Thưa Thứ trưởng, gia nhập WTO, nông nghiệp Việt Nam đan xen nhau cơ hội và thách thức, thế mạnh và yếu kém. Ông nhìn nhận vấn đề này như thế nào?
Khó khăn lớn nhất và cơ bản nhất của nông nghiệp nước ta là sản xuất phân tán, qui mô nhỏ (bình quân mỗi hộ chỉ có 0,6-0,7 ha đất canh tác, lại chia thành nhiều mảnh khác nhau, khiến cho khó tích tụ ruộng đất để sản xuất tập trung. Vấn đề lao động và việc làm cho lao động nông thôn là bức xúc, rất khó tháo gỡ.
Trong khi đó, có đến 70% dân số sống dựa vào nông nghiệp, hàng năm đóng góp 20% GDP toàn quốc, nhưng đầu tư cho nông nghiệp chỉ khoảng 10% tổng vốn đầu tư của Nhà nước và 80% số đó lại tập trung vào thuỷ lợi; trong khi ở các nước, nông nghiệp chỉ chiếm 5-6% nhưng vẫn được đầu tư từ ngân sách gấp nhiều lần so với ta.
Vì thế, kết cấu hạ tầng nông thôn rất yếu kém, tổ chức liên kết nông dân yếu kém, dịch vụ chậm phát triển, doanh nghiệp nhà nước vô cùng kém hiệu quả, khó có thể làm vai trò bà đỡ cho kinh tế hộ; thu nhập của nông dân thấp nhất xã hội...
Chuyển đổi cơ cấu nông nghiệp, chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn vừa chậm vừa không đồng đều, nên đến năm vẫn có tới 77% số hộ nông nghiệp thuần tuý, chỉ giảm được 1,6% so với 10 năm trước đó! Chưa có bước đột phá về công nghệ, vì vậy nhiều loại nông sản yếu sức cạnh tranh; vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm mới tập trung một số vào chè và rau và cũng chỉ ở mức mô hình. Nhiều vùng nông thôn thiếu nước sinh hoạt trầm trọng, đường sá còn nhiều khó khăn.
Đi sau, nên nông nghiệp của ta chịu nhiều rủi ro, không được hưởng lợi từ các ưu đãi mậu dịch như các thành viên đã vào WTO từ trước, cho nên ta phải nỗ lực rất lớn để hội nhập với từng định chế kinh tế, tài chính, thương mại quốc tế.
Như vậy, phải chăng không có con đường nào khác là đẩy mạnh hiện đại hoá nông nghiệp? Cụm từ này được nói rất nhiều, nhưng xem ra còn có phần trừu tượng. Ông có nghĩ thế không?
Đúng là phải hiện đại hoá nông nghiệp, nhưng cần có định hướng phát triển, nhất là phải có bước đi cụ thể và hiệu quả. Trước tiên, hiện đại hoá nông nghiệp theo hướng tập trung vào thâm canh tăng năng suất, tăng sản lượng; nâng cao chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh và vệ sinh an toàn thực phẩm.
Cần tiếp tục đầu tư thuỷ lợi, giải quyết tốt khâu giống, bố trí mùa vụ tránh sâu bệnh và thời tiết khắc nghiệt, nhằm ổn định 7,2 triệu ha lúa chắc ăn, đến năm 2010 đạt khoảng 38 triệu tấn; tăng diện tích ngô đông, giảm diện tích ngô hè thu trên đất có độ dốc cao.