Sau sự sụp đổ của thị trường chứng khoán năm 1929, hai giáo sư này kêu gọi các nhà đầu tư nên tập trung vào những thực tế rõ ràng như thu nhập trong quá khứ của một công ty và giá trị tài sản của công ty đó, thay vì cố gắng dự đoán xem điều gì sẽ xảy ra trong tương lai. Theo Graham và Dodd, một công ty với mức lợi nhuận cao và giá cổ phiếu rẻ tương đối cũng có thể bị đánh giá thấp.Cuốn sách giáo khoa kinh điển của hai giáo sư này xuất bản năm 1934 mang tựa đề “Phân tích chứng khoán” đã trở thành cuốn kinh thánh cho trường phái đầu tư mà ngày nay, người ta gọi là đầu tư giá trị. Warren Buffett, người hiện giờ là một trong những tỷ phú giàu nhất thế giới, đã tham gia vào khóa học của Graham tại Trường Kinh doanh Columbia vào thập niên 1950. Sau một thời gian ngắn làm việc trong công ty đầu tư của Graham, Buffet đã mở công ty riêng của ông để đạt được những thành công trong việc áp dụng lý thuyết vào thực tế.
Tuy nhiên, vì một lý do nào đó, một trong những ý tưởng lớn của họ về cách thức phân tích giá chứng khoán gần như đã bị lãng quên hoàn toàn. Ý tưởng đó nhấn mạnh việc các nhà đầu tư nên tập trung vào những xu hướng dài hạn và không nên bị cuốn vào những gì đang diễn ra trong thời gian ngắn.
Dĩ nhiên, trong những ngày đen tối của thị trường chứng khoán Mỹ vừa qua, các nhà phân tích phố Wall đều nói rằng, không có điều gì phải lo lắng, ít nhất không phải ở trên một thị trường chứng khoán rộng lớn hơn. Trong nỗ lực để làm các nhà đầu tư bình tĩnh, giới phân tích đã lập luận rằng, giá cổ phiếu lúc này không phải là đắt. Cơ sở cho lập luận này chính là thước đo tiêu chuẩn của thị trường: Chỉ số P/E (giá/thu nhập).
Có vẻ như đây chính là điều mà Graham và Dodd yêu thích. Theo cách hiểu thông thường, chỉ số P/E bằng với giá của cổ phiếu một công ty chia cho thu nhập tính trên mỗi cổ phiếu (EPS) trong vòng 12 tháng qua. Các bạn có thể bỏ qua việc tính toán và ghi nhớ đơn giản rằng, chỉ số PE cho bạn biết, mối tương quan giữa giá cổ phiếu và mức độ hiệu quả hoạt động của công ty đó. Chỉ số này càng cao, giá cổ phiếu càng đắt, và càng làm mạnh thêm lập luận rằng những gì diễn ra phía trước sẽ không mấy tốt đẹp.
Hiện nay, các cổ phiếu của chỉ số Standard & Poor’s 500 đã có mức P/E trung bình vào khoảng 16,8, mức bình thường so với tiêu chuẩn lịch sử. Từ Chiến tranh Thế giới II, chỉ số P/E trung bình trên thị trường chứng khoán Mỹ là 16,1. Trong những giai đoạn phát triển bong bóng của thị trường chứng khoán Mỹ vào thập niên 11920 và 1990, chỉ số P/E là 30.
Phần cốt lõi trong thông điệp trấn an các nhà đầu tư của Wall Street là thậm chí trong trường hợp tình trạng hiện nay của thị trường thế chấp Mỹ dẫn tới một cuộc khủng hoảng tín dụng toàn diện, sức tàn phá của cuộc khủng hoảng đó sẽ không kéo dài vì giá chứng khoán sẽ không có một biên độ rộng để giảm. Graham và Dodd tin tưởng nhiều vào chỉ số P/E, tuy nhiên, có lẽ, họ sẽ không đồng ý với cách mà các nhà đầu tư hiện nay sử dụng chỉ số này.
Bên cạnh việc khuyên các nhà đầu tư nên tập trung vào những gì đã xảy ra trong doanh nghiệp, hai chuyên gia này cũng khuyến cáo không nên tập trung qua nhiều vào những gì vừa mới diễn ra trong khoảng thời gian ngắn. Theo quan điểm của họ, những thông tin của một vài tháng, hoặc thậm chí là một năm có thể dẫn tới những hiểu lầm sâu sắc. Những thông tin như vậy sẽ chỉ có ý nghĩa nói về những gì đang diễn ra tại một thời điểm ngắn ngủi nào đó, hơn là những triển vọng dài hạn của một công ty.
Do vậy, Graham và Dodd lập luận rằng, chỉ số P/E nên so sánh giá cổ phiếu với lợi nhuận của thời gian “không ít hơn 5 năm, tốt nhất là 7 hoặc 10 năm.”
Lời khuyên này hầu như đã bị lãng quên trong lịch sử. Vì một lý do nào đó, việc thu thập các dữ liệu về thu nhập của công ty trong một thập kỷ có thể sẽ là một việc làm mất nhiều thời gian. Mặt khác, dường như hơi kỳ lạ khi lục tìm những thông tin đã quá lâu trong quá khứ, khi mà mục tiêu của các nhà đầu tư là đoán trước những gì sẽ xảy ra trong tương lai.
Tuy nhiên, có ít nhất một nhà kinh tế đã nhớ đến lời khuyên này. Trong vòng nhiều năm, Robert Shiller, một giáo sư của Đại học Yale, đã tính toán chỉ số P/E dài hạn. Và khi được mời để thuyết trình trước Alan Greenspan, cựu Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED), vào năm 1996, Shiller đã sử dụng chỉ số này để lập luận rằng các cổ phiếu trên thị trường chứng khoán Mỹ đã được định giá quá cao. Một vài ngày sau đó, Greenspan đã gây ra một đợt bán tháo cổ phiếu lớn trên phạm vi toàn cầu trong thời gian ngắn khi ông đặt câu hỏi liệu “sự tăng trưởng phi lý” đang ảnh hưởng tiêu cực tới các thị trường.
Ngày nay, phương pháp tiếp cận của Graham và Dodd tạo ra một bức tranh rất khác so với bức tranh mà các nhà phân tích phố Wall đưa ra. Nếu dựa trên lợi nhuận trung bình trong vòng 10 năm qua, chỉ số P/E trong thời gần đây dao động xung quanh con số 27. Con số này cao hơn mức P/E ở bất kỳ thời điểm nào trong vòng 130 năm qua, trừ những thời kỳ thị trường chứng khoán Mỹ phát triển bong bóng vào thập niên 1920 và 1990. Giá cổ phiếu đã tăng đột biến ở mức quá cao trong những năm 1990, nói cách khác, đến nỗi thị trường có thể vẫn chưa hoàn toàn trở lại trạng thái bình thường kể từ sau đợt tăng đó.
Chỉ số P/E được tính như vậy không có nghĩa là thị trường chứng khoán Mỹ tất yếu sẽ lâm vào khủng hoảng. Tuy nhiên, cách tính này đem đến cho các nhà đầu tư một hướng suy nghĩ tốt hơn khi đầu tư.
Trong một vài năm trở lại đây, lợi nhuận các công ty tăng mạnh. Các nền kinh tế trên thế giới đang lớn mạnh, các công nghệ mới đã giúp các công ty hoạt động hiệu quả hơn, và vì nhiều lý do, bao gồm toàn cầu hóa và tự động hóa, các công nhân không thể yêu cầu được trả lương cao hơn. Thống kê của Bộ Thương mại Mỹ cho thấy, chỉ trong vòng 3 năm từ 2003 đến 2006, lợi nhuận có tính tới yếu tố lạm phát của các công ty Mỹ đã tăng hơn 30%. Sự bùng nổ này đã cho phép chỉ số P/E chuẩn trên thị trường chứng khoán Mỹ duy trì ở mức khá thấp.
Trong tương lai, có hai khả năng xảy ra đối với thị trường chứng khoán Mỹ.
Khả năng thứ nhất là lợi nhuận công ty tiếp tục tăng mạnh. Trong trường hợp này, chỉ số P/E theo cách tính của Graham và Dodd sẽ không có ý nghĩa quan trọng. Chỉ số P/E đó sẽ chỉ chứng minh cho một thực tế đã không còn tồn tại thêm nữa, và giá cổ phiếu trên thị trường chứng khoán Mỹ sẽ diễn biến với chiều hướng rất tích cực trong vài năm tới.
Khả năng thứ hai là sự bùng nổ lợi nhuận doanh nghiệp sẽ nhanh chóng kết thúc. Có lẽ sự tăng trưởng về năng suất trong thời gian gần đây sẽ mất dần đi, như một số thống kê cho thấy đã xảy ra tình trạng này. Hoặc, những nền kinh tế lớn trên thế giới suy giảm trong một vài năm tới. Trong trường hợp một trong những tình huống như vậy xảy ra, giá cổ phiếu có thể sẽ đột nhiên bị coi là rất cao.
Trong dài hạn, thị trường chứng khoán Mỹ gần như chắc chắn vẫn là một nơi tốt để đầu tư. Tuy nhiên, việc đầu tư trong vòng vài năm tới có vẻ như được đặt trên một nền móng thiếu vững chắc hơn so với những lời khuyến nghị êm tai từ các chuyên gia phố Wall.
Các nhà đầu tư chứng khoán Mỹ hiện nay đang có xu hướng trông mong vào ý tưởng rằng cho nền kinh tế đã đi vào một kỷ nguyên mới của sự tăng trưởng lợi nhuận nhanh chóng. Thông thường thì, việc đầu tư phụ thuộc vào cụm từ “kỷ nguyên mới” thường không mấy khi diễn ra tốt đẹp. Và đây lại là một rủi ro nữa trên thị trường chứng khoán Mỹ.