Thứ nhất, hiệu quả xuất khẩu thấp được thể hiện trên hai mặt là hiệu quả kinh tế thu được không cao và tác dụng thúc đẩy nền kinh tế phát triển không lớn.
Trước hết, xét về hiệu quả kinh tế, hoạt động xuất khẩu gạo là ví dụ có lẽ tiêu biểu nhất. Đó là, cho dù xuất khẩu gạo với quy mô lớn gần hai thập kỷ và đã trở thành cường quốc xuất khẩu gạo thứ ba, rồi thứ hai thế giới từ hơn 10 năm nay, nhưng vẫn có những "câu chuyện cười ra nước mắt" trong hoạt động này.
Chẳng hạn, theo số liệu của ITC và USDA, trong 5 năm 2001-2005, duy nhất chỉ có năm 2002 là năm giá gạo xuất khẩu của nước ta gần bằng giá gạo của cường quốc số 1 Thái Lan (223,86 USD/tấn so với 225,07 USD/tấn) còn 4 năm khác thấp hơn 12,42-20,46%.
Năm 2002 cũng chính là năm chúng ta được mùa kỷ lục trong vòng 18 năm xuất khẩu gạo quy mô lớn với sản lượng lúa tăng trên 2,3 triệu tấn, tương ứng khoảng 1,3 triệu tấn gạo và gạo xuất khẩu của nước ta được giá kỷ lục so với năm liền kề trước đó (tăng 33,62%), nhưng rõ ràng là chúng ta đã găm hàng lại (khối lượng xuất khẩu giảm gần 0, 5 triệu tấn so với năm 2001) để "chờ" giá 2003 "rơi tự do" xuống chỉ còn 188,97 USD/tấn (giảm 15,59% so với 2002) mới đẩy mạnh xuất khẩu.
Năm 2003 là năm sản lượng lúa gần như "đứng yên" như 2002 (34,569 triệu tấn so với 34,447 triệu tấn), còn khối lượng gạo xuất khẩu lại tăng gần 600 nghìn tấn.
Thứ hai, sự phát triển của nền kinh tế còn ở trình độ rất thấp của nước ta lệ thuộc ngày càng nhiều vào thị trường thế giới và rủi ro ngày càng lớn.
Có nghĩa là, nguồn động lực trong nước thúc đẩy nền kinh tế phát triển đã ngày càng yếu dần và trong điều kiện như vậy, những tác động bất lợi của thị trường thế giới đối với nền kinh tế nước ta đang lớn lên.
Thứ ba, không những vậy, nền kinh tế nước ta còn là một nền kinh tế phụ thuộc ngày nặng nề vào nhập khẩu, cho nên còn phải gánh chịu những tác động bất lợi rất lớn của thị trường thế giới ở đầu vào này.
Nếu thực tế sẽ diễn ra đúng như dự kiến thì "đoàn tàu xuất khẩu" nước ta cũng sẽ không thể tiến nhanh như thời kỳ "tiền WTO" đã qua, và do vậy, không thể hy vọng duy trì nguồn động lực thúc đẩy nền kinh tế phát triển mạnh như trước.