Chỉ số giá hạt tiêu đen của Cộng đồng hạt tiêu thế giới IPC đã tăng mạnh, 11,2 điểm trong tháng 7, 19.,2 điểm trong tháng 8 và tới 30,5 điểm trong tháng 9/06. Chỉ số giá hạt tiêu trắng cũng tăng tương ứng 10,7; 21,3 và 16,7 điểm. Sau ki bức tranh về cung trở nên rõ ràng hơn, thị trường tiêu đen thường xuyên biến động. Sản lượng ở hầu hết các nước sản xuất dự kiến đều giảm thấp. Năm 2006, tổng sản lượng tiêu đen ước giảm 17% xuống còn 220.000 tấn so với 265.000 tấn của năm ngoái.
Mặc dù xuất khẩu của Ấn Độ tại cảng Kochi trong 8 tháng đầu năm tăng 23% nhưng sản lượng thu hoạch lại giảm 29%. Việt Nam hiện cũng đã bán gần hết lượng hạt tiêu dự trữ và vụ mùa năm nay cũng thấp hơn năm ngoái. Vụ thu hoạch hạt tiêu của Indonesia trong tháng 8/06 đã bù đắp phần nào sự thiếu hụt cung từ các nước khác nhưng sản lượng thu hoạch được chỉ bằng 75% vụ trước.
Thị trường đang tập trung theo dõi vụ thu hoạch của Braxin với dự kiến là cũng thấp hơn năm ngoái. Tình hình trên cho thấy lượng tồn kho hạt tiêu chắc chắn sẽ hạn chế và giá sẽ tăng vững cho tới cuối năm nay.
Thị trường Ấn Độ
Trong 3 tháng qua, thị trường hạt tiêu đen Ấn Độ khá sôi động. Trao đổi buôn bán tại các sàn giao dịch hàng hoá tăng lên đáng kể. Tại Kochi, giá hạt tiêu loại chưa chọn giao ngay tăng từ 65,33 rupi/kg tháng 6/06 lên 78,9 rupi/kg trong tháng 7/06. Giá tăng cao hơn lên 97,78 rupi/tạ tháng 8/06 và tới tháng 9/06 là 120,44 rupi/kg, gần gấp đôi so với tháng 6/06. Tuy nhiên, trong tuần cuối cùng của tháng 9, định hướng biến động giá có sự thay đổi vì khách mua tỏ ra thận trọng trong kinh doanh để theo dõi diễn biến vụ mùa tại Braxin.
8 tháng đầu năm, Ấn Độ xuất khẩu được 13.710 tấn hạt tiêu, tăng cao so với 11.130 tấn cùng kỳ năm ngoái. Với dự kiến sản lượng thu hoạch thấp trong khi lượng xuất khẩu tăng caot rong năm nay, chắc chắn lượng dự trữ của nước này sẽ thâm hụt.
Thị trường thế giới
Theo báo cáo, Việt Nam xuất khẩu được hơn 100.000 tấn hạt tiêu trong 9 tháng đầu năm nay. Các nguồn tin chính thức cho biết lượng xuất khẩu từ tháng 1-7/06 là 79.000 tấn (chưa tính lượng kinh doanh biên mậu với Trung Quốc), trong đó 80% là hạt tiêu đen. Năm 2006, sản lượng hạt tiêu của Việt Nam chỉ đạt khoảng 92.000 tấn (tiêu đen là 77.000 tấn và tiêu trắng là 15.000 tấn). Trước tình hình sản xuất trên cộng với lượng tồn kho từ năm 2005 chuyển sang thấp, Việt Nam sẽ phải đối mặt với tình trạng eo hẹp cung cho tới khi vụ thu hoạch mới bắt đầu vào tháng 2 năm sau.
Tại Sarawak, Malaysia sản lượng giảm thấp trong khi thu nhập từ cao su tăng lên đáng kể đã tạo điều kiện cho nông dân giữ hàng. Họ không quan tâm tới việc bán hạt tiêu ra để chờ giá tăng cao. Vì thế, giao dịch trên thị trường có phần trầm lắng, giá tăng vững. Trong suốt tháng 7, bình quân giá hạt tiêu trong nước tại Kuching là 6,07 MR/kg, tăng cao so với 4,95 MR/kg của tháng 6/06. Giá tiếp tục tăng trong tháng 8 và tháng 9/06 lên 6,75 và 8,05 MR/kg. Giá xuất khẩu (giá FOB) cũng tăng tương ứng từ 1.815 USD/tấn tháng 6/06 lên 2.174 USD/tấn tháng 7/06, 2.406 USD/tấn tháng 8/06 và 2.922 USD/tấn tháng 9/06.
Vụ thu hoạch hạt tiêu tại Lampung, Indonesia đã hoàn tất và sản lượng dự kiến chỉ bằng 75% so với vụ trước. Nhu cầu tăng cao trong thời gian diễn ra vụ thu hoạch đã nhanh chóng "hấp thụ" hết ngay từ cổng trại. Nông dân đã không nhận được nhiều từ xu thế tăng giá hiện nay khi mà lượng hàng không còn nhiều. Trong tháng 9/06, bình quân giá hạt tiêu tại cổng trại là 23.500 IDR/kg, tăng cao so với 17.500 IDR/kg tháng 8/06 và 11.650 IDR/kg tháng 7/06.
Braxin đang trong thời kỳ thu hoạch vụ mùa 2006. Do lượng cung hạn chế từ các nước khác nên vụ mùa của nước này thu hút sự quan tâm của khách mua không chỉ vì sự sẵn có mà một phần vì giá cả. Giá chào bán của Braxin thấp hơn so với các nước khác. Theo IPC, tình hình hiện nay chỉ là tạm thời do sản lượng thấp hơn năm trước. Từ tháng 1-8/06, Braxin xuất khẩu được 17.836 tấn, tăng 13% so với 15.797 tấn cùng kỳ năm ngoái. Điều này cũng cho thấy, lượng dự trữ từ vụ cũ chuyển sang đã được bán gần hết.
(Nguon tin: Blonnet)