Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Tiêu thụ thuỷ sản ở các nước Ảrập
16 | 11 | 2007
Liên đoàn Ảrập có 22 nước thành viên. Tổng sản lượng thủy sản toàn khối trong năm 2003 đạt khoảng 2,7 triệu tấn, tương đương 2% sản lượng thủy sản thế giới.

Mức tiêu thụ bình quân tính trên đầu người của khu vực là 9,15 kg, thấp hơn nhiều so với mức trung bình 16,3kg của thể giới. Chỉ có 6 nước có mức tiêu thụ tương đối cao, đó là Ôman: 37,4kg; UAE: 29,2kg; Quatar: 20,2kg; Marốc: 19,3; Cômôrốt 19kg và Môritani: 18,3kg.

Tiêu dùng và sở thích

Khả năng cung cấp thủy sản cho khu vực Ảrập xuất phát từ 3 nguồn chính:

+ Đánh bắt trên biển và vùng nước ngọt.

+ Nuôi trồng thủy sản.

+ Nhập khẩu (dùng làm thực phẩm và phi thực phẩm khác).

Theo dự đoán, nguồn cung cấp trong tương lai sẽ phụ thuộc chính vào nuôi trồng và nhập khẩu.

Phương thức tiêu dùng của các nước này chủ yếu phụ thuộc vào:

- Nguồn thu nhập (tầng lớp thu nhập cao thường có nhu cầu đối với nhiều loại thủy sản khác nhau).

- Các yếu tố văn hóa, xã hội như trình độ văn hóa, qui mô gia đình, tôm giáo, tín ngưỡng và điều cấm kỵ cũng ảnh hưởng rất lớn đến sức tiêu thụ thực phẩm.

Tuy nhiên trong hai thập kỷ vừa qua, đặc biệt là ở những nước sản xuất dầu mỏ, lối sống của người dân đã có nhiều thay đổi. Nhập khẩu lao động nước ngoài và thông tin quảng cáo cũng góp phần tích cực vào sự thay đổi này. Nhiều mặt hàng thủy sản tươi, ướp đá, đông lạnh, đồ hộp do địa phương sản xuất và nhập khẩu đã xuất hiện nhiều trong các hệ thống siêu thị của khu vực.

Số các trung tâm đô thị lớn ở vùng duyên hải tăng lên, ở đây có truyền thống ăn thủy sản, bên cạnh đó là giá cả các loại thịt đỏ lên cao đã góp phần gia tăng nhu cầu đối với thủy sản và đưa mức tiêu thụ trên đầu người trong khu vực tăng lên. Một số yếu tố khác cũng làm gia tăng nhu cầu thủy sản, đó là tốc độ phát triển dân số, thu nhập của người dân tăng cao (tại các nước sản xuất dầu mỏ) và lao động nhập cư ngày càng nhiều.

Nhập khẩu thủy sản

Hầu hết các nước Ảrập là những nhà nhập khẩu thủy sản và các sản phẩm thủy sản chế biến sẵn. Năm 2003, các nước này đã nhập 531.000 tấn, trị giá 726 triệu USD, trong đó hai nhà nhập khẩu lớn nhất là Ai Cập với 178.000 tấn, trị giá 110 triệu USD (chủ yếu là các loại thủy sản có giá trị thấp, bán cho người tiêu dùng) và Ảrập Xê-út với 100.000 tấn, trị giá 136 triệu USD (nước này NK nhiều loại thủy đặc sản, thủy sản cao cấp phục vụ người nước ngoài và tầng lớp thu nhập cao).

Các nhà nhập khẩu đáng kể khác là UAE với 44.000 tấn, trị giá 105 triệu USD; Tuynidi với 28.000 tấn, trị giá 36 triệu USD; Gioócđani với 21.000 tấn, trị giá 29 triệu USD.



Nguồn: thongtinthuongmaivietnam
Báo cáo phân tích thị trường