Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Bài học cho việc quy hoạch trồng cây cao-su
23 | 10 | 2007
Trong tổng số 4.600 ha cây cao-su của Công ty cao-su Hà Tĩnh thì có gần 700 ha bị gãy, đổ sau cơn bão số 5, làm thiệt hại đáng kể cho người trồng. Tuy nhiên, qua thiệt hại do bão gây ra đã bộc lộ những vấn đề bất hợp lý trong việc quy hoạch trồng cây cao-su. Hà Tĩnh cần tính toán, quy hoạch lại cho hợp lý, bảo đảm tính hiệu quả và lâu dài.

Những thiệt hại lớn

Sau bão số 5, chúng tôi ngược lên các nông trường cao-su huyện Hương Khê (Hà Tĩnh) để tìm hiểu, chia sẻ những thiệt hại với người dân vùng bão. Khi đến Nông trường cao-su Phan Ðình Phùng, thuộc Công ty cao-su Hà Tĩnh, chúng tôi chứng kiến cảnh những lô cây cao-su bị gãy đổ, xác xơ tiêu điều suốt chiều dài 3 km đường vào nông trường. Bờ lô bảo vệ khá dày, nhưng xem ra chả thấm vào đâu so với sức bão. Những gốc tràm, cao-su đường kính 15-20 cm bị gãy ngang thân hàng loạt, vô số cây bật rễ, ngả nghiêng... Do mưa bão mạnh, đường vào các đội cao-su đầy ổ voi, khe nước chắn ngang, dốc, trơn như đổ mỡ, xe và người như đánh vật với đường...

Văn phòng Nông trường Phan Ðình Phùng vắng tanh, lãnh đạo đơn vị đang có mặt ở các điểm thiệt hại nặng để chỉ đạo công tác khắc phục hậu quả bão số 5. Theo người dẫn đường, chúng tôi xuống đội 5 - nơi bị thiệt hại nặng nhất. Ði ngang lô cao-su của chị Ðặng Thị Hợi ở đội 4, chúng tôi nghe tiếng hò dô khẩn trương của tổ công nhân đang kéo dựng lại những cây cao-su bị đổ.

Dừng tay lau mồ hôi, chị Nguyễn Thị Nga, phụ trách cho biết: "Tổ chúng tôi được phân công khắc phục 10 lô cao-su bị đổ gãy. Suốt từ ngày 5-10 lại nay, các tổ viên đã xử lý không biết bao nhiêu cây gãy, bật gốc, kéo dựng lại hơn 800 cây khác. Lô cao-su nhà chị Hợi đây là lô thứ 5. Do quá nhiều cây đổ nên tốc độ khắc phục khá chậm...".

Chúng tôi đến thăm vợ chồng trẻ Võ Thị Lưu và Nguyễn Viết Ðại ở đội 5, gặp cả hai vợ chồng đều đang ở ngoài lô. Ðây là một trong những điểm có nhiều lô cao-su đang khai thác mủ bị thiệt hại nặng nhất. Chị Lưu tâm sự: "Nghe tin bão đổ bộ vào Hà Tĩnh, hai vợ chồng khẩn trương tỉa cành, chằng chống suốt ngày đêm để hy vọng giữ nguyên lô cao-su... Nhưng khi bão tan, hai vợ chồng đều ứa nước mắt khi nhìn thấy gần hết số cao-su đều bị gãy. Bao công sức vợ chồng bỏ ra chăm sóc suốt 10 năm qua, thế là trắng tay" (!).

Theo báo cáo của Công ty cao-su Hà Tĩnh, các Nông trường Thạch Ngọc và Phan Ðình Phùng ở huyện Hương Khê có núi cao che chắn, nên cao-su bị hỏng ít, mức độ thiệt hại do bão số 5 không nhiều, chỉ khoảng 100 ha đang khai thác mủ bị đổ, gãy. Thiệt hại nặng nhất là những lô cao-su ở Nông trường Kỳ Anh 1, thuộc huyện Kỳ Anh.

Do trồng cao-su ở vùng gần bờ biển, như xã Kỳ Hợp chỉ cách bờ biển 16 km lại trúng tâm bão, nên Nông trường Kỳ Anh 1 bị hư hại khoảng 548 ha cao-su, trong đó có hơn 250 ha đang kỳ khai thác mủ. Ông Phan Hậu Thành, Ðội trưởng đội 2 cho biết: "Riêng đội 2, Nông trường Kỳ Anh 1 bị thiệt hại lớn nhất với 136/138 ha cao-su bị hư hỏng"...

Cũng theo báo cáo: Ngoài gần 700 ha cao-su thì có gần 800 ha cây nguyên liệu khác của công ty cũng bị hư hỏng... ảnh hưởng không nhỏ đến cuộc sống của phần nửa số gia đình công nhân ở đây. Thiệt hại do bão số 5 gây ra đối với các nông trường cao-su thuộc Công ty ước lên đến 30 tỷ đồng.

Ngay sau bão, ông Trần Ngọc Thuận, Phó Chủ tịch Tập đoàn cao-su Việt Nam đã vào thăm, hỗ trợ 200 triệu đồng cho các gia đình công nhân bị thiệt hại; đồng thời chia sẻ khó khăn đối với công ty bằng việc đồng ý hỗ trợ vốn, lãi suất, cây giống để trồng lại số diện tích cao-su bị hư hại...

Cần một quy hoạch hợp lý

Trao đổi ý kiến với chúng tôi, ông Trần Ngọc Sơn, Giám đốc Công ty cao-su Hà Tĩnh cho biết: Thiệt hại do bão số 5 gây ra là quá lớn làm ảnh hưởng không nhỏ đến kết quả 10 năm xây dựng và phát triển của đơn vị, mà trực tiếp làm ảnh hưởng cuộc sống của hàng trăm hộ công nhân. Tuy nhiên, được sự hỗ trợ của Tập đoàn cao-su, công ty sẽ động viên cán bộ, công nhân viên trồng lại 500/700 ha cao-su bị hư hỏng nặng. Dự kiến, đến hết năm 2007 sẽ triển khai trồng khoảng 300 ha, số diện tích còn lại sẽ khai thác tận thu và trồng bổ sung trong năm 2008.

Về lâu dài, công ty sẽ kết hợp với Tập đoàn cao-su Việt Nam cùng ngành NN&PTNT và tỉnh Hà Tĩnh rà soát lại diện tích, quy hoạch và ưu tiên chọn những vùng xa biển, kín gió, phù hợp thổ nhưỡng, nhất là những vùng nằm dọc đường Hồ Chí Minh ở huyện Hương Khê để phát triển cao-su, bảo đảm tính hiệu quả và ổn định lâu dài. Tránh chạy theo thành tích mà phát triển cao-su xuống vùng gần biển như vừa qua là không hợp lý.

Chọn, thay thế giống cao-su cũ bằng các loại giống mới, ưu việt như: RIM 600, PV 260, PV 255... vừa rút ngắn thời gian kiến thiết cơ bản vừa chịu được gió, lại cho mủ nhiều. Thay đổi quy trình kỹ thuật trồng cây, từ trồng hàng ba hướng song song sang vuông góc với bờ biển, để tạo khoảng trống cho gió lùa...

Ở những vùng không kín gió, có nguy cơ xảy ra tần suất mưa bão nhiều, sẽ không để cây cao-su phát triển quá cao, có thể cắt ngọn khi cây đã lên cao quá 2-3 m. Tuân thủ nghiêm kỹ thuật trồng bờ lô chắn gió đúng quy định, có thể trồng phi lao đủ độ dày hay cao-su hạt thay cho trồng cây keo như trước đây; đồng thời có thể nghiên cứu, ứng dụng một số giải pháp trồng cao-su chịu gió của nước ngoài... Từng bước hợp tác với tỉnh Bolykhamxay, Kham Muon, nước bạn Lào để có thể tiến hành trồng cao-su "chạy bão" sang nước bạn trong thời gian tới...

Hy vọng Công ty cao-su Hà Tĩnh sẽ rút ra được những bài học về quy hoạch trồng cây cao-su từ những thiệt hại sau bão và có những giải pháp đồng bộ, khoa học để sớm khắc phục hậu quả, ổn định và phát triển.



Nguồn: chebien
Báo cáo phân tích thị trường