Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Vụ mía mới ở đồng bằng sông Cửu Long: Giá mía có lợi cho nông dân?
30 | 08 | 2007
Sau một mùa mía cay đắng và thất vọng vì mất giá, nông dân chán nản. Diện tích mía tòan vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) năm nay dự báo thu hẹp và giảm sản lượng. Thế nhưng mía chín sớm đầu vụ ở Phụng Hiệp (Hậu Giang) vẫn dư thừa. Nông dân trông đợi giá cả và các nhà máy đường trong vùng sớm vào vụ sản xuất mới. Thiếu và thừa

Chuẩn bị bước vào mùa mía mới, các nhà máy đường trong vùng ĐBSCL vừa có cuộc khảo sát vùng nguyên liệu, đã nhìn nhận mùa mía năm nay diện tích trong vùng giảm, nên kéo sản lượng mía giảm. Ngoại trừ Nhà máy đường Sóc Trăng chủ động nguyên liệu với 6.000ha đã hợp đồng cùng nông dân, thì nhiều nhà máy còn lại chưa cân đối chủ động nguồn nguyên liệu. Ông Nguyễn Thái Hòa, Phó Giám đốc Nhà máy đường Trà Vinh, cho biết, vùng mía nguyên liệu trong tỉnh chỉ còn 5.300ha, giảm hơn 800ha so vụ mía năm ngoái. Năng suất mía bình quân 90 tấn/ha, giảm 5 tấn/ha do dịch bệnh rầy đầu vàng. Vì mía cuối mùa rớt giá, nông dân chuyển sang cây trồng khác.

Tương tự, Bến Tre còn 6.500ha, giảm 15% diện tích mía. Ông Hùynh Văn Thiệt, Phó Giám đốc Nhà máy đường Bến Tre, còn lo lắng xa khi trái dừa “lên hương” trở lại. Ngay bây giờ, bà con đã trồng dừa xen trong rẫy mía. Trong khi đó, nhà máy đường Thới Bình ở Cà Mau thiếu mía phải chạy ngược lên mua mía vùng Phụng Hiệp (Hậu Giang), Kiên Giang. Còn hai nhà máy đường Hiệp Hòa và N.J (Nagajura-Ấn Độ) dù tại Long An có 15.000ha mía và cộng thêm hơn 5.000ha mía ở TP HCM, nhưng đầu vụ vào tháng 10 vẫn thiếu mía.

Đặc điểm của 9 nhà máy đường ở ĐBSCL là cùng chia sẻ chung vùng nguyên liệu. Song, như một vòng luẩn quẩn, từ nhiều năm qua các nhà máy đường vẫn chưa tìm được giải pháp căn cơ, hợp lý làm hài hòa lợi ích giữa nông dân và nhà máy. Rối nhất vẫn là đầu vụ ở Phụng Hiệp mía thừa, về cuối vụ các nhà máy thiếu mía đổ dồn sang mua ở Cù Lao Dung (Sóc Trăng). Hơn nữa, giá mía còn tăng giảm bất chừng theo giá đường tiêu thụ trên thị trường.

+ Niên vụ mía đường 2006-2007, sản lượng mía tăng cao nhất trong nhiều năm qua. Các nhà máy đường ép được 12,45 triệu tấn mía, sản lượng đường đạt 1.250.000 tấn.

+ ĐBSCL có hơn 60.000ha mía, năng suất bình quân 72 tấn mía/ha; chiếm hơn 24% diện tích và 30,6% sản lượng mía cả nước. Hiện nay, toàn vùng có 9 nhà máy đường, sản lượng mía ép công nghiệp chiếm 35% so với cả nước. Sản lượng đường đạt 280.000 tấn, chiếm gần sản lượng đường cả nước.

Trước mùa mía năm nay, ông Võ Văn Sơn, Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Mía đường Cần Thơ (Casuco), nhận định: Vùng mía đầu vụ Phụng Hiệp và thị xã Ngã Bảy (Hậu Giang) có 8.572ha, trong đó Phụng Hiệp 992 ha, thị xã Ngã Bảy 7.580 ha. Sản lượng chung là 625.820 ha. Diện tích và sản lượng mía tuy có giảm chút ít, nhưng nông dân đã chuyển sang trồng giống mía chín sớm né lũ, chữ đường cao, thời vụ khoảng 8,5 tháng như giống ROC 16 chiếm tới 60-70% diện tích. Trong những ngày này, tại vùng mía chín sớm Phụng Hiệp khi các nhà máy đường công suất lớn chưa vào vụ thì đã có lác đác ghe mua mía về bán cho lò đường thủ công. Mía giống ROC 16 tại rẫy giá 290-300 đồng/kg, cao hơn mía Hòa Lan Tím 40-50 đồng/kg. Nhưng đó là số ít. Căng thẳng nhất là từ giữa tháng 9 đến tháng 11 sẽ có tới 55.000 ha mía thu hoạch rộ sẽ thừa mía. Trong khi tại Hậu Giang, Công ty Casuco có 3 nhà máy đường. Trong đó 2 nhà máy Phụng Hiệp và Vị Thanh vừa nâng tổng công suất lên 6.000 tấn/ngày, khả năng tiêu thụ 400.000 tấn mía (trong đó 80% có hợp đồng tiêu thụ); thêm nhà máy Long Mỹ Phát công suất 1.500 tấn khả năng tiêu thụ thêm 132.000 tấn. Nhưng lượng mía vẫn thừa và cần các nhà máy đường trong khu vực cùng chia sẻ.

Đường cạnh tranh, mía giảm giá ?

Nông dân trồng mía tính ra chi phí giá thành khoảng 250 đồng/kg mía. Các nhà máy ở ĐBSCL dự liệu giá đường cát RS trong vụ bình quân 6.500 đồng/kg, từ đó đồng thuận đưa ra giá thu mua mía tại rẫy đầu vụ ở Phụng Hiệp 370 đồng /kg - mía 10 CCS (chữ đường), giảm 30đồng/kg so đầu vụ năm ngoái. Theo mức giá này làm chuẩn, các nhà máy có cự ly xa hoặc gần Phụng Hiệp sẽ cộng thêm chi phí vận chuyển. Với giá mía 370đồng/kg nông dân sẽ có lãi 48%. Tuy vậy, mía Phụng Hiệp chạy lũ chỉ đạt 8 CCS. Nếu qui về 10 CCS thì giá mua mía tại rẫy chỉ còn trên dưới 350 đồng/kg. Do đó, các nhà máy thống nhất mức hỗ trợ thêm 20 đồng/kg, nghĩa là vẫn 370 đồng/kg để tạo sự ổn định giá thu mua trong suốt mùa mía. Từ 15-9, các nhà máy đường trong khu vực sẽ đồng lọat vào vụ. Trong đó, 2 nhà máy Long Mỹ Phát và nhà máy đường Thới Bình (Cà Mau) khởi động từ 10-8.

Nhắc lại bài học cay đắng từ vụ mía năm ngoái, ông Nguyễn Văn Đồng, Giám đốc Sở NN&PTNT Hậu Giang, chua chát: “Năm ngoái, các nhà máy vào sản xuất vụ trễ và quên tính là năm nhuần. Do dự báo thiếu chính xác nên hậu quả làm nông dân trồng mía điêu đứng. Nông dân cứ đinh ninh các nhà máy sẽ thiếu nguyên liệu, nào ngờ về sau thừa mía. Mía tiêu thụ không kịp bị bung trổ cờ giảm chữ đường, mất giá, lỗ lã. Mùa mía năm nay, Hậu Giang có 15.586 ha, năng suất bình quân 86 tấn/ha, sản lượng khoảng 1,3 triệu tấn. Song rà soát lại có tới 2.106 ha mía đầu vụ có khả năng dư thừa tới 180.000 tấn. Như thế giá mía cần tính thế nào hợp lý để nông dân có lời và ổn định vùng nguyên liệu.”

Hiện nay, lượng đường tồn kho trong cả nước còn khoảng 140.000 tấn. Với mức tiêu thụ bình quân 110.000tấn/tháng thì đủ khả năng đáp ứng tới khi các nhà máy khởi đầu vào vụ mía mới. Ông Nguyễn Xuân Trinh, Tổng Giám đốc Cty CP đường Biên Hòa, Phó Chủ tịch Hiệp hội mía đường Việt Nam, nhận xét: Thị trường đường cát nhạy cảm. Nếu không tạo được sự cân bằng ổn định sẽ khó lòng cạnh tranh trong quá trình hội nhập. Dự báo thị trường đường thế giới thừa, giá không biến động mạnh, trong đó Thái Lan có sản lượng đường lớn lại cận kề với thị trường đường nước ta. Tại Miền Trung, chỉ cần giá đường tăng thêm 100-200đồng/kg thì lập tức đường Thái nhập lậu từ cửa khẩu Lao Bảo tràn sang. Do vậy, tại ĐBSCL các nhà máy cần thực hiện đúng cam kết.



Nguồn: kinhtenongthon
Báo cáo phân tích thị trường