Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Lời khuyên tốt cho người vừa làm thuê, vừa làm chủ
12 | 09 | 2007
Rất nhiều người đang có một công việc ổn định, bỗng muốn rẽ ngang để lập sự nghiệp riêng. Họ băn khoăn không biết có nên nghỉ việc hẳn để lo cho dự án mới hay cứ làm kiểu “chân trong chân ngoài”. Bài viết này sẽ chia sẻ với bạn một số ý kiến của chính những người trong cuộc.

Hãy dựa trên bản chất công cuộc kinh doanh của bạn

Nếu bạn thấy thị trường đang có nhu cầu gay gắt, không có đối thủ cạnh tranh mạnh, thì không có lý do gì bạn không đầu tư tối đa thời gian, sức lực vào công cuộc kinh doanh đó.

Ngược lại, nếu bản chất của công cuộc kinh doanh đó không cần toàn thời gian của bạn, thì khởi đầu bằng cách bán thời gian sẽ hợp lý hơn.

“Tôi vẫn ban ngày đi làm kế toán, ban đêm về coi chừng bán hàng trên mạng. Chỉ có 2 người, công ty chúng tôi chuyên cung cấp các thiết bị điện tử qua mạng, kể cả hàng mới và cũ, nhưng tất cả đều được kiểm tra chất lượng trước khi giao. Hàng tháng, thu nhập của chúng tôi khoảng 7.000 USD” - Trịnh Dương, Giám đốc Công ty Power Dictionary.

Cẩn thận, chớ bắt cá 2 tay!

Đừng dại đột cạnh tranh với chính công ty mà bạn đang làm việc. Bạn sẽ mất uy tín, danh dự, quan hệ, và thậm chí bị kiện cáo ra pháp luật vì vi phạm điều khoản cạnh tranh trong hợp đồng lao động.

Hãy tìm một “kẽ hở” trong thị trường mà công ty của bạn đang làm việc bỏ qua. Cơ may hợp tác lẫn nhau và thành công là rất lớn.

Khả năng tài chính

Hãy để riêng một khoản tiền đủ để nuôi sống bản thân và gia đình trong 6 tháng hay một năm trước khi khởi nghiệp. Số tiền này tất nhiên thay đổi tùy theo hoàn cảnh mỗi người và tùy theo bản chất dự án kinh doanh của bạn.

Hãy xem lại các yếu tố sau đây:

- Số tiền bạn đã tiết kiệm được

- Số tiền bạn có thể mượn của gia đình, bạn bè

- Số tiền mà dự án của bạn có thể “bắt đầu” tạo ra được từ các khách hàng.

Kinh nghiệm của tôi là, hãy đợi đến lúc số tiền từ thu nhập bán thời gian của bạn đạt tối thiểu khoảng 30% so với mức thu nhập hiện nay mới tính đến chuyện nghỉ việc để tập trung toàn thời gian cho nó.

Yếu tố không thể bỏ qua: Gia đình!

Liệu bạn có chấp nhận có sự nghiệp với cái giá đánh mất cả gia đình? Nếu câu trả lời là có, bạn là một trong những người hiếm hoi mà tôi từng gặp.

“Từ ngày chồng tôi làm ăn riêng, cuộc sống thực sự thay đổi quá sức tưởng tượng: anh ấy không về nhà sớm, thường xuyên vắng mặt cả ngày chủ nhật, đi làm sớm,... Tôi đi sanh chỉ có một mình, vì anh ấy bận ở công ty” - Nguyễn Thị Y Lan, kỹ sư xây dựng.

“Không phải bất cứ cuộc kinh doanh nào cũng làm gia đình xung đột. Hai vợ chồng tôi đồng tâm hợp lực. Không có “bả”, tôi thật sự khó có thể có được cơ đồ như ngày nay” - Trần Quý Thanh, Tổng Giám đốc Công ty Tân Hiệp Phát.

“Làm việc toàn thời gian sẽ biến chuyến phiêu lưu của bạn trở thành một công việc nặng nề. Nhưng nếu thực sự đam mê, yêu thích công việc đang làm, bạn sẽ thấy đó là một chuyến phiêu lưu đầy thú vị!” - Arnold Sanow, diễn giả thế giới.

Yếu tố cuối cùng: Cá nhân bạn!

Hãy thử tưởng tượng cảnh bạn phải thức dậy nửa đêm, vò đầu bứt tóc suy nghĩ về công việc. Sáng hôm sau lại phải dậy sớm để làm một nhân viên gương mẫu. Liệu bạn có đủ nghị lực, ý chí để khởi sự công cuộc kinh doanh đó, nếu nó cứ kéo dài như thế hàng tháng, thậm chí hàng năm?

Một giải pháp khả thi là hãy đến đặt hàng những công ty dịch vụ “ấp trứng”, các công ty này cung cấp cho bạn nhân sự, chỗ ngồi, văn phòng,… kể cả các dịch vụ luật, marketing, kế toán.

Cân bằng cuộc sống là một điều tối quan trọng khi khởi nghiệp

- Hãy bàn bạc cùng gia đình càng sớm càng tốt.

- Hãy sẵn sàng bỏ bớt những thời gian rảnh rỗi trước đây.

- Hãy tập trung vào công việc trước mắt: đừng lãng phí thời gian.

- Hãy sử dụng độ chênh lệch thời gian giữa 2 nước: ban ngày đi làm, ban đêm chơi chứng khoán tại Mỹ chẳng hạn.

- Đừng bước qua ranh giới cho phép: sử dụng thời gian của công ty đang làm việc vào chuyện kinh doanh cá nhân là một điều cấm kỵ!

- Hãy chân thành. Có thể, bạn cũng nên trao đổi thẳng thắn với sếp bạn về việc bạn đang làm. Nếu nó không ảnh hưởng đến công việc của công ty, ông ta sẽ chẳng quan tâm, thậm chí ông ấy có thể giúp bạn.

- Hãy hỏi các chuyên gia tư vấn có kinh nghiệm. Họ sẽ giúp bạn không phải trả giá với chi phí không đáng kể so với tổn thất mà bạn sẽ gặp phải vì thiếu kinh nghiệm. Nhớ chọn đúng chuyên gia!



Theo Khuyến Học
Báo cáo phân tích thị trường