Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Phát triển giống lúa XK ở các tỉnh phía Nam: Làm thế nào đủ giống cho 1 triệu ha ?
30 | 10 | 2007
Gia sản nước nhà có nhiều giống lúa ngon cơm, năng suất cao. Gạo VN khẳng định thế đứng trên thi trường xuất khẩu (XK). Tuy nhiên, trong chiến lược nâng cao phẩm chất hạt gạo cho đến nay bài toán “đau đầu” vẫn là còn thiếu giống chất lượng cao. Như thế từ nay đến 2010, giống vẫn là khâu mấu chốt đầu tiên cần chuẩn bị cấp bách để đáp ứng 1 triệu ha lúa XK.

Thiếu giống

Theo chỉ đạo Cục Trồng trọt, năm 2008 những giống lúa nhân giống gồm:

+ Nhóm giống chủ lực và bổ sung: IR 50404, OM 576, OMCS 2000, OM 2517, VND 95-20, OM 3536, IR 64, OM 4498, OM 2395, AS 996, MTL 384, OM 5930, ML 48.

+ Nhóm giống triển vọng mới: OM 4900, OM 4668, OM 6035, OM 5625, MTL 499, MTL 465, MTL 399.

+ Nhóm giống thơm đặc sản: JASMINE 85, VD 20, KHAO DAWK MALI, ST 5.

+ Lúa nếp, lúa mùa địa phương và mùa cao sản: Nếp bè, nàng thơm chợ đào, Tài nguyên, THĐB, OM 1352, OM 1350.

PGS.TS Dương Văn Chín, Phó Viện trưởng Viện Lúa ĐBSCL nêu hiện trạng các tỉnh phía Nam những năm qua, hệ thống nhân giống lúa ba cấp cho thấy giống siêu nguyên chủng (SNC) được nhân lên chủ yếu tại Viện Lúa ĐBSCL, Viện Khoa học Nông nghiệp miền Nam (VKHNNMN), trường Đại học Cần Thơ (ĐHCT), Cty CP Giống cây trồng miền Nam và Trung tâm giống các tỉnh có đủ điều kiện. Còn giống nguyên chủng (NC) và xác nhận (XN) được nhân lên từ các Trung tâm giống các tỉnh, các công ty, HTX và câu lạc bộ (CLB). Thế nhưng đến nay, tỉ lệ sử dụng giống XN để sản xuất trong dân còn thấp. Riêng ĐBSCL nhu cầu lượng giống XN hàng năm khoảng 400.000 tấn. Thế nhưng số lượng giống XN chính qui do các công ty sản xuất với qui trình kiểm định kiểm nghiệm đúng tiêu chuẩn chỉ đạt khoảng 36.000 tấn, chiếm 9%. Còn giống tương đương cấp XN do các HTX, CLB nhân giống đạt khỏang 84.000 tấn, chiếm 21%. Cả 2 nguồn cung cấp giống này cộng gộp lại cũng chỉ đáp ứng 30% nhu cầu.

Tuy nhiên, mặt nghiên cứu giống lúa lại đạt những thành tựu tiến bộ. Dẫu rằng do điều kiện khách quan, giai đoạn 1991-2000 Nhà nước đầu tư cho nghiên cứu giống nông nghiệp trên toàn quốc rất thấp, chỉ 15 tỉ đồng trong 10 năm, nhưng kể từ năm 1999 Chính phủ chấp thuận đầu tư 3.650 tỉ đồng thực hiện chương trình “Giống cây trồng, vật nuôi và giống lâm nghiệp giai đoạn 2000-2005” đã thực sự tạo động lực mới. Trong đó có 54 đề tài chọn tạo giống nông nghiệp với kinh phí 148 tỉ đồng và kết quả sau 5 năm có 69 giống lúa được tạo ra và công nhận. Tính trong vòng 18 năm (1986-2004), cả nước có 149 giống lúa được công nhận và trải qua quá trình sản xuất, chọn lọc, tồn tại khoảng 79 giống và 27 giống tồn tại với diện tích nhỏ. Riêng các tỉnh phiá Nam đến cuối năm 2005 có 75 giống lúa đang sản xuất.

Song vấn đề mới đặt ra sau khi bùng phát dịch hại rầy nâu, bệnh vàng lùn, lùn xoắn lá (RN, VL, LXL) trong năm 2006, cơ cấu giống lúa trong vùng bị tác động và có sự thay đổi. Nhiều địa phương đặt ra yêu cầu giống lúa XK sắp tới cần có khả năng chống chịu sâu bệnh. Do đó trước khi bước vào vụ lúa đông xuân (ĐX) 2007-2008 đa số cán bộ nông nghiệp từ các tỉnh phía Nam cho rằng, giống lúa tốt không thiếu. Nhưng số lượng giống đạt chất lượng không đủ cung ứng. Điển hình tại Bạc Liêu, ông Phan Văn Liêm, Giám đốc Trung tâm giống Nông nghiệp băn khoăn: “Hưởng ứng theo Cục Trồng trọt, Bạc Liêu có 90.000 ha sản xuất lúa chất lượng cao. Nông dân trong tỉnh đang cần bộ giống chất lượng ổn định, năng suất cao, khả năng chống chịu sâu bệnh. Tính ra năm 2007 Bạc Liêu cần 1.100 tấn lúa giống SNC và 190 tấn giống NC. Nhưng Viện Lúa ĐBSCL có ít quá, không đủ.”

Chuẩn bị “tăng tốc” ?

Để tạo nguồn cung cấp giống lúa đáp ứng nhu cầu XK, từ cuối tháng 10-2006, Bộ NN&PTNT phê duyệt dự án “Phát triển giống lúa XK vùng ĐBSCL giai đoạn 2006-2010” với tổng vốn đầu tư hơn 44,2 tỉ đồng, trong đó hơn 27,7 tỉ đồng từ vốn ngân sách Nhà nước và hơn 16,5 tỉ đồng là vốn tự huy động đầu tư sản xuất giống NC. Dự án này sẽ tạo động lực thúc đẩy phát triển các giống lúa có năng suất cao, chất lượng đạt mục tiêu XK, chống chịu một số sâu bệnh chính như RN, bệnh VL-LXL, phục vụ cho sản xuất 1 triệu ha lúa XK bền vững ở ĐBSCL.

Theo Viện Lúa ĐBSCL, đến nay công tác giống thuộc dự án đang triển khai thực hiện chính tại Viện Lúa ĐBSCL và 2 đơn vị phối hợp là VKHKTNNMN và trường ĐHCT. Theo đó mục tiêu sẽ duy trì và nhân đủ giống gốc để sản xuất giống SNC. Đến năm 2010 tổng diện tích đạt 22ha với sản lượng 3,15 tấn. Từ năm 2010, duy trì và nhân giống đạt 7ha/năm với sản lượng 1 tấn/năm. Về sản xuất và cung cấp đủ giống SNC để sản xuất giống NC sẽ có 75ha với tổng sản lượng 211 tấn. Từ năm 2010 duy trì 24ha/năm để nhân giống, sản lượng sẽ có hơn 67 tấn/năm. Từ quá trình sản xuất và nhân giống cung cấp giống NC sẽ đảm bảo một phần nhu cầu sản xuất giống XN cho địa phương. Bên cạnh đó, dự án cũng tăng cường năng lực chọn tạo, sản xuất, kiểm soát chất lượng giống, đảm bảo đủ khả năng sản xuất và cung ứng giống SNC chất lượng cao phục vụ sản xuất giống NC và XN cho địa phương thông qua đầu tư cơ sở vật chất, tập huấn.

Sở NN&PTNT, Trung tâm khuyến nông và Trung tâm giống các tỉnh phía Nam sẽ tham gia bình chọn, đồng thời kiến nghị những giống lúa có nhiều ưu thế. Thạc sĩ Phạm Văn Quỳnh, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Cần Thơ nói: “Thời gian qua, giống SNC các địa phương muốn tổ chức nhân giống không có. Do vậy, dự án này rất cần thiết để mở ra nguồn cung cấp. Còn lại các khâu sau địa phương sẽ nỗ lực sản xuất, tổ chức nâng cấp, nâng chất và đánh giá chất lượng giống.”

PGS.TS Dương Văn Chín nhìn nhận thực trạng các địa phương kêu ca thiếu giống và ngay cả Viện Lúa ĐBSCL cũng gặp khó. Nhưng cái khó lớn hơn là do các địa phương và viện chưa lập được cơ quan kiểm định hạt giống. Do đó Viện Lúa phấn đấu đến năm 2008 sẽ có phòng kiểm nghiệm chất lượng hạt giống. Như vậy hướng tới đáp ứng giống cho 1 triệu ha lúa XK phải nhắm tới các giống lúa ngắn ngày, năng suất cao và chất lượng gạo cao. Đó là phản ánh chân thực và kỳ vọng từ dự án này trong 5 năm tới.



Nguồn: nongnghiep
Báo cáo phân tích thị trường