Hiện nay Mỹ là nhà NK thủy sản lớn thứ ba trên thế giới, chỉ đứng sau EU và Nhật Bản. NK thủy sản của Mỹ đã tăng liên tục trong hơn thập kỷ qua, từ 5 tỉ USD năm 1990 lên 11,3 tỉ USD năm 2004, trong khi đó XK thủy sản của Mỹ hầu như không tăng trong cùng kỳ.
Về triển vọng lâu dài, tăng trưởng của NK sẽ mạnh hơn nhiều so với XK. Vì vậy kể từ năm 1992, thâm hụt thương mại ngày càng tăng, năm 2003 đã đạt mức kỷ lục 7,8 tỉ USD.
Ba ngành hàng NK chủ yếu là tôm, cá hồi và cua – chiếm tới 63% tổng NK từ năm 1990 đến 2004. Trong giai đoạn này NK tôm tăng từ 1,6 tỉ USD lên 3,7 tỉ USD, chiếm 4% tổng NK thủy sản và chiếm 5% tổng tiêu thụ TS trong năm 2004. Tuy nhiên do hậu quả của các biện pháp chống bán phá giá đối với tôm và việc áp đặt mức thuế cao khiến tổng NK tôm của Mỹ trong 4 tháng đầu năm 2005 đã giảm 12%.
Cá hồi là ngành hàng NK lớn thứ 2 của Mỹ, đã đạt mức 1,04 tỉ USD trong năm 2004. NK cua đạt 789 triệu USD. Các mặt hàng thủy sản NK quan trọng khác là cá rôphi, cá ngừ, và nhuyễn thể. Cá rôphi trở thành mặt hàng có sức tăng trưởng mạnh nhất trong tổng NK thủy sản của Mỹ, do nhu cầu đối với loại cá thịt trắng tự nhiên tiếp tục tăng với tốc độ rất cao.
Các nước cung cấp hàng TS lớn cho Mỹ có Canađa và Thái Lan, hai thị trường này lần lượt chiếm gần 20% và 15% tổng NK trong mấy năm gần đây, Canađa là nhà cung cấp chính về tôm hùm chế biến, Thái Lan là nhà cung cấp chính về tôm.
Các nhà cung cấp lớn khác gồm có Trung Quốc với tôm và cá rôphi; Việt Nam, Inđônêxia, Ecuađo, Mêhicô và Ấn Độ với tôm; Chilê với cá hồi. Trung Quốc hiện là cung cấp lớn thứ 3 nhưng có tốc độ tăng trưởng nhanh từ 5% năm 1995 lên 11% năm 2004. Do ngành nuôi trồng TS Trung Quốc phát triển mạnh, họ sẽ nhanh chóng vượt Canađa và Thái Lan để chiếm vị trí nhà cung cấp TS hàng đầu cho Mỹ.
Nhu cầu đối với thủy sản của thị trường Mỹ
Mặc dù tiêu thụ thủy sản tính trên đầu người của Mỹ vẫn ổn định ở mức 15 pao/năm trong nhiều năm nay, nhưng dự đoán sức tiêu thụ sẽ tăng do sản phẩm thủy sản nuôi trồng ngày càng rẻ. Hiện nay Mỹ tiêu thụ gần 12 tỉ pao thủy sản/năm. Đến năm 20025, nhu cầu sẽ tăng thêm 4,4 tỉ pao (hai triệu tấn) so với mức hiện tại.
Đến năm 2020, dự tính 50% nguồn cung cấp cho thị trường Mỹ sẽ xuất phát từ nuôi trồng. Hiện tại 70% thủy sản tiêu thụ ở Mỹ là từ nguồn NK, trong đó có đến 40% là sản phẩm nuôi trồng.
Sự tăng trưởng về kinh tế, dân số tăng lên và sự chuyển dịch dân số sẽ dẫn đến những thay đổi trên thị trường thủy sản Mỹ trong thập kỷ tới, nó sẽ tác động đến sự lựa chọn sản phẩm của người tiêu dùng.
Theo Hiệp hội Thủy sản Hoa Kỳ, 5 sản phẩm thủy sản đứng đầu tiêu thụ hiện nay là tôm, cá ngừ đóng hộp, cá hồi, cá minh thái và cá nheo, chiếm 76% tổng tiêu thụ thủy sản của Mỹ. Dự đoán các sản phẩm cá tươi và đông lạnh sẽ chiếm tỉ trọng tăng dần trong tổng tiêu thụ.
Tôm vẫn là mặt hàng dẫn đầu. Đến năm 2020, tôm, cá hồi, cá rôphi và cá nheo sẽ là bốn mặt hàng thủy sản được tiêu thụ hàng đầu trên thị trường Mỹ.