Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Cần một chiến lược nâng giá trị cà phê Việt Nam
16 | 10 | 2007
Nếu vào năm 1975 diện tích cà phê cả nước chỉ mới có 20.000 ha thì đến năm 2006, con số đó đã lên đến trên 500.000 ha. VN trở thành nước xuất khẩu cà phê lớn thứ hai thế giới sau Brazil; niên vụ 2005-2006 đã xuất khẩu trên 900.000 tấn cà phê, thu về hơn 1,2 tỉ USD. Tuy nhiên, kết quả đó có thể còn cao hơn nữa nếu tiềm năng của cây cà phê VN được khai thác tương xứng.

Theo thống kê sơ bộ trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk, trong mùa mưa 2007, người dân đã tự phát trồng mới gần 1.000 ha cà phê. Nhiều vùng chuyên canh cà phê của các tỉnh khác cũng tăng diện tích. Điệp khúc giá lên, “người người, nhà nhà” ào ạt trồng cà phê được lặp lại. Điều này dấy lên nỗi lo khi nguồn cung tăng sẽ kéo theo khủng hoảng thừa và giá cà phê tuột dốc như đã từng xảy ra cách đây không lâu. Trong gần 15 năm qua, ngành cà phê VN chịu nhiều biến động thăng trầm bởi ảnh hưởng của thị trường thế giới. Người trồng cà phê trong nước đã chứng kiến giá cà phê nhân từng lên đỉnh điểm 42.000 đồng/kg, và thời điểm thảm hại nhất chỉ còn 4.500 đồng/kg.

VN hiện có khối lượng xuất khẩu cà phê lớn thứ hai trên thế giới (sau Brazil) nhưng kim ngạch xuất khẩu chỉ đứng hàng thứ năm. Đây là điều không ổn liên quan đến những bất cập của ngành cà phê. Trong một hội thảo về phát triển cà phê bền vững, ông Đoàn Triệu Nhạn, Phó chủ tịch Hiệp hội Cà phê - Ca cao VN (Vicofa), cho rằng: ngành cà phê VN cần có chiến lược hành động chung để giải quyết một loạt những điểm yếu mà các chuyên gia Ngân hàng Thế giới (WB) đã chỉ ra sau một cuộc khảo sát. Đó là quan tâm nâng cao chất lượng cà phê và đầu tư vào khu vực sản xuất, chế biến cà phê giá trị gia tăng. WB đã khuyến cáo VN cần chú ý sáng tạo ra các loại cà phê hỗn hợp với cà phê arabica, có giá thành hạ và theo yêu cầu của khách hàng. Nếu chỉ sản xuất và đưa ra thị trường sản phẩm thô, không có nhiều giá trị gia tăng thì sẽ không có khả năng cạnh tranh trong nền kinh tế thị trường.

Theo ông Nhạn, sản xuất cà phê chất lượng cao cũng là một "yêu cầu bức thiết" của ngành cà phê VN. VN cần nghiên cứu sản xuất cà phê robusta chất lượng cao theo hướng Tổ chức Cà phê quốc tế (ICO) đang đầu tư dự án cho một số nước châu Phi như Cote Divoa, Ghana... Một loại cà phê có chất lượng hàng đầu để nâng cao hình ảnh, giá trị chung của cà phê VN sẽ là một giải pháp hiệu quả. Bài học ở các nước Colombia, Costa Rica... cho thấy, chỉ cần 5% cà phê chất lượng cao là họ có thể nâng giá cho toàn bộ cà phê có xuất xứ từ quốc gia mình.

Một giải pháp quan trọng khác để thúc đẩy phát triển ngành cà phê VN được các nhà quản lý và doanh nghiệp ngành cà phê thừa nhận là đẩy mạnh tiêu dùng cà phê trong nước. Nhiều kết quả điều tra cho rằng, tiêu thụ cà phê nội địa của VN chỉ khoảng 10% sản lượng, trong khi bình quân các nước thành viên ICO lại đạt đến 25,16%. Mỗi năm bình quân một người VN uống 0,5 kg cà phê, trong khi người Bắc Âu là 10 kg, người Tây Âu 5-6 kg. Ông Nhạn cũng cho rằng, học tập Brazil, Colombia, Indonesia, Việt Nam cần có chương trình khuyến khích tiêu dùng cà phê, trước mắt đưa lượng tiêu dùng hằng năm lên 1 triệu bao (bao 60 kg).

Việc tổ chức Tuần lễ Văn hóa Cà phê năm 2007 và Festival Cà phê Buôn Ma Thuột vào năm 2008 được xem là nằm trong nỗ lực chung nhằm thúc đẩy hơn nữa tiêu thụ cà phê trong nước.



Nguồn: chebien
Báo cáo phân tích thị trường