Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Tập đoàn kinh tế - sự lớn mạnh của doanh nghiệp
10 | 10 | 2007
Gia nhập WTO, vấn đề cốt lõi là làm thế nào để nâng cao năng lực cạnh tranh và tiềm năng phát triển của doanh nghiệp. Sự ra đời của các tập đoàn kinh tế chính là khẳng định cho sự lớn mạnh của nhiều công ty và cộng đồng doanh nghiệp. Tuy nhiên, đây là vấn đề mới và không đơn giản.
 Hiện có 8 tổng công ty nhà nước đã được phê duyệt đề án thí điểm công ty mẹ, công ty con như bưu chính viễn thông, than - khoáng sản, dầu khí, điện lực, công nghiệp tàu thủy, dệt - may, cao su, tài chính - bảo hiểm. Đó cũng có thể coi là các mô hình tập đoàn kinh tế nhà nước đang có ở nước ta. Ngoài ra, cũng có nhiều doanh nghiệp hay nhóm doanh nghiệp mạnh, liên kết các thế mạnh để hoạt động dưới một bộ máy điều hành chung, một thương hiệu chung tạo ra sự phát triển vượt bậc theo mô hình của các tập đoàn kinh tế tư nhân. Chúng ta vẫn thường biết đến như FPT, Hòa Phát, Hoàng Anh Gia Lai, Đồng Tâm, Kinh Đô, Trung Nguyên...

Như thế nào là một tập đoàn kinh tế Việt Nam? Việc định ra tiêu chí, những vấn đề về tổ chức, phát triển và điều hành về tổ chức kinh tế này đang được nhiều người, đặc biệt là các doanh nghiệp rất quan tâm. Nhiều hội nghị, hội thảo đã diễn ra, đặc biệt là gần đây Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế TW, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam đã tổ chức hội thảo bàn về vấn đề này. Việc thống nhất định nghĩa về tập đoàn kinh tế là cần thiết. Tuy nhiên đây là vấn đề không đơn giản đang còn nhiều ý kiến khác nhau.

Từ kinh nghiệm phát triển của các nước công nghiệp cho thấy, quá trình tích tụ tư bản của mỗi tổ chức kinh tế kéo dài đến khi đủ lớn thì bản thân nội tại của nó có đủ tiềm năng sẽ trở thành tập đoàn dưới sự thừa nhận của thị trường chứ không phải là một sự sắp xếp chủ quan nào khác. Tại Việt Nam hiện nay ngoài một số tập đoàn kinh tế nhà nước đã được Chính phủ quyết định, còn có một số doanh nghiệp cổ phần, tư nhân cũng lấy tên là tập đoàn. Việc đề ra tiêu chí để thành lập tập đoàn cũng đã có nhiều ý kiến khác nhau, nhưng với các thành phần kinh tế khác không có quy định nào về vấn đề này nên họ cũng tự gọi là tập đoàn, tổng công ty hay công ty cũng chẳng có ai ngăn cấm, quan trọng là thị trường nhìn nhận, đánh giá họ thế nào?

Vì thế nên chăng, đã đến lúc cần có quy định về tiêu chí cho tập đoàn kinh tế nói chung và nhất là nên sớm có một Nghị định về việc thành lập tập đoàn kinh tế tư nhân như một sự thừa nhận chính thức về pháp lý xây dựng những tiêu chí để hình thành tập đoàn với những điều kiện cần và đủ. Trong đó, có việc ban hành các quy định về trình tự, thủ tục đối với việc đăng ký hình thành tập đoàn theo nguyên tắc thống nhất, minh bạch. Nhà nước nên sớm có những nghiên cứu cụ thể, tìm hiểu các mô hình tập đoàn kinh tế tư nhân của các nước phát triển hơn, từ đó có những hoạch định chiến lược về việc đưa ra tiêu chí cho việc thành lập tập đoàn kinh tế tư nhân phù hợp ở Việt Nam. Về mặt pháp lý, việc hình thành và phát triển các tập đoàn kinh tế tư nhân trong nước cần hoàn thiện hệ thống pháp luật, cải cách hành chính về cạnh tranh, đầu tư, thương mại, chuyển giao công nghệ, thuế, tài chính, ngân hàng, sáp nhập và mua lại theo hướng thống nhất, nhằm khuyến khích mô hình tập đoàn kinh tế phát triển.



Theo cpv.org.vn

Báo cáo phân tích thị trường