Xin ông nói rõ thêm về bốn điểm nhấn quan trọng mà cộng đồng doanh nghiệp đánh giá cao về Chính phủ trong năm 2006 và những tháng đầu năm 2007?
Trước hết, đó là hình ảnh một Chính phủ năng động đang góp phần tạo dựng thành công hình ảnh đất nước Việt Nam vững bước đi lên. Những chỉ đạo, điều hành các chính sách nói chung và chính sách về kinh tế gần đây một cách cụ thể, quyết liệt của Thủ tướng và Chính phủ được đánh giá là phù hợp với mong muốn, nhu cầu của người dân và doanh nghiệp, góp phần thúc đẩy cả bộ máy chính quyền vận hành tốt hơn.
Thứ hai, đó là hình ảnh Chính phủ “vì dân”. Các vị bộ trưởng xuất hiện thường xuyên hơn trước các phương tiện thông tin đại chúng, đối thoại trực tiếp với người dân và doanh nghiệp về các vấn đề chính sách. Thủ tướng Chính phủ cũng đã lần đầu tiên đối thoại trực tiếp với dân qua Internet...
Thứ ba, hình ảnh Chính phủ nỗ lực cải cách cơ chế và thủ tục hành chính và cam kết chống tham nhũng. Theo đó, cộng đồng doanh nghiệp đã được chứng kiến những chỉ đạo, điều hành hết sức quyết liệt của Thủ tướng nhằm thúc đẩy cải cách thủ tục hành chính và lề lối làm việc của bộ máy công chức.
Thứ tư, Chính phủ Trung ương đã bước đầu thành công trong việc đẩy mạnh phân cấp, phát huy được tốt hơn vai trò và trách nhiệm của bộ máy chính quyền địa phương, như việc ủy quyền và phân cấp phần lớn thẩm quyền về cấp phép và quản lý hoạt động đầu tư cho các địa phương. Từ đó các tỉnh đã có sự cạnh tranh lẫn nhau để cải thiện chất lượng điều hành kinh tế, có động lực để cải cách thủ tục hành chính mạnh mẽ hơn, tạo được hình ảnh thân thiện hấp dẫn về môi trường đầu tư của địa phương đối với các nhà đầu tư.
Nhưng thưa ông, môi trường kinh doanh hiện nay vẫn còn một số hạn chế mà cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam tin rằng giải quyết được những hạn chế này sẽ tạo ra được sức bật lớn hơn nữa cho nền kinh tế?
Theo đánh giá của cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam thì thủ tục hành chính hiện nay vẫn được xem là khá phiền hà, còn cản trở đối với các hoạt động đầu tư và kinh doanh của doanh nghiệp, làm tăng chi phí kinh doanh... điển hình là các thủ tục liên quan đến gia nhập thị trường, đất đai và giấy phép con.
Qua điều tra 6.700 doanh nghiệp dân doanh của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) năm 2007 cho thấy, thời gian bình quân để các doanh nghiệp đăng ký kinh doanh là 22,7 ngày.
Hơn 25% số doanh nghiệp thành lập từ năm 2006 đến nay mất hơn 30 ngày để nhận được tất cả các giấy tờ cần thiết.