Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Tiêu chuẩn cà phê mới: Nơi đón đầu, nơi trì hoãn
06 | 11 | 2007
Tiêu chuẩn mới cho cà phê (TCVN 4193 - 2005) ban hành từ 2005, đến nay mới có 10% số DN áp dụng, với khoảng 1 - 1,5% lượng cà phê xuất khẩu hàng năm. Vụ cà phê mới đã bắt đầu, song các DN vẫn lấn cấn vì chưa có quyết định về lộ trình áp dụng tiêu chuẩn mới từ Bộ KH - CN.

Tổ chức Cà phê Quốc tế (ICO) cảnh báo, trong 6 tháng (tính từ tháng 3/2007 về trước), cà phê có nguồn gốc từ Việt Nam bị thải loại chiếm tới 88% tổng số cà phê bị thải loại của thế giới, tăng 19% so với 6 tháng trước đó. Mất tiền tỷ đã đành, cà phê Việt Nam còn bị mang tiếng xấu về chất lượng, uy tín sụt giảm. Điều đó nói lên sự cấp thiết về việc áp dụng tiêu chuẩn mới cho cà phê Việt Nam.

Đón đầu

Công ty TNHH Sản xuất và Thương mại Thái Hoà là một trong năm DN xuất khẩu cà phê lớn tại Việt Nam, với công suất 200.000 tấn/năm và sắp tới sẽ nâng lên 300.000 tấn. Tham vọng của Thái Hoà là xuất khẩu thêm 200.000 tấn cà phê hòa tan, và nhà máy chế biến này đang được xây dựng.

Ông Nguyễn Văn An, Tổng Giám đốc Công ty, cho biết, loại tiêu chuẩn thấp nhất cho cà phê xuất khẩu của công ty đã là 4193 - 2005. Hầu hết mặt hàng cà phê Arabica xuất khẩu đều trên các tiêu chuẩn nước ngoài, còn cà phê Robusta thì năm vừa rồi bắt đầu áp dụng tiêu chuẩn mới. Công việc không đến nỗi vất vả và khó khăn như khi chưa bắt tay vào làm.

"Thực trạng nguồn cà phê Robusta Việt Nam không xấu. Nếu hướng dẫn bà con không hái cà phê quả xanh, không xát dập, không phơi sân đất, không ủ đống trước khi phơi thì cà phê Việt Nam rất tốt, chỉ có 60 - 70 lỗi/300g", ông An chia sẻ tại một hội nghị về nâng cao chất lượng và lộ trình áp dụng tiêu chuẩn mới trong sản xuất cà phê xuất khẩu, do Bộ NN - PTNT tổ chức mới đây, tại Hà Nội.

Ông An đề nghị, bên cạnh việc áp dụng TCVN 4193 - 2005, các DN phải đưa nguyên liệu qua chế biến trong các nhà máy trước khi xuất khẩu, tránh tình trạng không đầu tư thiết bị để chế biến mà mua của dân thế nào xuất đi như thế, dẫn đến tình trạng chất lượng cà phê không bán được. Vị Giám đốc này nhận xét, việc áp dụng tiêu chuẩn 4193 - 2005 vào thời điểm hiện nay là hoàn toàn phù hợp cho cà phê Việt Nam xuất khẩu.

Ông Đoàn Triệu Nhạn, Phó Chủ tịch Hiệp hội Cà phê Ca cao (VICOFA), cho biết, từ năm 2005, Việt Nam đã có tiêu chuẩn TCVN 4193 - 2005 phù hợp với cách phân loại của Hội đồng Cà phê Thế giới nhưng quy định trên lại không có tính bắt buộc nên chưa mấy nhà sản xuất chế biến áp dụng. Từ khi Bộ Thương mại (cũ) ra văn bản yêu cầu thực hiện từ tháng 10/2007 về việc áp dụng tiêu chuẩn mới, các DN chế biến và xuất khẩu lại phản ứng dữ dội.

"Chúng ta đã bị thế giới nhắc nhở rất nhiều về chất lượng cà phê xuất khẩu. Tôi đề nghị Chính phủ cần có hành động ngay để có hướng đi trong việc nâng cao chất lượng. Có chất lượng tốt thì cạnh tranh tốt. Việc bắt buộc áp dụng TCVN 4193 - 2005 đúng là cần thận trọng và có lộ trình của nó, nhưng do tính cấp thiết của sự việc, lộ trình này không nên kéo quá dài kéo theo sự tổn thất của cà phê Việt Nam " - ông Nhạn lưu ý.

Tại sao DN lấn cấn tiêu chuẩn mới?

Hiện nay, việc áp dụng cách phân loại theo tiêu chuẩn cũ chỉ coi trọng tỷ lệ hạt đen vỡ. Điều này vừa không khuyến khích các nhà sản xuất và chế biến coi trọng chất lượng, vừa tạo điều kiện để các nhà nhập khẩu có lý do đánh tụt chất lượng các lô hàng, làm giảm uy tín chất lượng cà phê Việt Nam. Chính vì vậy, thực hiện tiêu chuẩn mới, chúng ta buộc phải phân loại theo số lỗi.

Tuy nhiên, ông Vũ Đức Tiến, Tổng Giám đốc Công ty CP xuất khẩu Cà phê Tây Nguyên, cho rằng, áp dụng TCVN 4193 - 2005 đồng nghĩa với việc các DN phải thay máy móc và toàn bộ quy trình mua, sơ chế, đóng bao cà phê. Việc ứng phó này cần có tiền, thời gian.

Bên cạnh đó, Việt Nam đang phụ thuộc quá nhiều vào tập quán canh tác, thu hái cà phê của người dân - vốn lạc hậu, tuỳ tiện, không dễ thay đổi ngày một ngày hai. Nếu áp dụng TCVN 4193 - 2005, sản lượng cà phê xuất khẩu sẽ giảm do việc thải loại cà phê chất lượng kém sẽ nhiều hơn (có thể chiếm tới 25 - 30% tổng sản lượng cà phê Việt Nam). Trong số này, hệ thống rang xay trong nước chỉ tiêu thụ được 10%, số còn lại sẽ bị ứ đọng, làm cho sản xuất và tiêu thụ cà phê chậm lại.

Đại diện Công ty Liên doanh Dakman ước tính, nếu áp dụng ngay lập tức tiêu chuẩn 4193 - 2005 thì lượng cà phê phế phẩm phải loại bỏ của người dân có thể lên đến 60.000 tấn, tương đương 93,3 triệu USD. Thiệt hại sẽ tăng lên nếu thời tiết vào lúc thu hoạch xấu đi.

Chưa kể, các nhà XNK cà phê Việt Nam, cũng như các nhà rang xay nước ngoài, không mặn mà khi mua cà phê nhân áp dụng theo tiêu chuẩn mới. Ông Tiến lo ngại việc đàm phán ký kết hợp đồng mới với khách hàng sẽ gặp nhiều bất lợi. Việc mua bán hàng theo cách tính lỗi cũng chỉ phù hợp với thị trường giao dịch kỳ hạn, không phù hợp với thực tế xuất khẩu Việt Nam.

"Tiêu chuẩn mới còn nhiều bất cập, chưa hợp lý, chưa phù hợp với thế giới và được bạn hàng đồng tình. Tất cả các nhà xuất khẩu và nhập khẩu chưa gặp nhau khi áp dụng tiêu chuẩn này. Việc áp dụng tiêu chuẩn mới thời điểm này là chưa phù hợp", ông Vũ Đức Tiến nói.

Theo ông Bùi Đình Trụ, Trưởng ban KH - CN Tổng Công ty Cà phê Việt Nam, có thể khuyến khích các DN áp dụng TCVN 4193 - 2005 ngay từ niên vụ 2007 - 2008, đồng thời kiên trì đàm phán và thuyết phục các khách hàng truyền thống mua cà phê Việt Nam theo tiêu chuẩn mới. Song, về mặt pháp lý, tiêu chuẩn kỹ thuật chỉ là văn bản mang tính chất áp dụng tự nguyện, cần sớm xây dựng và ban hành Quy chuẩn Kỹ thuật về cà phê xuất khẩu Việt Nam.

Đến từ Cục Trồng trọt (Bộ NN - PTNT), Cục trưởng Nguyễn Trí Ngọc kết luận, đúng là sự phối kết hợp để thực hiện tiêu chuẩn TCVN 4193 - 2005 đối với cà phê xuất khẩu hiện chưa tốt. "Khâu mang tính đột phá là từ DN, các cơ quan nhà nước. Từ đó, người trồng cà phê mới tích cực áp dụng có hiệu quả tiêu chuẩn này”, ông Ngọc nhận xét.

Lộ trình áp dụng TCVN 4193 - 2005 (Bộ NN - PTPT đề xuất)

Cục Trồng trọt (Bộ NN - PTNT) khuyến khích các DN xuất khẩu triển khai ngay TCVN 4193 - 2005 từ niên vụ cà phê 2007 - 2008 và đàm phán thuyết phục khách hàng chấp thuận. Phấn đấu đến hết niên vụ 2007 - 2008, có 20% số DN và khoảng 5% lượng cà phê xuất khẩu áp dụng tiêu chuẩn mới.

Các DN chưa áp dụng TCVN 4193 - 2005 sẽ được lấy mẫu điểm một số lô hàng để đánh giá chất lượng làm cơ sở cho việc khắc phục, bảo vệ uy tín, chất lượng cà phê Việt Nam.

Từ niên vụ 2008 - 2009 sẽ thực hiện bắt buộc kiểm tra cà phê xuất khẩu theo tiêu chuẩn mới. Những lô hàng không đạt chất lượng theo TCVN 4193 - 2005 nhưng phù hợp với tiêu chuẩn theo hợp đồng vẫn được thông quan, song, DN phải cam kết áp dụng tiêu chuẩn mới vào niên vụ tiếp theo.

Từ niên vụ 2009 - 2010, sẽ thực hiện kiểm tra bắt buộc chất lượng với tất cả các lô hàng cà phê xuất khẩu theo TCVN 4193 - 2005 khi thông quan, nếu không đạt tiêu chuẩn yêu cầu khắc phục tại chỗ.



Nguồn: chebien
Báo cáo phân tích thị trường