Tham dự Hội thảo lần này có đại diện lãnh đạo các Bộ, ngành của Việt Nam như: Văn phòng Chính phủ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Công thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Phía nước ngoài với sự tham gia của Đại sứ các nước EU tại Việt Nam, Phái đoàn EC tại Hà Nội, đại diện Uỷ ban Châu Âu phụ trách về PCA, đại diện hai nước Đông Nam Á đã ký PCA với EU là In-đô-nê-xi-a và Xin-ga-po. Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Gia Khiêm phát biểu khai mạc tại Hội thảo.
Phát biểu khai mạc Hội thảo, Phó Thủ tướng Phạm Gia Khiêm khẳng định, Việt Nam sau 20 đổi mới đã và đang đạt được những thành tựu phát triển to lớn, có ý nghĩa lịch sử, trở thành một điểm sáng về phát triển kinh tế, thu hút đầu tư tại Châu Á. Việt Nam ngày càng hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế khu vực và thế giới, có vai trò và tiếng nói quan trọng tại nhiều tổ chức, diễn đàn lớn của quốc tế. Vì thế, những vấn đề bàn trong Hội thảo chính là lý do để cả Việt Nam và EU nhận thấy sự cần thiết phải có một thỏa thuận mới thay thế Hiệp định khung đã ký giữa hai bên năm 1995, tạo cơ sở pháp lý cho phát triển quan hệ toàn diện và lâu dài giữa Việt Nam và Eu trên cơ sở bình đẳng, cùng có lợi.
Theo Phó Thủ tướng Phạm Gia Khiêm, Hội thảo là dịp để các Bộ, ngành, các cơ quan nghiên cứu, cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam và đại diện phía EU cùng nhau đánh giá những kết quả hợp tác đã đạt được, chỉ ra những hạn chế và bài học kinh nghiệm để từ đó đề xuất phương hướng và biện pháp phát triển quan hệ cụ thể với EU trên tất cả các lĩnh vực, đồng thời cũng làm cơ sở cho việc Việt Nam và EU tiến hành đàm phán và ký kết Hiệp định Đối tác và hợp tác.
Hiệp định Hợp tác và Đối tác mới (PCA) giữa EU và Việt Nam thay cho Hiệp định khung về hợp tác ký năm 1995 đã hết hạn. Hiệp định CPA là một bước phát triển quan trọng và là khuôn khổ cho toàn bộ quan hệ hợp tác giữa Việt Nam và EU trong thời gian tới. Hiệp định sẽ mở rộng hơn nhiều so với Hiệp định khung năm 1995, bao gồm nhiều lĩnh vực mới như nhập cư, chống tội phạm, chống khủng bố, ngăn ngừa vũ khí giết người hàng loạt...
Cuộc hội thảo lần này có mục đích làm rõ nội dung của PCA, chính sách của EU với Việt Nam và lợi ích của Việt Nam trong các lĩnh vực hợp tác với EU, là bước chuẩn bị thiết thực cho cuộc đàm phán giữa Việt Nam và EU về Hiệp định này.
Trong cuộc Hội thảo lần này, Việt Nam mong muốn PCA sẽ bao gồm đầy đủ các lĩnh vực hợp tác đã được nêu trong Đề án tổng thể quan hệ Việt Nam-EU đựơc Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tháng 6/2005, đồng thời nhấn mạnh việc thúc đẩy quan hệ kinh tế, thương mại, đầu tư hợp tác phát triển; tăng cường hợp tác giáo dục, văn hoá, du lịch, khoa học, công nghệ. Việt Nam mong muốn cùng EU xây dựng ''Quan hệ đối tác toàn diện và bền vững vì hoà bình, hợp tác và phát triển phồn vinh trong các thập kỷ tới trên tinh thần ổn định lâu dài và tin cậy lẫn nhau phát triển quan hệ kinh tế làm trọng tâm''
Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Italia Massimo D’Alema trong bài diễn văn của mình cũng khẳng định, Quan hệ Việt Nam – EU đang phát triển rất tích cực, thể hiện ở sự đa dạng hoá nhanh chóng các hợp tác song phương: Thương mại hai chiều gia tăng nhanh chóng với mức tăng trưởng trung bình liên tục ở mức 18%, đối thoại chính trị được mở rộng ra nhiều lĩnh vực, trong đó có nhân quyền, di cư và các thách thức toàn cầu. Việt Nam đã trở thành một nhân tố năng động trên trường khu vực và quốc tế. Phó Thủ tướng Massimo D’Alema nhấn mạnh: Chúng tôi cam kết phát triển và mở rộng hợp tác EU - Việt Nam: Việt Nam là một nhân tố mới nổi lên ở khu vực Đông Nam Á đồng thời cũng là một trong những đối tác quan trọng nhất của chúng tôi trong khu vực. Việc hình thành Khu vực mậu dịch tự do giữa EU và khối ASEAN cũng sẽ đem lại lợi ích cho quan hệ Việt Nam – EU...Do vậy, đã đến lúc chúng ta cần nâng cấp đối thoại tương xứng với vị thế mới của Việt Nam, và để đáp lại mong muốn của cả hai bên.
Phó Thủ tướng Massimo D’Alema tin tưởng, Dự thảo tham vọng do EU đề xuất sẽ giúp tăng cường tiến trình nhất thể hoá khu vực Đông Nam Á và đẩy mạnh các hoạt động thương mại; tin tưởng vào vai trò tích cực của Chính phủ Việt Nam với tư cách là nhà điều phối sẽ điều phối cho khối ASEAN trong các cuộc thương thảo về Hiệp định mậu dịch tự do.
Trên tinh thần đó, Phó Thủ tướng Phạm Gia Khiêm, Phó Thủ tướng Massimo D’Alema và các Đại sứ đều nhất trí đưa quan hệ Việt Nam - EU trở thành “Quan hệ đối tác toàn diện và bền vững, vì hòa bình, hợp tác và phát triển phồn vinh trong các thập kỷ tới của Thế kỷ 21”.