Có ý kiến cho rằng khả năng tiếp cận thị trường kém là do doanh nghiệp không có một thương hiệu mạnh và sức cạnh tranh. Hiện Việt Nam đang diễn ra tình trạng nhiều sản phẩm của các công ty có chất lượng tốt, giá rẻ nhưng lại khó cạnh tranh với sản phẩm cùng loại trên thị trường cả nước ngoài lẫn nội địa, ý kiến của bà như thế nào?
Quả thực đúng như vậy. Trong tiến trình hội nhập quốc tế, các doanh nghiệp muốn tồn tại và cạnh tranh trên thương trường thì phải nhanh chóng xây dựng cho sản phẩm doanh nghiệp của mình một thương hiệu mạnh. Thương hiệu đóng vai trò đặc biệt quan trọng trong việc đẩy mạnh phát triển doanh nghiệp và xúc tiến thương mại, tạo cơ hội cho doanh nghiệp thâm nhập và chiếm lĩnh mở rộng thị trường.
Thương hiệu giúp bán giá cao hơn so với các sản phẩm cùng loại chưa có thương hiệu và tạo được lòng tin đối với khách hàng. Trong khi các doanh nghiệp trong nước mới bắt đầu xây dựng thương hiệu, lại còn bị hạn chế chi phí xây dựng thương hiệu, thì các doanh nghiệp nước ngoài đã có nó từ lâu và chỉ việc mang vào Việt Nam mà không phải bỏ ra một đồng chi phí nào. Có thể nói, thương hiệu là tài sản vô hình nhưng cũng là tài sản vô giá của doanh nghiệp.
Để trở thành nổi bật, đương nhiên trong lĩnh vực nào cũng là điều rất khó, càng khó hơn khi đó là lĩnh vực kinh doanh với vô vàn sự cạnh tranh. Bà có thể tiết lộ một vài bí quyết cho doanh nghiệp vừa và nhỏ của Việt Nam?
Không trở thành nổi bật là do doanh nghiệp chưa có chiến lược kinh doanh một cách rõ ràng để tận dụng “ưu thế linh hoạt” của mình. Các doanh nghiệp vừa và nhỏ phải tấn công mạnh vào các thị trường ngách, vào việc phát triển những sản phẩm độc đáo để đáp ứng nhu cầu đa dạng của xã hội. Hay nói cách khác, xây dựng và bảo vệ thương hiệu của mình, kinh phí dành cho việc xây dựng và quảng bá thương hiệu, nhãn mác chưa được đầu tư đúng mức...
Trong khi đó, một số sản phẩm được coi là có chỗ đứng lại gặp nhiều khó khăn trong việc duy trì bảo vệ thương hiệu. Ngoài ra, cũng cần phải quan tâm và hiểu biết sâu sắc về môi trường, khả năng xây dựng chiến lược marketing thực thi và khả năng ra quyết định về các chiến lược sản phẩm, giá cả, kênh phân phối, đội ngũ bán hàng... Đặc biệt phải biết tận dụng những cơ hội mà nền kinh tế số mang lại mang tính cạnh tranh trên cơ sở sự thay đổi nhu cầu của thị trường và người tiêu dùng.
Các doanh nghiệp vừa và nhỏ nên tham gia vào phát triển thương mại điện tử, để có thể giúp họ thu thập thông tin, giảm chi phí, tăng chất lượng phục vụ khách hàng, tăng doanh thu, tạo nên lợi thế cạnh tranh cho doanh nghiệp.