốc lá, sợi acetate và bông.

  Những hàng hoá khi nhập cần phải có cấp phép hạn ngạch nhập khẩu sẽ do cơ quan xuất - nhập khẩu máy móc và sản phẩm điện tử của Nhà nước quản lí. Hiện nay, cá chủng loại hàng yêu cầu phải có giấy phép nhập khẩu bao gồm: ô tô, phụ tùng ô tô, khung ô tô, vô tuyến mầu, đèn hình mầu, mô tô, động cơ mô tô, băng, máy video, cátsét, các vi mạch điện tử của máy, tủ lạnh, máy nén khí, băng nghe nhìn, máy phôtôcóppy, ô tô có cần trục, khung gầm xe, kính hiển vi điện tử, vật quay của máy bay phản lực và bộ phân hình mầu điện tử. Không được phép nhập khẩu phương tiện đi lại cũ chạy bằng động cơ, mô tô và xe ô tô mui kín, thậm chí cả khi là những hàng được cho.

  Những cảng đến dưới đây được chỉ định cho việc nhập khẩu ô tô lắp ráp. * Bốn cảng biển: Đại Liên, Thiên Tân, Thượng Hải và Hoàng Phố. * Hai cảng trong đất liền: Mãn Châu Lý và Thẩm Quyến. Không có cảng nào khác ngoài những cảng kể trên được phép tiến hành kê khai hải quan cho việc nhập khẩu ô tô lắp ráp và việc kê khai hải quan cho nhập khẩu ô tô lắp ráp không thể chuyển cho những cảng khác thực hiện ngoài những cảng đã được chỉ định.

  Những mặt hàng hiện nay yêu cầu cần phải có sự quản lí giấy phép nhập khẩu được phân loại vào ba nhóm sau:

  - Các sản phẩm hoá học

  Để nhập khẩu nhóm sản phẩm này phải được sự phê duyệt của Bộ Công nghiệp Hoá chất. Các sản phẩm hoá học thong thường là do Công ti Xuất - nhập khẩu hoá chất quốc gia Trung Quốc và Công ti Hoá chất Haohua Trung Quốc nhập khẩu.

  - Ngũ cốc và thực phẩm

  Đối với những mặt hàng quan trọng, việc nhập khẩu phải được phép của Uỷ ban Kế hoạch Nhà nước. Nhập khẩu những mặt hàng còn lại phải có giấy phép của các Uỷ ban kế hoạch ở cấp tỉnh.

  - Máy móc và đồ điện tử

  Những yêu cầu cần nhập khẩu các mặt hàng này cần phải được đệ trình lên cơ quan xuất - nhập khẩu máy và đồ điện tử nhà nước để xin phê duyệt.

  MOFTEC được Nhà nước chỉ định là cơ quan quản lí giấy phép và hạn ngạch sau khi các uỷ ban, các bộ hoặc cơ quan liên quan đã phê duyệt nhập khẩu những mặt hàng cần phải có giấy phép nhập khẩu. Việc cấp phép hạn ngạch và giấy phép được thực hiện theo ba cấp:

  * ở cấp quốc gia, MOFTEC cấp giấy phép và hạn ngạch cho 18 chủng loại mặt hàng.

  * ở cấp tỉnh, các uỷ ban ngoại thương và kinh tế hoặc phòng cấp giấy phép cấp giấy phép và hạn ngạch cho 16 chủng loại mặt hàng.

  * MOFTEC có các cơ quan đại diện đặc biệt thay mặt MOFTEC đóng tại các thành phố cảng quan trọng để cấp hạn ngạch và giấy phép cho 27 loại mặt hàng; 14 loại trong số này chịu sự quản lí trực tiếp của MOFTEC; 12 loại chịu sự quản lí của các chính quyền địa phương, với quy mô trách nhiệm quản lí sẽ thay đổi tuỳ theo thẩm quyền của MOFTEC.

  b) Giám sát xuất khẩu hàng hoá

  Việc giám sát hàng hoá xuất khẩu được phân theo hình thức giám sát bằng hạn nghạch theo kế hoạch, hạn ngạch chủ động và giấy phép chung. Năm 1997 có 114 loại hàng hoá yêu cầu phải có giấy phép xuất khẩu, chia thành 142 chủng loại nhỏ.

  

  Năm 1997 có 40 loại sản phẩm xuất khẩu theo hạn ngạch kế hoạch, bao gồm: gạo, đậu tương, ngô, chè, tan, tungsten (nguyên tố kim loại nặng màu thép xám), antimony (nguyên tố kim loại trắng), dầu thô, dầu thành phẩm, bông, sợi bông, vải pha polyeste và cotton, vải, lụa tự nhiên. Những mặt hàng này là mặt hàng mua và bán của các công ti xuất khẩu đã được chỉ định.

  Những hàng hoá xuất khẩu đang chiếm lĩnh thị trường quốc tế hoặc phải hạn chế trong xuất khẩu theo yêu cầu của phía nước ngoài thì phải chịu sự quản lí bằng hạn ngạch chủ động. Năm 1997 có 53 loại sản phẩm trong nhóm này, bao gồm 22 loại xuất sang Hồng Kông, Ma Cao và 31 loại xuất đi những nơi khác trên thế giới. Quản lí bằng hạn ngạch chủ động được thực hiện đối với 24 trong số 53 mặt hàng xuất khẩu chịu sự giám sát nhập khẩu của nước ngoài. Trong số này có 19 mặt hàng là sản phẩm dệt. Hạn ngạch xuất khẩu bị động hàng năm được quyết định theo các hiệp định song phương.

  Quản lí xuất khẩu theo giấy phép được thực hiện đối với một số lớn các sản phẩm có nhãn mác, sản phẩm của địa phương có những vấn đề đặc biệt và một số nhỏ các hàng hoá khác. Có 21 hàng hoá thuộc loại này và trước kia hầu như không có hạn chế gì đối với xuất khẩu hàng hoá đó.

  MOFTEC và các cơ quan chính quyền địa phương ở cấp tỉnh và thành phố chịu trách nhiệm quản lí và cấp hạn ngạch, giấy phép. Trong số 142 mặt hàng, MOFTEC chịu trách nhiệm quản lí xuất khẩu 21 loại sản phẩm, cơ quan đại diện thành lập bởi MOFTEC cấp giấy phép cho 59 loại và 62 loại khác do các cơ quan ngoại thương ở cấp chính quyền địa phương quản lí.

  Các sản phẩm sau đây bị cấm xuất khẩu bởi bất cứ xí nghiệp nào:

  * Những hàng hoá có thể gây hại cho an ninh quốc gia.

  * Những di vật bị pháp luật quy định cấm, súc vật và cây gần bị diệt chủng và các sản phẩm được sản xuất trong các trại lao động.

  * Hàng hoá trái với bổn phận quốc tế của Trung Quốc. * Xạ hương, đồng hoặc platinum.

  3.5. Quản lí hành chính đối với các xí nghiệp và công ty Trung

  Quốc Trước khi các cuộc cải cách được tiến hành vào năm 1980, chỉ có những công ti dưới quyền quản lí của MOFTEC được tiến hành hoạt động ngoại thương và chỉ một vài công ti chuyên doanh độc quyền hoạt động ngoại thương. Sự độc quyền của các đơn vị kinh doanh ngoại thương chấm dứt từ khi tiến hành cuộc cải cách cơ cấu trong ngành ngoại thương vào năm 1980. Kể từ đó một số xí nghiệp trực thuộc các bộ khác trước đây bị cấm kinh doanh ngoại thương thì nay đã được phép. Trong vòng 16 năm qua các xí nghiệp vẫn cần phải đáp ứng những yêu cầu nhất định để được phép buôn bán, nhưng các yêu cầu để được phép đã nới lỏng. Đến cuối quý II năm 1997, có trên 6.000 xí nghiệp của các bộ, ngành công nghiệp khác nhau được phép kinh doanh xuất - nhập khẩu. Sự phân quyền đã làm cho các công ti ngoại thương có thể tiếp cận thị trường một cách dễ dàng.

  Tất cả các loại hình công ti ngoại thương hiện nay về cơ bản là những thực thể độc lập về tài chính. Họ chịu trách nhiệm về kết quả hoạt động kinh doanh của mình. Tuy nhiên các bộ, uỷ ban và các cơ quan vẫn còn có sự quản lí hành chính nhất định đối với các công ti ngoại thương.

  3.6. Quản lí hành chính đối với cá cơ quan đại diện của công ti nước ngoài

  Sau khi Trung Quốc củng cố các mối quan hệ kinh tế với nước ngoài, từ năm 1980 các xí nghiệp nước ngoài được phép thành lập cơ quan thường trú theo công bố "Những quy định tạm thời về quản lí các cơ quan thường trú của xí nghiệp nước ngoài ở Trung Quốc". Quy định yêu cầu các xí nghiệp nước ngoài muốn mở cơ quan ở Trung Quốc phải xin phép và được sự phê duyệt của cơ quan có trách nhiệm. Khi đã được phép, xí nghiệp nước ngoài có thể bắt đầu các hoạt động kinh doanh. Đến cuối năm 1996, Trung Quốc có 2.364 cơ quan thường trú của các xí nghiệp nước ngoài từ 42 nước và vùng lãnh thổ.

  Khi xin phép mở cơ quan đại diện, xí nghiệp nước ngoài phải đệ trình những giấy tờ sau:

  a) Bản gốc tờ đơn được gửi đến MOFTEC.

  b) Bản gốc tờ đơn gửi đến Hội đồng xúc tiến thương mại quốc tế của Trung Quốc (CCPIT). Trong đơn gửi đến MOFTEC và CCPIT, người làm đơn phải nêu rõ phạm vi kinh doanh của công ti, những lí do mở văn phòng đại diện, tên đầy đủ của trưởng đại diện được cử đến, vị trí muốn đặt văn phòng đại diện, kế hoạch các hoạt động kinh doanh chính trong khuôn khổ của các hoạt động liên lạc, tư vấn và thời gian hoạt động của văn phòng đại diện.

  c) Bản chứng nhận đăng kí của công ti đã chứng thực. Đồng thời đối với những công ti đóng tại Hồng Kông, yêu cầu phải cung cấp bản chứng nhận đăng kí kinh doanh đã được chứng thực.

  d) Bản gốc tờ tuyên bố thành lập cơ quan đại diện của ban giám đốc công ti làm đơn. đ) Hồ sơ tóm tắt về công ti bao gồm các thông tin về quy mô kinh doanh, hoạt động và doanh số hàng năm.

  e) Bản gốc giấy chứng nhận của ban giám đốc công ti, trong đó nêu rõ việc chỉ định trưởng đại diện ở Trung Quốc.

  f) Bản gốc của bản cân đối tài chính công ty do ngân hàng mà trụ sở của công ti có tài khoản tại đó cấp.

  g) Bản gốc sơ yếu lí lịch của trưởng đại diện công ty, bao gồm các thông tin về trình độ học vấn và kinh nghiệm làm việc.

  h) Bản sao hộ chiếu nếu như trưởng đại diện là người nước ngoài. Nếu trưởng đại diện là người quốc tịch Trung Quốc thì yêu cầu công ti cung cấp bản gốc giấy chứng nhận do công ti dịch vụ các xí nghiệp nước ngoài cấp và bản sao chứng minh thư thường trú.

  i) Ba tờ mẫu đơn được điền giống hết nhau về việc thành lập cơ quan đại diện của xí nghiệp nước ngoài.

  j) Ba tờ mẫu giống nhau ghi danh sách nhân viên của văn phòng đại diện cùng với 6 ảnh trưởng đại diện chụp cỡ ảnh hộ chiếu (2 inch). Nhà kinh doanh, sản xuất hay đại lí tàu biển phải làm đơn xin phép MOFTEC nếu muốn thành lập cơ quan thường trú; cơ quan ngân hàng hoặc bảo hiểm thì phải xin phép Ngân hàng Nhân dân Trung Hoa; cơ quan điều hành vận tải biển hoặc đại lí phải xin phép Bộ Giao thông; cơ quan vận tải hàng không phải xin phép Ban quản lí chúng của CAAC; các cơ quan khác thì tuỳ theo loại hình kinh doanh mà xin phép các uỷ ban, bộ hay cục phù hợp.

  Khi đã được sự phê duyệt của các cơ quan chính quyền liên quan thì sẽ đăng kí với ban quản lí công nghiệp và thương mại nhà nước của chính phủ trung ương hoặc chính phủ địa phương liên quan. Khi các xí nghiệp nước ngoài đã được phê duyệt và đăng kí thì các quyền và lợi ích hợp pháp của họ sẽ được bảo vệ theo luật pháp liên quan.

  Những nhà đầu tư hoặc xí nghiệp nước ngoài không có kế hoạch mở văn phòng đại diện ngay ở Trung Quốc nhưng muốn mở thì có thể liên lạc với thành phố hoặc các cơ quan chi nhánh tỉnh của CCPIT để biết được những thủ tục cần thiết mở văn phòng đại diện tại địa phương.



theo hochiminh2.mofcom.gov.cn
Báo cáo phân tích thị trường