Chính phủ Việt nam tiếp tục cấm ký hợp đồng xuất khẩu mới sau khi các công ty xuất khẩu hoàn thành chỉ tiêu xuất khẩu gạo năm 2007. Tại Ấn Độ, tồn kho gạo giảm, trong khi sản lượng gạo vụ 2007/2008 dự báo sẽ giảm. Nhằm đảm bảo an ninh lương thực quốc gia, từ 9/10 Chính phủ Ấn Độ đã thi hành lệnh cấm xuất khẩu đối với các loại gạo phi – Basmati từ ngày 9/10/2007. Mặc dù hiện Ấn Độ đã nới lỏng lệnh cấm xuất khẩu gạo, cho phép xuất khẩu một số loại gạo chất lượng cao, song nguồn cung từ nước này vẫn rất hạn chế. Các loại gạo phi-basmati của Ấn Độ có giá trên 425 USD/tấn được phép xuất khẩu.
Tại Thái Lan, mặc dù nguồn cung gạo ở mức cao do Chính phủ đã bán một khối lượng lớn gạo từ tồn kho Nhà nước cho các nhà xuất khẩu, nhưng mưa nhiều đã ảnh hưởng đến tiến độ vận chuyển gạo tới cảng. Nhu cầu nhập khẩu gạo của Thái Lan tăng vững từ nhiều nước châu Á, Trung Đông và châu Phi. Hiện các nhà xuất khẩu Thái Lan đang nỗ lực hoàn tất những hợp đồng đã ký. Với khối lượng hợp đồng đã ký rất lớn, họ sẽ phải gom thóc gạo từ nay tới cuối năm mới hoàn tất các hợp đồng này, chủ yếu sang Trung Quốc, Iran, Irắc, Nhật Bản và Philippine. Chính phủ Thái Lan cũng đang tích cực bán gạo dự trữ ra, vừa để lấy chỗ chứa gạo vụ mới, vừa tranh thủ lúc giá cao. Ngày 26/10 Bộ đã chào bán tổng cộng 913.439 tấn gạo dự trữ từ niên vụ 2004/05 và 2005/06, bao gồm gạo hương nhài, gạo 5% tấm và gạo 25% tấm. Việc bán gạo sẽ giúp chính phủ giảm bớt lượng gạo dự trữ xuống 2,2 triệu tấn, so với 4,4 triệu tấn hiện nay. Nông dân Thái lúc này không muốn bán gạo cho chính phủ mà muốn bán cho các nhà xay bởi giá cao hơn. Chính phủ Thái đặt mục tiêu mua 8 triệu tấn thóc theo chương trình hỗ trợ can thiệp giá này, từ 1/11/07 đến 29/2/08.
Theo Chủ tịch Hiệp hội các nhà Xuất khẩu gạo Thái Lan, Chookiat Ophaswongse, xuất khẩu gạo nước này năm 2008 có thể tăng tới khoảng 9 triệu tấn, tăng gần 500.000 tấn so với năm 2007 bởi nhu cầu tăng từ các đối tác thương mại lớn. Xuất khẩu gạo năm 2007 dự kiến đạt 8,5 triệu tấn, song nếu vấn đề hậu cần ở các cảng biển chính gặp khó khăn, xuất khẩu có thể sẽ không đạt mục tiêu này. Hiện đang thiếu trầm trọng tàu vận chuyển gạo. Ông Chookiat dự kiến đơn đặt hàng mua gạo từ những thị trường tiêu thụ chính như châu Phi và châu Á sẽ tiếp tục tăng trong năm 2008, do nhu cầu tăng mạnh từ Nigeria, Indonexia và Philippine, và bởi xuất khẩu gạo của Việt Nam giảm để đảm bảo đủ cung trên thị trường nội địa. Xuất khẩu gạo Thái Lan sang châu Phi năm 2008 dự báo sẽ tăng 17,3% đạt 3,69 triệu tấn, và sang châu Á sẽ tăng 13,4% đạt 2,7 triệu tấn.
Trung Quốc chuẩn bị nhập khẩu thêm gạo từ Nhật dù giá gạo của Nhật cao hơn khoảng 20 lần gạo của Trung Quốc. Giám đốc Cơ quan Quản trị Giám sát Chất lượng, Thanh tra và Kiểm dịch Trung Quốc, ông Li Changjiang, cho biết các thủ tục chuẩn bị cho việc nhập khẩu thêm gạo từ Nhật Bản rất thuận lợi nhưng ông không tiết lộ thời gian và lượng nhập khẩu thêm. Lô hàng nhập khẩu gạo đầu tiên từ Nhật Bản, gần 24 tấn, đã được bán tại các bách hóa của Bắc Kinh và Thượng Hải từ tháng 7 và đến nay đã hết hàng, cho dù giá gạo của Nhật cao hơn 20 lần gạo của Trung Quốc. Lệnh cấm nhập khẩu gạo Nhật Bản đã được Trung Quốc áp dụng năm 2003 sau khi nước này phát hiện sâu bệnh trong sản phẩm. Tuy nhiên, nó đã được dỡ bỏ vào tháng 4 năm nay.
Dự báo giá gạo tại Trung Quốc sẽ tiếp tục cao từ nay đến hết năm do lạm phát và chi phí sản xuất dự báo sẽ tăng lên. Giá gạo chất lượng trung bình hiện giá 1.600-1.800 NDT/tấn. Dự báo giá tiêu dùng tăng sẽ đẩy giá gạo tăng lên. Tuy nhiên, khả năng giá tăng hơn nữa bị hạn chế bởi sản lượng gạo trong nước năm nay sẽ tăng so với năm ngoái, và chính sách kiểm soát giá trên tầm vĩ mô của chính phủ nước này.
Trong 2-3 năm qua, thế giới luôn thiếu gạo. Năm 2006, tỷ lệ thiếu hụt là 6%. Từ tháng 11/2006, giá gạo basmati trên thị trường quốc tế đã tăng 35% đến 40% do thiếu cung ở các nước sản xuất gạo hàng đầu thế giới. Trong niên vụ này, các nước Trung Quốc, Thái lan, Việt Nam, Ấn Độ và Sri Lanka dự báo cũng sẽ thiếu hụt nguồn cung xuất khẩu. Lý do của sự thiếu hụt này là do dân số tăng hàng năm, trong khi sản lượng không tăng đủ để đáp ứng nhu cầu. Do vậy, các chính phủ cần phải nỗ lực tăng mạnh sản lượng, từng bước đáp ứng đủ nhu cầu trong nước, tiến tới xuất khẩu. Do thiếu cung gạo trên toàn cầu, giá gạo đang tăng nhanh trên thị trường quốc tế, làm tăng thu nhập cho các nhà xuất khẩu gạo, đồng thời khiến các nước đều tăng cường xuất đi gạo dự trữ của mình, do vậy giá gạo nội địa cũng tăng lên.
Diễn biến giá gạo (USD/tấn, FOB):
| Loại | 26/10 | 19/10 |
Gạo Việt nam | 5% tấm | 325-330 | 325 |
| 25% tấm | 300 | 297 |
Gạo Thái lan | 100% B | 345-350 | 339-344 |
| 5% | 332-338 | 332-338 |