Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Làng nuôi heo công nghiệp
19 | 10 | 2007
Đó là làng thuộc thôn Nam Sơn xã Hoà Tiến, huyện Hoà Vang (Đà Nẵng), nơi chỉ có dăm bảy hécta có 10 trại nuôi heo quy mô lớn, tổng đàn 4-5 nghìn con/lứa. Tại đó, các trại heo xây dựng khá cơ bản, liên doanh với Công ty CP Thái Lan, nuôi quy mô công nghiệp. Tính ra, mỗi năm làng này xuất chuồng 5-6 trăm tấn thịt hơi.

Làng nuôi heo công nghiệp Nam Sơn ra đời từ năm 2002, do những cựu chiến binh (CCB) khởi dựng. Hồi đó, nhằm tạo việc làm tăng thu nhập cho các hội viên có hoàn cảnh khó khăn, Hội CCB huyện Hoà Vang chủ trương thành lập các tổ hợp tác, trong đó có tổ hợp tác chăn nuôi heo.

Tiềm năng hàng chục ha phía nam thôn Nam Sơn chưa sử dụng, được khai thác xây dựng các trại heo quy mô lớn. Công ty CP Thái Lan, cung cấp giống, thức ăn, bao tiêu sản phẩm. Một liên doanh phát triển chăn nuôi ở thôn Nam Sơn hình thành. Các CCB tiếp nhận con giống tốt, thức ăn đúng tiêu chuẩn từ công ty CP Thái Lan, thực hiện nuôi theo quy trình hướng dẫn.

Những người vốn quen nếp chăn nuôi vài ba con/lứa, đã nhanh chóng tiếp cận kiểu làm ăn lớn. Và họ đã thành công. Lứa đầu họ thả 200 con, rồi cứ thế tăng dần, nay có trại đã nuôi trên 800 con/ lứa. Con giống tốt, thức ăn đảm bảo chất lượng, vệ sinh phòng dịch chu đáo, heo nuôi tại làng này lớn nhanh, ít dịch bệnh. Tính ra, người nuôi thu nhập trên 50 nghìn đồng/ con. Bà Lê Thị Tịch, một trong những người đi tiên phong nuôi heo quy mô lớn tại đây cho hay: Xây xong trại, nói đến chuyện nuôi cùng lúc vài ba trăm con/lứa cũng lo. Từ trước đến nay nuôi nhiều lắm dăm bảy con/ lứa. Nhờ áp dụng công nghệ nuôi công nghiệp, thức ăn chế biến sẵn, nước sạch… nuôi heo đàn không mấy khó khăn. Nay trại của bà Tịch đã nuôi trên dưới 300 con/ lứa.

Trại của hộ ông Trần Đình Nhơn, xây dựng năm 2005, trên diện tích 1 ha với hai dãy chuồng khá cơ bản. Lứa đầu tiên gia đình ông đã thả nuôi 840 con. Nhờ chăm sóc chu đáo, thực hiện nghiêm ngặt quy trình nuôi, trại không chỉ đảm bảo về trọng lượng xuất chuồng mà còn tiết kiệm được thức ăn. Đã 3 năm nay trại luôn dẫn đầu về số lượng heo nuôi mỗi lứa, thường từ 700- 800 con.

Có thể nói, làng nuôi heo công nghiệp Nam Sơn đang là điểm sáng về CNH-HĐH nông nghiệp nông thôn ở Đà Nẵng. Chỉ 10 hộ với lực lượng lao động gần 30 người, đã sản xuất ra lượng của cải rất lớn. Tại đây, các quy định phòng bệnh được thực hiện nghiêm ngặt nên an toàn về dịch bệnh. Hộ chăn nuôi thu nhập hàng trăm triệu đồng/ năm đã là chuyện thường, không chỉ xoá nghèo như mục tiêu đềø ra mà hiện tại họ đang đẩy nhanh quá trình làm giàu.

Chưa có điều kiện dựng trại quy mô lớn, nhưng ở Nam Sơn hơn 30 hộ khác đã triển khai nuôi heo theo quy mô đàn 40-50 con/ hộ. Tiên phong trong số này phải kể đến các hộ trưởng phó thôn. Tại chuồng nhà ông Lê Văn Lý, trưởng thôn hơn 40 con heo đủ lứa, chuồng nhà ông Lê Duẩn phó thôn 45 con. Ông Lý cho biết: ở vùng đất này, nuôi heo thu nhập cao hơn 3-4 lần so trồng trọt, tính cùng mức đầu tư. Ông cho biết: canh tác 2 sào lúa, năm thu 700 kg thóc, với giá 3500 đ/ kg, trừ hết mọi chi phí có khi hoà vốn, năm được mùa lãi một vài trăm nghìn/ sào. Còn chăn nuôi, mỗi năm xuất chuồng 80 con, khoảng trên 5 tấn thịt hơi, chí ít cũng thu trên bảy chục triệu đồng. Trừ chi phí một nửa cũng còn hơn ba chục triệu đồng. Người nuôi heo thôn này đều lấy thức ăn thừa tại các nhà hàng quán ăn ở phố, nhờ vậy giá đầu vào hạ. Chỉ có thể nuôi heo quy mô công nghiệp mới xoá nghèo làm giàu bền vững và hiệu quả, ông Lý đúc kết như vậy.

Dịch bệnh ở heo đã gây thiệt hại không nhỏ cho hoạt động chăn nuôi tại nhiều địa phương. Một trong các nguyên nhân dẫn đến dịch bệnh là chăn nuôi quy mô nhỏ lẻ, việc tiêm phòng và thực hiện quy định phòng dịch không đến nơi đến chốn. Trong lúc đó, các trại nuôi quy mô công nghiệp đều an toàn về dịch bệnh do họ thực hiện tốt quy định phòng ngừa dịch bệnh. Qua đó, nuôi heo công nghiệp là hướng phát triển kinh tế khả thi ở khu vực nông thôn. Tuy vậy, hiện tại không ít hộ chăn nuôi đang khó khăn về vốn đầu tư nâng cấp quy mô chuồng trại, chưa được tiếp cận với kỹ thuật nuôi công nghiệp. Hi vọng, tương lai không xa ở Hoà Vang và các địa phương khác sẽ có nhiều làng nuôi heo công nghiệp như Nam Sơn ra đời, vừa là cơ hội cho nông dân làm giàu vừa cung cấp lượng lớn thực phẩm cho nhu cầu thị trường.



Nguồn: nongnghiep
Báo cáo phân tích thị trường