Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Dự báo sản lượng và mậu dịch gạo thế giới năm 2007 đều tăng
23 | 10 | 2007
Tổ chức Nông-Lương Liên Hiệp Quốc (FAO) dự báo sản lượng thóc toàn cầu năm 2007 sẽ đạt 633 triệu tấn, gần bằng mức cao kỷ lục năm 2005. Mậu dịch gạo thế giới năm nay cũng được dự báo sẽ đạt kỷ lục cao, 30,2 triệu tấn, tăng 3,4% (1 triệu tấn) so với năm 2006. Các nước xuất khẩu gạo chủ chốt nhìn chung đều đang đối mặt với sự hạn hẹp về nguồn cung trong năm nay.
Sản lượng năm nay sẽ tăng là nhờ sản lượng tăng ở nhiều nước sản xuất chính tại châu Á tăng lên, ngoại trừ một vài nước như Nhật Bản, Hàn Quốc do ảnh hưởng bởi quá trình cải tổ lại ngành hoặc bởi ảnh hưởng thời tiết thất thường (mưa đến muộn) như trường hợp của Indonesia và Sri Lanka. Năm 2007, sản lượng thóc của Bangladesh, được dự báo tăng mạnh so với năm ngoái trong khi của các nước sản xuất lớn nhưTrung Quốc, Ấn Độ, Thái Lan và Việt Nam dự đoán sẽ chỉ tăng nhẹ.
Sản lượng thóc của châu Phi năm 2007 có thể cũng tăng lên so với năm ngoái nếu thời tiết diễn biến thuận lợi. Việc giá gạo có xu hướng tăng cũng sẽ góp phần khích lệ các nước châu Phi nâng cao sản lượng. Tuy nhiên, sản lượng thóc của Madagascar dự đoán sẽ suy yếu do ảnh hưởng mạnh bởi lũ lụt hồi đầu năm.
Tại khu vực Mỹ La-tinh và Caribê (LAC), sản lượng thóc của Trung Mỹ và Caribê năm nay dự đoán sẽ tăng lên, nhưng có thể suy giảm tại Nam Mỹ trước sự suy yếu về sản xuất của Argentina, Brazil và Uruguay. Tuy nhiên, Colombia, Guyana, Peru và Venezuela sẽ có vụ thu hoạch thóc tốt hơn so với năm ngoái chủ yếu nhờ tăng diện tích đất trồng lúa.
Do ảnh hưởng bởi hạn hán, Australia có thể sẽ có một trong những vụ thu hoạch thóc kém nhất vào năm nay. Sản lượng thóc của Mỹ cũng được dự báo giảm 6% so với năm ngoái, xuống còn mức thấp nhất trong vòng 10 năm qua do nhiều nông dân đang có xu hướng chuyển sang trồng các loại cây nông nghiệp khác cho lợi nhuận cao. Tại châu Âu, nạn hạn hán đã kiềm chế sự phát triển vụ lúa của Tây Ban Nha và điều này có thể khiến sản lượng thóc của khối 25 nước thành viên Liên minh châu Âu (EU-25) sụt giảm. Tuy nhiên, với việc có thêm nguồn cung từ Romania và Bulgaria, thành viên mới, tổng sản lượng của EU-27 dự báo sẽ đạt 2,644 triệu tấn, cao hơn so với mức 2,613 triệu tấn của EU-25 năm 2006. Sản lượng của Nga năm nay cũng có khả năng tăng lên so với năm ngoái.
FAO cho rằng nhu cầu nhập khẩu tăng mạnh sẽ đẩy mậu dịch gạo toàn cầu năm nay đạt kỷ lục cao, và thị trường châu Á sẽ chiếm phần lớn sự gia tăng khối lượng nhập khẩu đó, trong đó đáng chú ý nhất là Indonesia. Khối lượng nhập khẩu gạo của Indonesia năm 2007 dự báo đạt 2 triệu tấn, tăng tới 800.000 tấn so với năm ngoái. Nhu cầu nhập khẩu gạo của Bangladesh và Nepal có thể tăng lên song lại có xu hướng giảm tại nhiều thị trường khác như Iran, Iraq, Malaysia và Philippines.
Nhập khẩu gạo của các nước châu Phi dự báo sẽ giảm từ mức 9,6 triệu tấn năm 2006, xuống còn 9,3 triệu tấn năm 2007. Nhu cầu nhập khẩu gạo của hầu hết các nước trong khu vực được dự báo hầu như không thay đổi nhiều so với năm ngoái nhờ sản lượng nói chung có thể tăng. Tuy nhiên, nhu cầu nhập khẩu gạo của khu vực Mỹ La-tinh và Caribe năm nay dự đoán sẽ tăng lên, cụ thể là các nước Brazil, Colombia, Cuba và Peru. Khối lượng gạo nhập khẩu của Mỹ và EU năm 2007 có thể tăng trong khi nhu cầu nhập khẩu của khẩu của xuất xứ.
Xuất khẩu gạo của Thái Lan và Campuchia được dự báo sẽ tăng mạnh trong năm 2007. Tiếp nối vụ mùa bội thu năm 2006, Campuchia có khả năng sẽ xuất khẩu tới gần 1 triệu tấn gạo năm 2007, tăng gấp 3 lần so với năm ngoái. Trong khi đó, với khối lượng gạo tồn kho lớn từ các chương trình thu mua vụ trước của Chính phủ Thái Lan, xuất khẩu gạo của nước này năm nay dự báo sẽ tăng tăng. Guyana và Ai Cập cũng có thể tăng nhẹ xuất khẩu gạo trong năm nay, song xuất khẩu từ Việt Nam và Ấn Độ được dự báo sẽ vẫn duy trì không đổi, ở lần lượt các mức 4,7 triệu tấn và 4,4 triệu tấn. Do cung hạn hẹp, khối lượng xuất khẩu gạo năm 2007 của Argentina, Australia, Pakistan, Mỹ và Uruguay có thể sẽ giảm sút so với năm ngoái.


Nguồn: vinanet
Báo cáo phân tích thị trường